Biểu tình là một trong những quyền của
công dân, được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế; tuy nhiên, khác với các quyền căn bản khác như quyền được
sống, quyền tự do và an toàn thân thể, quyền tự do ngôn luận ..., quyền biểu tình được ẩn chứa trong quyền tự do hội họp. Ở Việt Nam, đến
Hiến pháp năm 1959 quyền biểu tình được ghi nhận trong thành một quyền riêng
bên cạnh các quyền tự do khác. Kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1959, Hiến
pháp năm 1980, năm 1992 và Hiến pháp hiện hành tiếp tục ghi nhận quyền biểu
tình của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự
do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình
…”.
Trên diễn đàn khoa học pháp lý, quan
niệm về biểu tình, quyền biểu tình của công dân vẫn là vấn đề còn có các ý kiến
khác nhau. Có nhiều cách diễn đạt khác nhau về khái niệm biểu tình, nhưng hầu
hết đều nhìn nhận có những điểm chung, đó là hành động bất bạo lực, có sự tham
gia một số lượng người nhất định, nhằm thể hiện quan điểm về một vấn đề nào đó
trong xã hội.
Hiện nay, trong điều kiện chưa có Luật Biểu
tình, những vấn đề liên quan đến quyền biểu tình được điều chỉnh bởi Luật Xử lý
vi phạm hành chính năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số
38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005
của Chính phủ Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; Thông tư số
09/2005/TT-BCA ngày 5/9/2005
của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP. Mặc dù các
văn bản này không trực tiếp đề cập đến quyền biểu tình của công dân, nhưng các
quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng, thủ tục đăng ký tập trung
đông người ở nơi công cộng, các biện pháp bảo đảm trật tự cộng cộng, ... đã
điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến quyền biểu tình của công dân mà việc đưa
ra những hạn chế chỉ có thể do luật định. Những năm qua đã xảy ra tình trạng
biểu tình tự phát vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, như các cuộc
biểu tình của những người dân mua chung cư bị lừa gạt, các cuộc biểu tình của
công nhân ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, …. Đặc biệt, năm 2014
khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của nước ta đã
gây làn sóng phản ứng dữ dội của người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước,
nhiều cuộc biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc đã diễn ra. Từ các cuộc biểu
tình tự phát đã dẫn đến các cuộc bạo loạn đáng tiếc xảy ra ở Bình Dương hay
Vũng Áng, Hà Tĩnh, …. Từ thực tế trên cho thấy, việc nghiên cứu hoàn thiện cơ
sở pháp lý về quyền biểu tình của công dân là nhu cầu cần thiết. Mặc dù đã đưa
vào kế hoạch ban hành luật nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo gặp nhiều khó khăn,
vướng mắc nên Dự thảo Luật Biểu tình vẫn chưa sẵn sàng để được trình lên Quốc
hội; mặt khác dư luận xã hội cũng như ngay trong ý kiến của một số đại biểu
Quốc hội vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao về vấn đề đưa Dự thảo Luật Biểu
tình ra xem xét.
Việc nghiên cứu xây dựng và ban hành
văn bản luật điều chỉnh những vấn đề mang tính chất nhạy cảm như quyền tự do
dân chủ, quyền biểu tình của công dân đòi hỏi cần được tiến hành một cách thận
trọng, khoa học, không thể nóng vội, chạy theo thành tích. Cần phải tiến hành khảo
sát, tập hợp ý kiến của đông đảo các đối tượng trong xã hội như: người dân,
người lao động, doanh nghiệp, sinh viên, nhà khoa học, cơ quan quản lý, cơ quan
bảo vệ pháp luật, ... về các quy định trong Dự thảo Luật Biểu tình; tổ chức
thường xuyên các cuộc hội thảo, tọa đàm về những chính sách, dự kiến nội dung
của Dự thảo Luật; nghiên cứu, đánh giá dự báo những tác động có thể diễn ra sau
khi Luật Biểu tình được ban hành làm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách
lựa chọn phương án khả thi nhất cho Dự án Luật. Luật Biểu tình cần bảo đảm chất
lượng, hiệu quả và tính khả thi, góp phần giữ vững ổn định xã hội, phát triển
kinh tế trong bối cảnh các thế lực thù địch thường lợi dụng các quyền tự do dân
chủ và tự do cá nhân của công dân đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do
thông tin, tự do báo chí, quyền hội họp, biểu tình để phục vụ mục đích chống
phá Nhà nước, phá hoại an ninh chính trị, gây bất ổn xã hội hòng thực hiện diễn
biến hòa bình, “cách mạng màu”, lật đổ chế độ như đã từng xảy ra ở các nước
Đông Âu. Trong khi đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về
quyền con người, quyền công dân còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, dẫn đến
cách hiểu không thống nhất về quyền biểu tình của công dân.
Trong tình hình, bối cảnh nêu trên, nếu
nhằm mục đích là gửi một thông điệp đến với cộng đồng, xã hội, Nhà nước về một
vấn đề nào đó trong xã hội thì công dân có nhất thiết phải đi biểu tình khi có
nhiều kênh khác thực hiện hiệu quả hơn, như: thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở;
thực hiện quyền công dân theo Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018,
Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, …; nêu
chính kiến, kiến nghị thông qua hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam hay các tổ chức thành viên của Mặt trận, thông qua hoạt động tiếp xúc
cử tri trước mỗi kỳ họp của các đại biểu Quốc hội; v.v…. Hiện nay, có nhiều vấn
đề nóng bỏng đang hàng ngày thách thức chúng ta, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân ta phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung cao độ
các nguồn lực để xử lý, giải quyết; đó là: chống đại dịch Covid-19; phòng,
chống thiên tai, địch họa; giữ vững ổn định xã hội, tăng trưởng kinh kế; xóa
đói, giảm nghèo bền vững; …. Theo đó, cũng như thực tế quản lý xã hội hàng chục
năm qua cho thấy: “dân dĩ thực vi tiên” và Dự thảo Luật Biểu tình chưa phải là
vấn đề bức thiết đối với quốc kế, dân sinh nên cần phải được tiếp tục nghiên
cứu chu đáo, cẩn trọng hơn nữa, không nên nóng vội đưa ra Quốc hội xem xét trong
giai đoạn này./.
Khi ban hành một luật nào đó phải hết sức cân nhắc; kẻo lợi bất cập hại
Trả lờiXóa