Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Tự phê bình và phê bình phải đi kèm với kỷ luật nghiêm minh


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là thứ "vũ khí thần diệu" để Đảng thường xuyên trong sạch, vững mạnh.
Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XII vừa qua, Đảng đã nghiêm túc nhìn nhận sau nhiều năm thực hiện các nghị quyết về chỉnh đốn Đảng, cùng với những kết quả đạt được, tình trạng suy thoái trong Đảng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có dấu hiệu cho thấy còn phức tạp hơn. Một phần quan trọng là do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì đây là khâu mấu chốt nhất nhưng cũng có nhiều khó khăn nhất.
Nhận định tình hình về công tác xây dựng Đảng những năm qua, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”. Nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, nghị quyết cũng nêu: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.
Nguyên nhân của những yếu kém trong tự phê bình và phê bình là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp nhận thức về việc tự kiểm điểm còn nặng tính hình thức, qua loa, chiếu lệ, tự phê bình và phê bình chưa tự giác, chưa gương mẫu và thiếu quyết tâm thực hiện. Mặt khác, việc thực hiện các nội dung, quy trình tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng chưa thực sự nghiêm túc, ảnh hưởng đến chất lượng tự phê bình và phê bình. Một số cấp ủy, trước hết là đồng chí bí thư, thường trực cấp ủy chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện tự phê bình và phê bình; chưa nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” trong đấu tranh phê bình hoặc lợi dụng đấu tranh phê bình để “hạ bệ”, “thanh trừng” lẫn nhau, gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết. Có tình trạng, tổ chức đảng, người có nhiều ưu điểm chưa được động viên khen thưởng thỏa đáng; trái lại, người nhiều khuyết điểm nhưng vẫn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được khen thưởng, đưa vào quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý, được bổ nhiệm, luân chuyển hay giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn.
Việc tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội... ở nhiều nơi còn thực hiện mang tính hình thức. Có nơi còn vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, trù dập người dân khiến họ né tránh, e ngại trong việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên, không dám tố giác tham nhũng, tiêu cực...
 Tự phê bình và phê bình phải đi kèm kỷ luật nghiêm minh:
Để tự phê bình và phê bình thực sự là vũ khí sắc bén, “thần diệu”, là quy luật phát triển của Đảng, chúng ta phải trở lại những điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung này. Theo Bác: “Mục đích phê bình để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Tự phê bình và phê bình phải có tình thương yêu của con người bởi vì tình yêu thương của đồng chí, đồng đội tiếp thêm sức mạnh cho những cán bộ, đảng viên sau những vấp ngã, vươn lên trong cuộc sống, hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng và tổ chức giao phó. Bởi vậy, khi phê bình đồng chí mình không nên có thái độ công kích, đao to, búa lớn, mặc cảm, xa lánh mà phải “khéo” sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình. Người yêu cầu các chi bộ và cá nhân đảng viên khi tiến hành tự phê bình và phê bình là phê bình việc chứ không phải phê bình người. Phê bình phải làm cho đồng chí mình nhận ra những sai lầm, khuyết điểm, khi đã nhận thức được sai lầm, thiếu sót thì phải có biện pháp tích cực sửa chữa. Bác đã chỉ rõ: “... Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, châm chọc”. Thái độ đúng đắn trong phê bình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là “lý lẽ phân minh, nghĩa tình đầy đủ”. Phê bình phải sáng suốt, không cực đoan nhưng cũng không xuê xoa, vì nếu thiếu kiên quyết hoặc thỏa hiệp với những sai trái thì sẽ đánh mất niềm tin vào lẽ phải, đánh đồng tốt và xấu. Khi phê bình phải thực sự khách quan, công tâm chứ không phải “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, để dẫn tới tình trạng cùng phe cánh thì bao che, không cùng phe cánh thì bới móc. Phê bình phải công khai, tránh thái độ “trước mặt không nói, soi mói sau lưng”...
Học và làm theo tư tưởng, tấm gương của Bác, từng bước khắc phục những hạn chế trong tự phê bình và phê bình đã nêu trong các nghị quyết, thời gian qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã chứng kiến quyết tâm mạnh mẽ của Đảng mà trước hết là ở cấp Trung ương trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ. Sau khi ban hành Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị đã chỉ đạo về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trên cơ sở đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Qua kiểm điểm, nhiều tổ chức đảng, đảng viên, cả nghỉ hưu và đương chức, có một số cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Ngay trước và tại Hội nghị Trung ương 5 mới đây, Trung ương đã thi hành kỷ luật một số cán bộ cao cấp của Đảng, một số cán bộ chủ chốt tỉnh, thành phố, ngành. Hơn một năm qua, nhiều vụ việc tham nhũng lớn cũng đã được phát hiện, xử lý. Những kết quả bước đầu đó đã tạo không khí tích cực, tin tưởng trong toàn Đảng, toàn dân về cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này.
Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để tự phê bình và phê bình thực chất và hiệu quả, điều rất quyết định chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nguyên tắc này. Chỉ khi đội ngũ cán bộ, những người đứng đầu nhận thức đúng và dũng cảm nêu gương trong tự phê bình và phê bình thì tổ chức ấy, tập thể ấy mới có không khí dân chủ, biết và dám tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy phải có thái độ nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá đúng ưu, nhược điểm của các cấp ủy viên, các đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt để kịp thời sửa chữa sai sót, yếu kém, đồng thời là “nói phải đi đôi với làm”, nghĩa là nghiêm túc sửa chữa ngay sau khi tự phê bình và phê bình.
Cùng với vai trò gương mẫu của người đứng đầu thì các cấp ủy, tổ chức đảng cần đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình. Nội dung tự phê bình và phê bình phải là những vấn đề cụ thể, sát thực đối với đời sống hằng ngày cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên. Cách thức tiến hành phải mềm dẻo, khéo léo. Nếu chỉ dùng phương pháp cứng rắn, mệnh lệnh, ép buộc thì rất khó tiếp thu. Phê bình không đúng lúc, đúng chỗ, không khôn khéo sẽ có tác dụng ngược lại, thậm chí còn gây hậu quả xấu.
Điều quan trọng nữa là phải hoàn thiện các chế tài, quy định để thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở các cấp, trong đó cần có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh phê bình. Sinh hoạt Đảng, nhất là ở chi bộ cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; phải bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, báo chí truyền thông… trong tham gia góp ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phản biện chính sách.
Lịch sử ra đời, hoạt động và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng đã chứng minh, chỉ khi nào Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nghiêm túc tự phê bình và phê bình thì khi đó Đảng mới có thể nhận thức được đúng quy luật khách quan và có quyết sách đúng đắn để tạo chuyển biến, đưa cách mạng tiến lên. Tất nhiên, đây là công việc khó, đòi hỏi phải có dũng khí, có phương pháp, phải “thấu tình đạt lý” mới mang đến hiệu quả thiết thực. Tại một hội nghị, nói về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những phân tích sâu sắc: “Thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng là khâu mấu chốt nhất nhưng cũng có nhiều khó khăn nhất. Bởi vì, nó đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình. Nếu không hết lòng vì sự nghiệp chung, không có dũng khí, không thật sự cầu thị thì không dám nói hết khuyết điểm của mình và không dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên. Thái độ nể nang, hữu khuynh “im lặng là vàng”, hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình”./.



1 nhận xét:

  1. Kỷ luật là sức mạnh củ xử lý nghiêm khắca Đảng; do đó các cán bộ sai phạm phải bị

    Trả lờiXóa