Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Người cựu binh chứng kiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc



Cựu chiến binh Trần Văn Chương trong căn nhà nhỏ ở phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Ông là một trong những người may mắn có mặt ở Dinh Độc Lập vào đúng thời khắc lịch sử của dân tộc cách đây 45 năm.
Tháng 3-1975, sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng, theo trục đường 21, các đơn vị của Sư đoàn 10 trong đó có đơn vị của ông Chương được lệnh tiến xuống giải phóng Nha Trang, Khánh Hòa. Sau thời gian chuẩn bị, đến ngày 11-4 rời Cam Ranh hành quân vào Tây Bắc Sài Gòn.
Đảng ủy Trung đoàn 28 xác định tư tưởng chỉ đạo tác chiến là “Mạnh bạo, chắc thắng, đánh mạnh, nắm vững thời cơ, thọc sâu, phát triển nhanh, đánh hiểm, đánh thắng, dứt điểm nhanh”. Tiểu đoàn 1 của ông Chương có nhiệm vụ đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 5 không quân, sẵn sàng phát triển đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu của chính quyền Sài.
Theo thời gian hiệp đồng, 6 giờ 30 phút ngày 29/4, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm, đơn vị bắt đầu xuất phát. Các phân đội lần lượt cơ động vượt qua trạm điều chỉnh của quân đoàn. Theo đường công binh cắm lộ tiêu tiến về Phú Hà Đông. Quá trình tiến công gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch, buộc đơn vị vừa hành quân vừa triển khai đội hình chiến đấu. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, Trung đoàn 28 đã loại bỏ toàn bộ địch và làm chủ Phú Hà Đông.
Trưa 29-4, các đơn vị của trung đoàn đang phát triển chiến đấu theo đường 15 tiến về Hóc Môn đến cầu Sáng, khi chiếc xe tăng thứ 3 vừa qua thì cầu bị gãy. Tình huống ngoài dự kiến nên toàn bộ đội hình phải dừng lại bố trí hai bên cầu sẵn sàng đánh địch phản kích. Nhận thấy không còn thời gian cho công binh sửa cầu, được lệnh của trên, toàn bộ đội hình quay lại đi theo đường số 8 ra đường 1B để tiến nhanh về Hóc Môn. Đến 18 giờ, toàn bộ đội đơn vị đến ngã tư Quang Trung thì dừng lại triển khai đội hình chiến đấu và tiến hành trinh sát đường đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Khi sân bay Tân Sơn Nhất được đánh chiếm, trung đoàn được lệnh phải nhanh chóng cơ động theo đường 1B thọc sâu đánh chiếm Bộ tổng tham mưu của chính quyền Sài Gòn.
Trên đường tới Dinh Độc Lập, những người lính như ông Chương đã thức suốt bao đêm để hành quân thần tốc, đêm đầu tiên của ngày chiến thắng, họ đã thức cả đêm dài để tâm sự, chia sẻ những dự định về tương lai sau ngày thống nhất. Những kỷ niệm về những ngày chiến đấu cùng nhau lại ùa về, nghĩ thương đồng đội hy sinh trước giờ chiến thắng. Suy nghĩ không biết ở nhà bố mẹ, vợ con, anh em đang làm gì khi chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Những người lính đã chia sẻ với nhau địa chỉ quê quán để sau này hẹn tìm về nhà nhau, cùng hứa với nhau tìm về những nơi mình đã đi qua trong cuộc chiến tranh để gặp lại bà con, nhân dân đã cưu mang, nuôi dưỡng mình, tìm lại đồng đội còn nằm nơi chiến trường ác liệt”, cựu chiến binh Trần Văn Chương chia sẻ./.
TRƯỜNG TỒN

1 nhận xét:

  1. Với các chiến sỹ năm xưa thì những kỷ niệm đẹp như thế này sẽ không bao giờ nhạt phai trong họ

    Trả lờiXóa