Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Phẩm chất đạo đức của cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị



Ttình yêu thương và lòng khoan dung đối với mọi người, hết lòng vì con người. Khổng Tử đã từng răn dạy: Mình muốn lập thân thì cũng muốn người lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng muốn người thành đạt, điều gì mình không muốn thì đừng đem đối xử với người. Nói cụ thể hơn, cách tốt nhất để nâng cao uy tín của người lãnh đạo, quản lý là người đó suốt đời phấn đấu, hy sinh, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Làm được như thế thì nhất định sẽ được mọi người yêu mến, quý trọng và giúp đỡ.
Sống ngay thẳng, trung thực, giản dị, phấn đấu thực hiện tốt: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhân, nghĩa, trí, dũng. Điều quan trọng là hiểu mình và hiểu người, biết khước từ mọi cám dỗ đời thường, biết chế ngự lòng tham và sự si mê đồng tiền, si mê quyền lực, không mưu cầu danh lợi, không thu vén, tư túi cá nhân. Bởi đó là con đường ngắn nhất để giết chết cái tâm, cái đức, cái tài, đưa sự nghiệp tiêu vong, làm cho mọi người oán trách.
Suốt đời học tập, rèn luyện, tu dưỡng để nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết, thấy cái xấu phải tránh, biết việc nên làm thì gắng làm, đồng thời giúp mọi người học tập, rèn luyện để mở mang tri thức, nâng tầm hiểu biết. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trên giao, không bị tụt hậu, lạc hậu. Các nhận định, quyết định, chủ trương, chính sách, giải pháp, biện pháp đề xuất mới chuẩn xác, đạt hiệu quả, hợp lòng dân, tránh được sai lầm, tổn thất.
Biết khen chê, thưởng phạt người dưới quyền một cách công minh, thấu tình, đạt lý, biết thuyết phục mọi người, làm cho mọi người “tâm phục, khẩu phục, trí phục”, biết hướng thiện và làm cho họ luôn tin tưởng vào lẽ sống và con đường đi mà người lãnh đạo đã chỉ dẫn, làm cho họ yêu đời và tự tin hơn, biết làm việc, biết sống với mọi người sao cho có tình, có nghĩa, có thuỷ, có chung. Người lãnh đạo, quản lý còn phải biết tổ chức tự phê bình và phê bình nhằm giúp cho con người và tổ chức trở nên vững vàng hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Từ đó, phát hiện, lựa chọn và nuôi dưỡng nguồn kế cận, kế tiếp cho Đảng, cho dân, “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.
CÔNG NHÂN

1 nhận xét:

  1. Người cán bộ giỏi phải biết luôn làm cho cấp dưới tâm phục, khẩu phục mình

    Trả lờiXóa