Những
năm qua, phần lớn tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và nước ngoài ở Việt
Nam đã phát huy tốt vai trò của mình trong hoạt động hợp tác hỗ trợ phát triển,
viện trợ nhân đạo phi lợi nhuận cùng các mục tiêu đúng đắn, hướng đến lợi ích
cộng đồng. Dẫu vậy vẫn còn hiện tượng một số NGO thực hiện những hoạt động
thiếu thiện chí, không phù hợp với lợi ích Việt Nam, thậm chí có dấu hiệu vi
phạm pháp luật và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc... Những hành động đáng
phê phán nêu trên cần bị lên án và ngăn chặn kịp thời.
Ðến
thời điểm hiện tại, Việt Nam có 388 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký
giấy phép và hoạt động thường xuyên. Tính riêng trong năm 2022, các tổ chức này
đã viện trợ cho Việt Nam hơn 223,7 triệu USD cũng như tham gia hỗ trợ nhiều dự
án liên quan đến văn hóa, giáo dục, thực thi các hiệp định thương mại quốc tế
và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên
cạnh đó, nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng thường xuyên phối hợp với
các cơ quan đối tác, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức của Việt Nam để xây
dựng những chương trình thiết thực, có ý nghĩa nhân văn. Những đóng góp này
càng trở nên đáng quý hơn trong bối cảnh nguồn hỗ trợ chính thức (ODA) từ các
quốc gia phát triển giảm mạnh vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Ðồng
nghĩa các NGO ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam hoàn
thành các định hướng phát triển kinh tế-xã hội, nhất là với những thành tựu mà
các bên đã đạt được về chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ cộng đồng có hoàn cảnh
khó khăn, nhóm yếu thế và dân tộc thiểu số, nâng cao quyền cho phụ nữ và trẻ em
gái.
Dẫu vậy
trong bức tranh chứa nhiều điểm sáng ấy xuất hiện những điều đáng lo ngại, đó
là việc một số tổ chức phi chính phủ đang lợi dụng việc tổ chức, thực hiện,
tham gia, tài trợ các dự án phi lợi nhuận để cổ súy các hoạt động không phù hợp
với lợi ích quốc gia, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội,
phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Nổi lên
trong thời gian qua là hiện tượng nhân danh hợp tác quốc tế về xây dựng pháp
luật, cải cách tư pháp, giáo dục, y tế, nhất là liên quan đến lĩnh vực bảo vệ
quyền của người dân tộc thiểu số, người lao động, đất đai, môi trường... một số
NGO tìm cách can thiệp các công việc nội bộ của Việt Nam, đưa ra những thông
tin, đánh giá thiếu khách quan nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, dấy lên
những nghi kị, mất đoàn kết dân tộc, có tính chất chia rẽ vùng miền, làm suy
giảm lòng tin của người dân đối với Ðảng và Nhà nước.
Hiện
tượng nêu trên đang có xu hướng diễn biến phức tạp khi một số tổ chức phi chính
phủ nước ngoài lợi dụng hoạt động tài trợ nhằm lôi kéo các đơn vị hoạt động
trong lĩnh vực khoa học, công nghệ ngoài công lập tham gia vào các dự án có
nguy cơ xâm phạm an ninh và trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Thông qua
phương thức đặt hàng nghiên cứu, họ hướng lái một số cá nhân, tổ chức hoạt động
trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tiến hành nghiên cứu và công bố hàng loạt
báo cáo, khảo sát chứa nhiều nội dung tiêu cực, phiến diện, bôi đen tình hình
đất nước và con người Việt Nam.
Trên
danh nghĩa bảo trợ các nhóm mục tiêu (phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu
số, nhóm dễ bị tổn thương), một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài khuyến
khích thành lập các câu lạc bộ, hội, nhóm với những tên gọi như "nhóm cộng
đồng nòng cốt", "nhóm đồng đẳng viên", "nhóm tự quản",
"nhóm công nhân nòng cốt", đồng thời lôi kéo một số tổ chức xã hội
Việt Nam không đủ điều kiện theo quy định pháp luật, tự ứng cử vào Nhóm tư vấn
trong nước (DAG) Việt Nam. Từ đây, họ vận động những nhóm đối tượng này đưa ra
các yêu sách vô lý vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà
nước pháp quyền sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU
(EVFTA) với Liên minh châu Âu.
Thời
gian qua các hội nhóm thiếu thiện chí này tổ chức nhiều tọa đàm, khóa học, buổi
tập huấn lồng ghép nội dung xuyên tạc Hiệp định EVFTA, Bộ luật Lao động 2019,
phủ nhận vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở trong việc giải quyết
quyền lợi chính đáng, khó khăn, khúc mắc giữa người lao động với doanh nghiệp.
Song
song đó, các tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt
động có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội trong bối cảnh Việt Nam
tiến hành hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách cho vùng dân tộc thiểu số
và miền núi.
Họ đưa
ra luận điệu xuyên tạc rằng "ở Việt Nam có dân tộc bản địa", từ đó
đòi hỏi "quyền dân tộc tự quyết", "đòi thành lập khu tự
trị". Thậm chí, website của một trung tâm tư vấn quản lý và phát triển văn
hóa cộng đồng còn công khai đưa ra nhận định gây chia rẽ rằng: "Với sở hữu
toàn dân về đất đai, và Nhà nước thống nhất quản lý, thì về mặt kỹ thuật, không
có vùng đất nào thuộc sở hữu tư nhân. Do đó, các khu vực rộng lớn, màu mỡ, giàu
tài nguyên vốn do người dân tộc thiểu số và bản địa sử dụng có thể bị chuyển
sang phục vụ mục đích phát triển".
Phát
ngôn thiếu trách nhiệm, các đối tượng cố tình phủ nhận một sự thật là do bối
cảnh và điều kiện lịch sử để lại, 54 dân tộc cư trú xen kẽ trên đất nước Việt
Nam từ lâu đời, không có dân tộc nào sinh sống hoàn toàn tách biệt riêng về mặt
địa lý. Thêm vào đó, dân tộc Kinh và 53 dân tộc anh em luôn có sự đoàn kết, gắn
bó mật thiết trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Không chỉ vậy, tinh
thần đại đoàn kết dân tộc luôn được Ðảng và Nhà nước Việt Nam xác định là đường
lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, có ý nghĩa quyết định với thắng lợi của
cách mạng Việt Nam.
Tuy vậy
một số hội, nhóm chống phá vẫn vin vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống các
dân tộc thiểu số, cố tình đánh đồng việc bảo lưu các hủ tục lạc hậu với việc
thực hành văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó, họ lập luận Nhà nước phải tôn
trọng, bảo vệ, hỗ trợ vật chất hoặc khung pháp lý để cá nhân thực hành quyền
văn hóa, bất kể đó là hủ tục tổ chức đám tang tốn kém, kéo dài, mất vệ sinh;
tục tảo hôn; tục bắt vợ... gây bức xúc trong cộng đồng.
Thậm
chí, dù được hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam và nhận được sự
giúp đỡ tận tình từ các cơ quan chức năng cùng đối tác nhưng đại diện của một
vài tổ chức phi chính phủ vẫn có những nhận xét, đánh giá sai lệch về tình hình
chính trị-xã hội Việt Nam. Ðáng chú ý, thành viên hội đồng quản trị tại một
trung tâm quốc tế về luật phi lợi nhuận đang hoạt động chính thức tại Việt Nam
đã đưa ra nhận định vu cáo rằng: "Việt Nam bắt đầu sử dụng luật thuế và bộ
luật hình sự để bỏ tù các nhà lãnh đạo xã hội dân sự với tội danh trốn thuế,
tuyên truyền chống nhà nước và lợi dụng các quyền tự do dân chủ (...). Các nhà
chức trách sử dụng luật hiện hành để thực hiện việc đàn áp của họ, nhưng cũng
thực hiện các bước để thắt chặt khuôn khổ pháp lý, trong đó có các tổ chức phi
chính phủ hoạt động". Song chính người này phải thừa nhận "cho đến
nay, chưa có tổ chức nước ngoài nào bị đình chỉ hoặc đóng cửa".
Cần
khẳng định rằng trong nhiều năm qua, để phát huy vai trò của các tổ chức phi
chính phủ trong và ngoài nước đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam,
Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, từng bước hoàn thiện
khung pháp lý về đăng ký và quản lý hoạt động của loại hình hoạt động này.
Biểu hiện
cụ thể nhất chính là việc gia tăng thời hạn đăng ký văn phòng đại diện của tổ
chức phi chính phủ nước ngoài lên đến 5 năm; giảm thời gian trong quá trình xử
lý và cấp Giấy đăng ký, gia hạn Giấy đăng ký, sửa đổi bổ sung, cấp lại Giấy
đăng ký hoạt động (quy định cụ thể tại Chương III Ðiều kiện, trình tự, thủ tục
cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy đăng ký, Nghị định số
58/2022/NÐ-CP về Ðăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ tại
Việt Nam). Chính phủ Việt Nam cũng cung cấp 7 mẫu đơn, báo cáo để thuận tiện
cho công việc hành chính của các NGO nước ngoài tại Việt Nam.
Chính
phủ cùng Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên hiệp Các
tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và các cơ quan đối tác tại Việt Nam cũng đã có
nhiều hỗ trợ với các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.
Ðó là
lý do khiến nhiều tổ chức như Medical and Scientific Aid for Vietnam, Laos and
Cambodia tiếp tục sứ mệnh của mình dù chiến tranh đã kết thúc nhiều năm (MSAVLC
- tổ chức Viện trợ khoa học và y tế cho Việt Nam, Lào, Campuchia được thành lập
từ năm 1965 chuyên khám, chữa bệnh cho nạn nhân thường dân trong chiến tranh).
Ngoài ra, có thể kể đến những cái tên như Làng trẻ em SOS, tổ chức Vietnam, les
Enfants de la Dioxine tại Việt Nam (VNED - Vì trẻ em chất độc da cam/dioxin
Việt Nam), Orbis International (NGO nước ngoài chuyên hoạt động trong lĩnh vực
chăm sóc và phẫu thuật về mắt cho trẻ em), v.v.
Là một
quốc gia đang phát triển, Việt Nam luôn trân trọng mọi nguồn lực hỗ trợ ở trong
và ngoài nước phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ðồng thời Việt Nam sẵn sàng tiếp
nhận những kiến nghị khách quan, chính xác của đại diện các tổ chức phi chính
phủ nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất giúp các tổ chức này hoạt động có hiệu
quả trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, Việt Nam không chấp nhận các phát
ngôn, chương trình hành động của những tổ chức phi chính phủ đi ngược lại mục
đích, cam kết ban đầu, cố ý vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích của
đất nước, của nhân dân Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét