Trận phòng ngự Tàu Ô-Xóm Ruộng ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước từ ngày 5-4 đến 28-8-1972 của Sư đoàn bộ binh 7 là một đợt phòng ngự dài ngày, gian khổ ác liệt nhưng thắng lợi vẻ vang. Trong trận này, thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Chốt cứng, chặn đứng, giữ vững trận địa dài ngày, không cho xe dưới lên, trên xuống”, Sư đoàn bộ binh 7 đã chọn địa hình có giá trị chiến thuật trên Đường 13, dài khoảng 10km, rộng khoảng 5km để xây dựng trận địa phòng ngự.
Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ phòng ngự chốt chặn địch ở Tàu Ô-Xóm Ruộng có ý nghĩa quan trọng, tác động đến sự phát triển của Chiến dịch Nguyễn Huệ, Đảng ủy Sư đoàn bộ binh 7 lãnh đạo làm tốt công tác chính trị tư tưởng với nhiều hình thức, nội dung, biện pháp phù hợp, hiệu quả, qua đó không ngừng củng cố, nâng cao quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Khẩu hiệu “Tất cả cho giữ chốt Tàu Ô thắng lợi” thấm đến từng người, trở thành động lực, sức mạnh chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần “Kiên quyết giữ vững trận địa”, “Một bước không lui”, “Một người, một tổ là một mũi tiến công”, “Phát huy sức mạnh của từng người, từng tổ bằng sức mạnh của tiểu đội, trung đội”, thực hiện kiên quyết chờ địch vào gần mới nổ súng để nâng cao hiệu suất chiến đấu, tranh thủ thời cơ xuất kích nhanh trong cự ly ngắn để diệt địch, lấy vũ khí địch để đánh địch.
Với quyết tâm chiến đấu cao, các đơn vị phòng ngự khu vực Tàu Ô-Xóm Ruộng đã kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự kiên cường với tiến công rộng khắp, bằng các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, với nhiều quy mô lực lượng thích hợp, đánh bại các đợt tiến công bằng bộ binh với sự chi viện mạnh hỏa lực không quân, pháo binh của địch. Cùng với vận dụng chiến thuật phòng ngự để ngăn chặn địch tiến công theo Đường 13 từ Chơn Thành lên Bình Long, Sư đoàn 7 tổ chức lực lượng dự bị cơ động mạnh liên tục tiến công phá vỡ thế tiến công của các đơn vị chủ lực của địch; sử dụng các phân đội đặc công của trung đoàn, sư đoàn kết hợp với phân đội hỏa lực cơ động tập kích phá hủy các trận địa pháo và xe cơ giới ở phía sau đội hình của chúng; sử dụng các phân đội bộ binh tổ chức các trận phục kích với quy mô nhỏ giữa các cụm quân địch.
Khi địch sử dụng Trung đoàn 15, Sư đoàn 9 và Chiến đoàn 33, Sư đoàn 21 đổ bộ đường không xuống Tân Khai, cơ động Thiết đoàn 9 vòng qua Tàu Ô lên Tân Khai để phối hợp với lực lượng tiến công chính diện vào khu vực phòng ngự của ta ở Tàu Ô-Xóm Ruộng, Sư đoàn 7 sử dụng Trung đoàn 209 phòng ngự ngăn chặn địch ở Tàu Ô-Xóm Ruộng, Trung đoàn 141 bao vây, tiến công địch đổ bộ đường không ở Tân Khai, Trung đoàn 165 vận động tiến công Trung đoàn 33 địch ở Đức Vinh. Khi địch đột nhập vào Nam cống Ông Tề, Trung đoàn 141 đã kịp thời cơ động, phối hợp với Trung đoàn 209 tổ chức phản kích bằng hiệp đồng binh chủng, đánh thiệt hại Chiến đoàn 32 và 2 tiểu đoàn địch, khôi phục trận địa.
Với các yếu tố trận địa phòng ngự liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, được xây dựng trên địa hình có giá trị chiến thuật, bộ đội có quyết tâm chiến đấu cao và vận dụng linh hoạt, hiệu quả cách đánh kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự kiên cường với tiến công rộng khắp bằng nhiều hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, quy mô lực lượng thích hợp, khu vực phòng ngự Tàu Ô-Xóm Ruộng đã thực sự trở thành “chốt thép” trên Đường 13. Tại đây, các đơn vị của Sư đoàn bộ binh 7 đã thực hiện hơn 800 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy, thu nhiều vũ khí, trang bị của địch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Chiến dịch Nguyễn Huệ giao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét