Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

Nâng cao bản lĩnh chính trị - biện pháp ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

  “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hệ quả của bản lĩnh chính trị không vững vàng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là một thách thức to lớn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt thì yêu cầu không chỉ có bản lĩnh, mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đó là sự kiên định, vững vàng trong nhận thức và hành động, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, không dao động trước sự cám dỗ về vật chất; có trình độ, năng lực tốt; có tính đảng, tính chiến đấu cao, dám nhìn thẳng vào sự thật, dám thừa nhận và quyết tâm sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, v.v. Đối lập với người có bản lĩnh chính trị vững vàng là những người thiếu ý chí quyết tâm, dễ dao động, lùi bước trước khó khăn, không có chính kiến rõ ràng, thậm chí là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, phai nhạt niềm tin, lý tưởng,… dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Bản lĩnh chính trị là nhân tố tổng hợp của lập trường chính trị, trình độ chính trị, thái độ chính trị, kỹ năng chính trị, dũng khí chính trị của cán bộ, đảng viên. Nó không phải tự nhiên có được; tố chất của con người chỉ là điều kiện thuận lợi để xây dựng bản lĩnh, còn bản lĩnh chính trị chủ yếu do giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện mà nên. Thực tiễn cách mạng luôn đặt ra yêu cầu cao đối với mỗi cán bộ, đảng viên về bản lĩnh chính trị, nhất là khi họ giữ cương vị, trọng trách lớn.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy vậy, bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ tham nhũng, lãng phí vẫn chưa bị đẩy lùi, có mặt diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Trước thực tế đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, ngục ngã trước cám dỗ, “viên đạn bọc đường”. Thậm chí, một số cán bộ, đảng viên “tự diễn biến” tư tưởng chính trị và “tự chuyển hóa”, thay đổi lập trường, quan điểm chính trị, đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cổ súy, ủng hộ, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, chống phá đất nước. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương,… bị thi hành kỷ luật về đảng, thậm chí bị xử lý hình sự. Việc xử lý cán bộ vi phạm đảm bảo nghiêm minh, công khai, minh bạch, “không có vùng cấm”, bất kể người đó là ai, đang công tác hay đã nghỉ hưu, giữ cương vị gì,... cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta trong việc làm trong sạch đội ngũ, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Với trách nhiệm chính trị của người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, làm cơ sở chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Người có chức vụ càng cao thì bản lĩnh chính trị càng phải vững vàng, gương mẫu, đó là yêu cầu, tiêu chí đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét