Bấy giờ, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, trăn trở rằng dù về địa phương đã vài năm nhưng cán bộ luân chuyển gần như chưa có đóng góp gì xứng đáng, thậm chí còn cố tình tránh mọi va chạm, không tham gia công việc chung vì sợ sai sót, khuyết điểm và cố tình “nín thở” chờ thời điểm được “rút về an toàn”.

Câu chuyện không dừng lại ở đó khi nhiều ý kiến còn phản pháo lẫn nhau, cho rằng tình trạng cán bộ sợ sai đang diễn ra phổ biến, nhất là ở cán bộ chủ trì, chủ chốt. Cũng bởi thế mà dư luận thường đàm tiếu về một thực tế “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”. Lại có chuyện, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong không biết có sai hay không, và khi đã sai rồi thì cũng không biết sai chỗ nào, sai ở đâu...

Chữa bệnh... sợ sai
Tranh minh họa: Internet 

Tất nhiên, việc cán bộ biết sợ sai là một biểu hiện phẩm chất tốt. Nhờ có tâm lý sợ sai mới tránh và hạn chế được tình trạng cán bộ vi phạm kỷ luật, rơi vào vòng lao lý. Thế nhưng, nếu cán bộ sợ đến mức không dám làm, không dám hành động vì sợ trách nhiệm thì hoàn toàn không thể chấp nhận. Bởi lẽ, sợ sai thái quá tất yếu dẫn đến tình trạng triệt tiêu tính quyết đoán, sự sáng tạo, bứt phá và ngăn cản mọi hành động cách mạng trên thực tế. Tai hại hơn, khi một bộ máy cầm quyền có nhiều người sợ sai thì sẽ kìm hãm sự tiến bộ của tổ chức, thậm chí là kéo lùi sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Căn bệnh sợ sai cần sớm được chẩn đoán, chữa trị một cách nghiêm túc, căn cơ, bài bản.

Ở góc độ lãnh đạo quản lý, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế bảo đảm cho việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm và không còn tâm lý lo sợ trước những sai sót, rủi ro khách quan. Tất nhiên, phần việc này đã được Đảng ta sớm nhận thức đầy đủ, được Bộ Chính trị xác định rõ trong Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thế nhưng, khách quan mà nói, hiệu quả đạt được trên thực tế vẫn chưa như mong muốn. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải sớm thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương thành các quy định cụ thể, vận hành hiệu quả trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của bộ máy cầm quyền.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ cần nhận thức rõ: Khi cán bộ không dám làm vì sợ sai cũng có nghĩa là bản thân thiếu trách nhiệm, tự đánh mất đi vai trò, sứ mệnh được Đảng và nhân dân giao phó, không còn xứng đáng với tư cách của người cán bộ, đảng viên chân chính. Mỗi cá nhân cần kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện biện hộ, đổ lỗi những sai lầm là do cơ chế gây ra. Cơ chế, chính sách không có lỗi mà chính là do người ta hiểu sai, hiểu chưa đầy đủ, hoặc lợi dụng cơ chế để làm những việc khuất tất, vì chủ nghĩa cá nhân. Một khi từng cán bộ thực hiện đúng chức trách, phận sự của mình trên cương vị công tác, làm việc bằng năng lực thật và vì lợi ích chung thì không phải sợ bất cứ điều gì cả.

NGUYỄN TẤN TUÂN