Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN QUA TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC”

 

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa cá nhân là những quan điểm, quan niệm tuyệt đối hoá vai trò và lợi ích cá nhân, đề cao tự do cá nhân, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, trước hết và đối lập với lợi ích tập thể.

Khái niệm chủ nghĩa cá nhân

Chủ nghĩa cá nhân được Hồ Chí Minh sử dụng lần đầu tiên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947) và dần được bổ sung cùng với quá trình lãnh đạo cách mạng của Người. Theo Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa cá nhân là đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”. Chủ nghĩa cá nhân là “so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn” hoặc “Chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác... Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa cá nhân là những quan điểm, quan niệm tuyệt đối hoá vai trò và lợi ích cá nhân, đề cao tự do cá nhân, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, trước hết và đối lập với lợi ích tập thể. Chủ nghĩa cá nhân, dù xem xét ở góc độ nào thì cũng là đề cao, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, làm gì cũng nghĩ đến mình trước hết, muốn mọi người vì mình mà không muốn mình vì mọi người. Chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với đạo đức cách mạng, trái với chủ nghĩa tập thể, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân.

Nguồn gốc, bản chất và biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân

Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm tất yếu của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Người viết: Trong xã hội cũ, bọn phong kiến địa chủ, bọn tư bản và đế quốc thẳng tay áp bức, bóc lột những tầng lớp người khác, nhất là công nhân và nông dân. Người cho rằng, thói quen và truyền thống lạc hậu nảy sinh từ nền nông nghiệp tiểu nông lúa nước vẫn còn tồn tại trong cách nghĩ cách làm của một bộ phận nhân dân, cán bộ, đảng viên. 

Bên cạnh những nguồn gốc khách quan nói trên, chủ nghĩa cá nhân còn nảy sinh từ những nguyên nhân chủ quan. Ở đây, Hồ Chí Minh chỉ rõ nguyên nhân chủ quan làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân bao gồm hai mặt. Một mặt, theo Người, do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối. Họ nặng tính thực dụng, thiếu tu dưỡng rèn luyện thường xuyên nên ý thức giác ngộ, lập trường giai cấp phai nhạt, tư tưởng hưởng thụ, bệnh gia trưởng, hẹp hòi ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy chi phối suy nghĩ và hành vi. Do lười học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, dẫn tới nhận thức, giác ngộ về hệ tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong không ít cán bộ, đảng viên yếu kém, vì thế họ ngày càng xa dân, không được nhân dân ủng hộ trong thực tế. Đó là nguy cơ lớn liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Có thể thấy, việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập để nâng cao năng lực, phẩm chất cách mạng vừa là biểu hiện, vừa là nguyên nhân hình thành chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên… 

Bản chất của chủ nghĩa cá nhân theo quan điểm của Hồ Chí Minh chính là sự tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, tách rời, coi thường và đối lập với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, thể hiện: Đối với lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa cá nhân đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc, cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc. Đối với nhân dân, chủ nghĩa cá nhân là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, xa rời nhân dân, là quan liêu, hách dịch đối với nhân dân. Đối với nhiệm vụ cách mạng, chủ nghĩa cá nhân là sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa, luôn đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đối với mình, chủ nghĩa cá nhân là tự tư, tự lợi, tự kiêu, tự mãn, tranh công đổ lỗi, công thần; đòi hưởng thụ, đãi ngộ, tham lam, lười biếng, hiếu danh, hẹp hòi; thực dụng. Do vậy, chủ nghĩa cá nhân là mặt trái, là yếu tố kìm hãm sự phát triển của cá nhân trong xã hội mới, văn minh, hiện đại, bởi nó gây tác hại nghiêm trọng không chỉ cho bản thân cá nhân mà còn cho xã hội. Theo Hồ Chí Minh, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được thể hiện thông qua các hành vi của mỗi con người: chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân; là tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành, tham nhũng quyền lực; quan liêu, mệnh lệnh; xa rời quần chúng. 

Tác hại của chủ nghĩa cá nhân

Về chính trị, theo Hồ Chí Minh, tác hại lớn nhất mà chủ nghĩa cá nhân gây ra đó là làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng. Những cán bộ mắc căn bệnh cá nhân chủ nghĩa dễ đi đến phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận tính đúng đắn của sự lựa chọn con đường phát triển dân tộc. Họ bằng lòng với những nhận thức giản đơn, mơ hồ về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Về kinh tế, những cán bộ, đảng viên bị ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân thì tiền của của Nhà nước, của Nhân dân không chỉ bị biến thành tài sản riêng của cá nhân mà thậm chí còn bị lãng phí và thất thoát lớn. Ở mức độ thấp hơn, một số cán bộ, đảng viên lạm dụng quyền hạn, chức vụ trong khi thi hành công vụ, nhũng nhiễu, hạch sách, làm mất thời gian, công sức, tiền bạc của Nhân dân. Hồ Chí Minh từng khẳng định: khi gặp công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu... song, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt. 

Về văn hóa - xã hội, chủ nghĩa cá nhân làm tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội. Khi chuẩn mực xã hội bị phá vỡ càng làm cho chủ nghĩa cá nhân phát triển. Cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân do được thúc đẩy bởi những lợi ích phi pháp, bất chính sẽ sẵn sàng bẻ cong, chà đạp hoặc phá vỡ các quy tắc, yêu cầu của các chuẩn mực xã hội, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét