Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

ĐỒNG TIỀN VÀ QUYỀN LỰC ĐÈ BẸP NGÀNH GIÁO DỤC

Chúng ta đang mải theo cái nụ cười của những giáo viên nâng điểm sau khi rời phiên toà, để lại trong chúng ta cái cảm giác vừa tức giận, vừa cay đắng, lại vừa bẽ bàng.
Những thầy cô hôm qua còn dạy con em chúng ta những lời hay ý đẹp, những đạo đức làm người để cho ra những "con người" thật sự, thì nay tra tay vào còng trở thành những kẻ phạm pháp, với hành vi gian dối.
Những thầy cô hôm qua còn đứng bục giảng với một sứ mệnh cao đẹp: làm cho xã hội tốt đẹp hơn bằng việc giáo dục những điều tốt đẹp, nay đứng trước toà và nói: "Cả tập thể đi khom, mình đứng thẳng thì thành khuyết tật"
Một điều bất thường thành bình thường, hồn nhiên xấu hồn nhiên ác và hồn nhiên thành dửng dưng trong môi trường giáo dục của chúng ta hôm nay...
----------------------------
🛑Theo dõi vụ án từ đầu đến giờ, tôi thấy chúng ta tập trung vào việc đòi hỏi trách nhiệm của những người thầy và phê phán họ không tiếc lời, dĩ nhiên, chúng ta không sai vì chúng ta yêu cầu những người cầm đèn phải là những người sáng tỏ, chuyện bình thường. Nhưng có lẽ, việc giữ sự lương thiện không chỉ tuỳ thuộc vào các thầy cô giáo, khi mà câu nói "ai cho ta lương thiện" của Chí Phèo vẫn cứ văng vẳng từ thế kỷ trước đến giờ ngày một rõ.
Vậy, ai đã tước đi cái lương thiện của các thầy cô, bên cạnh việc các thầy cô cũng chủ động đánh mất nó?
🛑Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận khách quan, trong vụ án này có sáng lên 2 từ, từ thứ nhất là từ "chỉ đạo", và từ thứ hai là từ "tiền"
📌Có thể các phiên toà đang bỏ qua, chữ "chỉ đạo" cũng không đậm nét trên các bài báo, nhưng nó lại là từ có thật
Rõ ràng, nếu không được sự "chỉ đạo" thì các thầy cô không thể tự nâng điểm cho học sinh được và chẳng việc gì họ phải làm thế.
Khi thế lực và quyền lực trở thành một nỗi trấn áp và trở thành một thứ quyền lợi tối thượng: Con của lãnh đạo là phải đỗ, con của lãnh đạo là phải vào các trường ngon nhất hiện nay để sau này dễ cơ cấu..., những điều này phải là sự thật, thì các thầy cô chỉ là những người làm theo mệnh lệnh để đảm bảo thứ quyền lợi tối thượng đó mà thôi.
Dù ông Triệu Tài Vinh "đau lòng" vì tự dưng con bị nâng điểm thành...thủ khoa, thì ông cũng nên biết tự xấu hổ vì cái "đau lòng" đầy trơ trẽn ấy. Có bao giờ ông Vinh và những ông quan cấp tỉnh tự hỏi: Các ông có để yên cho ai dám để con các ông được điểm số đúng thực chất và trượt đại học không?
Bao nhiêu con của quan chức xứ này "trượt đại học"? Và bao nhiêu cậu ấm cô chiêu chơi bời học dốt đột nhiên ung dung đi vào giảng đường, ai cũng biết, kể cả các thầy cô, nhưng mấy ai lên tiếng?
Thưa ông Vinh và những ông bà tương tự ông Vinh, người đau lòng nên là nhân dân, vì họ sẽ có những cán bộ tương lai là con các ông, với trình độ non kém và đi lên bằng gian dối.
Và dĩ nhiên, con của các ông, dù có dốt đến chân trời góc bể, thì vẫn cứ dửng dưng rằng "tao đỗ đại học là bình thường".
Thế nên, chuyện đi học để cống hiến cho xã hội không còn là khái niệm, mà thay vào đó là phải thành danh để có bổng lộc, đã thành phổ biến, thành ý thức hệ. Các ông đã tạo ra các thế hệ chỉ biết quyền lực mà không biết đến giá trị cống hiến và sòng phẳng với xã hội. Các ông đã bẻ cong lưng, làm cúi đầu trước quyền lực và tiền bạc, không chỉ là một thế hệ!
📌Khi đồng tiền cất tiếng thì âm nhạc cũng phải im lặng - thì các thầy cô im lặng và...đi khom cũng là chuyện bình thường. Nhưng vấn đề là tiền của ai, thưa, của những kẻ giàu có.
Nhìn lại suốt một vụ việc thì những thủ khoa đểu, những "tài năng" đểu của các tỉnh bị phanh phui vừa rồi, thì không có con ai là CON NHÀ NGHÈO. Đa số đều là con quan chức, con doanh nhân.
Vậy các vị "phụ huynh" trong các phiên toà này, các vị nên ngậm bớt cái alo lại, đừng trơ trẽn đến mức nói rằng tôi chỉ cần ít điểm thôi ai ngờ bị nâng lên cao thế, con tôi chỉ cần vào trường này trường nọ.

🛑Tôi đang thắc mắc là vì sao vụ này pháp luật lại không sờ đến các vị.
Các vị dùng đồng tiền của mình để thao túng ngành giáo dục, để bẻ cong đạo đức của thầy cô, để đưa những đứa con dốt nát của mình ngồi chệm chễ trên những trường đại học hàng đầu, đó là tội ác đấy, các vị.
Không hiểu sao theo dõi vụ việc, điều làm tôi ức chế đến căm phẫn, chính là các vị, chứ không phải thầy cô phạm tội. Và cả sự trơ trẽn của các vị nữa. Các vị đang tỏ ra rằng có tiền là mua luôn cả được nhân cách con người, các vị làm cho những điều tốt đẹp và niềm tin vào những điều tốt đẹp bị huỷ hoại.
Khi con của các vị được mua chỗ vào các trường đại học cũng đồng nghĩa với việc những em học sinh nghèo mà có năng lực mất cơ hội. Hàng thật bị thay bằng hàng giả và đẩy ra rìa xã hội, các vị đã góp phần làm đen thêm môi trường sống và chà đạp lên sự công bằng xã hội bằng sự gian dối của chính mình. Mãi muôn đời, không ai tha thứ nổi cho các vị đâu!
Chẳng ai tha thứ cho những kẻ dùng quyền lực và tiền bạc khiến nhiều thế hệ không ngóc đầu lên nổi!

1 nhận xét:

  1. Để không có các sai phạm trong ngành giáo dục thì đầu tiên các bậc phụ huynh là cán bộ không nên can thiệp vào kết quả học tập của con mình; đồng thời cũng xử lý nghiêm các cán bộ có sai phạm

    Trả lờiXóa