Thứ nhất, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành
tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, đất nước phát triển nhanh và bền
vững.
Qua gần
40 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN ở Việt Nam đã
ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Nhờ đó, "Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức
4%; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thị trường tài
chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định". "Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã
nhận định: Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu"
của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều
nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt
8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6% - 6,5%, và là mức tăng cao so với các
nước trong khu vực và trên thế giới". Tăng
trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng
bước phát triển của đất nước. "Thu nhập bình quân đầu người
năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Tỷ lệ
nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm
2021; có 23,5% hộ gia đình nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau".
Nhờ
những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế mà niềm tin của nhân dân vào
chế độ XHCN, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ngày càng được nâng cao, xã hội
ngày càng đồng thuận. Đây cũng là bằng chứng thuyết phục cho thấy sự lựa chọn
con đường lối đổi mới của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn chứ không phải là sự
“lạc đường” như các thế lực thù địch thường rêu rao! Những thành tựu mà Việt
Nam đạt được về kinh tế, chính trị... trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là những luận cứ thực tiễn đầy thuyết phục để
tấn công trực diện vào những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thứ
hai, những thành tựu nổi bật về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong công cuộc đổi
mới góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu
cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Toàn bộ thành tựu và thiếu sót của
công cuộc đổi mới gắn liền với trách nhiệm lãnh đạo và hoạt động của Đảng. Sự
lãnh đạo và hoạt động của Đảng là một nhân tố quyết định tạo ra những thành tựu
của đổi mới... Sự tiến bộ và trưởng thành của Đảng cũng là một thành tựu quan
trọng của công cuộc đổi mới, thậm chí có thể nói là thành tựu quan trọng nhất
của công cuộc đổi mới”. Điều này được ghi nhận trong chủ trương, quyết sách của
Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua những nghị quyết chuyên đề
đặc biệt về xây dựng Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XII, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và hệ thống chính trị; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không
được làm với nhiều điểm mới nổi bật...Từ đó, mỗi cán bộ, đảng
viên có thể nhận thấy tinh thần nêu gương, thẳng thắn, lòng tự trọng, tính
nghiêm túc trong công tác tự phê bình và
phê bình, sửa chữa những khuyết điểm, khắc phục những hạn chế, "tự
đổi mới", "tự chỉnh đốn", "tự soi", "tự
sửa", để "nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến
đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn
diện" trong công cuộc đổi mới chứ không phải là cách làm "chắp
vá", "giật gấu vá vai" như những luận điệu xuyên tạc của các thế
lực thù địch thường rêu rao.
Qua mỗi
nhiệm kỳ Đại hội Đảng, có thể nhận thấy chủ trương chỉ đạo công tác xây dựng
Đảng, nhất là với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng đi
vào thực chất. Tệ nạn tham nhũng được coi như là một loại “giặc nội xâm” cực kỳ
nguy hiểm, luôn được Đảng ta xử lý khéo léo, chắc chắn và ráo riết! “Công tác
đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết
liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có
vùng cấm, không có ngoại lệ”. Vì vậy, rất nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt
nghiêm trọng đã được đưa ra xử lý nghiêm minh, theo đúng các quy định của luật
pháp; để lại những dấu ấn tốt đẹp, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình
cao, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế
ghi nhận. "Trong 10 năm qua
(2012 - 2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng
viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính
trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung
ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang". Kết quả này
đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng ta trong
việc phát hiện, điều tra, xử lý dứt khoát tình trạng tham nhũng của đội ngũ cán
bộ, đảng viên, với cả những người đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong
bộ máy lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Do đó, phải
nhận thức rõ rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta không
phải là “một cuộc đấu đá nội bộ” mà là một trong những biện pháp quan trọng để
nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để cho Đảng ta trong sạch
hơn, bộ máy Nhà nước và cả hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả hơn, để nhân
dân ta luôn một lòng, một dạ sắt son tin yêu theo Đảng.
Thứ ba,
Việt Nam là nước dân chủ, quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của nhân dân luôn
được tôn trọng và phát huy bằng chính sách hiệu quả, nhân văn, thể hiện bản
chất ưu việt của chế độ XHCN.
Bảo đảm
quyền dân chủ, quyền con người là mục tiêu, là động lực trong công cuộc xây
dựng CNXH ở Việt Nam, đã được ghi nhận trong Cương lĩnh, Nghị quyết, Hiến pháp
và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Gần 80 năm qua, Hiến pháp nước ta đã qua
nhiều lần sửa đổi, bổ sung, phát triển (1946, 1959, 1980, 1992, 2013) nhằm xác
lập vào bảo đảm cho việc thực thi, phát triển quyền dân chủ, quyền con người
Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, tôn
giáo, dân tộc... Đảng, Nhà nước luôn lấy “nhân dân là trung tâm, là chủ
thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính
sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính
đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
"Từ
một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô 14 tỷ USD (năm 1985), đến năm 2020
là 343 tỷ USD (tăng 24,5 lần)", "năm 2022 là 409 tỷ USD". Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam
năm 2021 là 0,703, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, lên vị trí
115/191 quốc gia (Năm 2020 là 0,704, xếp thứ 110/189). Năm 2022, cả nước có "gần 29,8
triệu thẻ bảo hiểm xã hội/ sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng
thụ hưởng... Đặc
biệt, trong phòng, chống đại dịch Covid-19, truyền thống anh hùng,
yêu nước, "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta
và tính ưu việt của chế độ ta lại được phát huy lên một tầm cao mới. Đây chính
là những minh chứng thuyết phục nhất về quyền dân chủ, quyền con người được
thực hiện ở Việt Nam. Việt Nam trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới
về chính sách ưu việt phát huy quyền làm chủ của nhân dân: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám
sát, dân thụ hưởng”, là câu chuyện thành công truyền cảm hứng cho bạn bè năm
châu và được các nước tiến bộ trên thế giới ghi nhận. Chính vì lẽ đó, mà Việt
Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc cũng như
hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như: Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo
an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ
2014-2016, 2023-2025; Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm
kỳ 2016-2018… Những kết quả trên là sự thật mà không một thế lực phản động nào
có thể đảo ngược, là sự khẳng định nhất quán rằng quyền dân chủ, quyền con
người, quyền công dân đã và đang được bảo vệ vững chắc ở Việt Nam; cũng là ý
kiến phản biện đanh thép nhất đối với những luận điệu phủ nhận về vấn đề dân
chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Cho nên, mọi hoạt động đóng vai trò "quan tòa
nhân quyền thế giới" theo các giá trị nhân quyền, dân chủ tư sản của một
số nước tư bản phương Tây để áp đặt vào Việt Nam chỉ là ngụy biện, là muốn phá
hoại thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam theo phương châm "bẻ đũa từng
que", là vì lợi ích của chúng chứ không phải vì sự tiến bộ và phát triển
của Việt Nam.
Những
thành tựu xây dựng đất nước trong công cuộc đổi mới của Việt Nam đã khẳng định
sự lãnh đạo, chỉ đạo vững vàng, sáng suốt của Đảng, Nhà nước cùng sự đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị; phát huy các giá trị truyền
thống và tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc; là uy
tín, là sự tín nhiệm, đồng tình, ủng hộ tuyệt đối của cộng đồng quốc tế.
Thời
gian tới, "với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết
tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành
tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước,
sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ
tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta". Điều này vừa thể
hiện quyết tâm, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, song đây tiếp tục là bằng
chứng thuyết phục để đấu tranh phản bác có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, phủ
nhận những thành tựu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
Hoàng Lộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét