Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

BÁC HỒ LUYỆN ĐỌC

Ngày 15-11-1968, Bác Hồ tiếp đại biểu cán bộ và công nhân ngành than. 
Trước đó, ngày 4-11, Bác bị ho, bãi nhổ thấy có máu. Các bác sĩ vào khám cho Bác, cho biết: Họng vỡ tia máu, phải bôi thuốc. Từ đó, tiếng nói của Bác yếu hẳn đi.
Vì sức khỏe, Bác không xuống Quảng Ninh trực tiếp gặp gỡ cán bộ và công nhân ngành than được, nên Người đã cử Thủ tướng Phạm Văn Ðồng xuống gặp gỡ và làm việc với anh em công nhân, sau đó mời một đoàn đại biểu của ngành than lên làm việc với Bác.

Bác Hồ không muốn vì tiếng nói của mình yếu có thể gây lo lắng cho cán bộ và đồng bào, nên một mặt Bác dặn phải chuẩn bị máy phóng thanh cho tốt, để dù Bác có nói yếu, mọi người vẫn nghe rõ, mà không biết Bác mệt; hai là Bác tiến hành luyện đọc, sao cho to giọng, tròn tiếng để chuẩn bị gặp gỡ cán bộ ngành than.
Từ ngày 5-11, mỗi buổi sáng sau khi rửa mặt xong, Bác vào phòng làm việc của đồng chí Vũ Kỳ,cầm quyển "Kiều" và tập đọc to thành tiếng.
Bác nói với đồng chí bảo vệ:
- Chú đứng thật xa ra để nghe Bác đọc, xem nghe có rõ không? Nếu nghe không rõ, sẽ xích gần thêm lại, đến lúc thật rõ thì dừng lại để xem khoảng cách là bao nhiêu.
Ðồng chí bảo vệ đi ra. Bác đọc:
- Trăm năm trong cõi người ta!
Chữ tài chữ mệnh khéo là yêu nhau!
Sau đó, Bác gọi đồng chí bảo vệ lại, hỏi:
- Bác đọc chú nghe có rõ không?
- Thưa Bác, rõ ạ.
- Chú thử nói lại xem Bác đọc câu gì?
Ðồng chí bảo vệ đọc lại đúng nguyên văn câu Kiều:
"Trăm năm... khéo là ghét nhau!".
- Ðấy, chú có nghe thấy rõ Bác đọc cái gì đâu?
Và từ đó liên tục Bác luyện đọc vào các buổi sáng.
15 giờ chiều 15-11-1968, Bác tiếp đại biểu ngành than. Khoảng 14 giờ 30 phút, đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Bộ trưởng Ðiện và Than, vào báo cáo chương trình làm việc với Bác. Người nói với đồng chí Nguyễn Hữu Mai:
- Chú là Bộ trưởng, chỗ đứng của chú không phải là ở bên Bác. Chỗ đứng của chú là ở cuối phòng. Chú nghe  Bác nói, nếu không được rõ chú giơ tay làm hiệu, lúc đó Bác sẽ cố gắng nói to hơn để mọi người đều có thể nghe được rõ hơn.
Sau này, đồng chí Nguyễn Hữu Mai  trầm trồ mãi: Thật là một bài học lớn cho cuộc đời làm Bộ trưởng của tôi! Mình có nghe rõ mới biết quần chúng có nghe được hay không.
May mắn lớn là hôm đó, đồng chí Mai không phải giơ tay làm hiệu lần nào. Ðó là kết quả cố gắng rèn luyện của Bác, và bài học lớn Bác truyền lại cho chúng ta: Nói với quần chúng, không phải chỉ quan tâm đến nội dung, câu chữ, mà còn cả giọng điệu nữa, để xem cuối cùng nó có đến được với quần chúng không.
Tính mục đích, tính thiết thực, tính hiệu quả của nói và viết ở Bác Hồ nhất quán là như vậy.
(Nguồn Báo nhân dân)

2 nhận xét:

  1. Thương Bác vô cùng

    Trả lờiXóa
  2. bác Hồ của chúng ta là như vậy đó; bị đau họng nhưng không muốn để mọi người biết thêm lo lắng cho Bác

    Trả lờiXóa