Biết xấu hổ với "sáng tạo" gian lận
Trên thế giới, cứ 100 đồng tiền kiếm được từ hành vi gian lận trên YouTube thì có 55 đồng của người dùng Việt Nam.
Chúng ta đứng đầu danh sách vi phạm bản quyền. Trong khi, đất nước đứng thứ hai cũng chỉ bằng 1/10 của chúng ta. Trong số những vi phạm nhiều có kênh tường thuật trực tiếp các trận bóng đá thuộc bản quyền của các đài truyền hình, từ đó thu hút lượt xem và quảng cáo.
Có kênh mua phim đồi trụy của Nhật Bản, cắt thành nhiều phim ngắn rồi đóng gói, bán cho khán giả. Có kênh sản xuất nội dung bằng cách lấy nội dung người khác làm rồi đăng tải lại lên mạng xã hội. Đó là những thông tin do đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội thảo Kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng (KOLs) vừa được tổ chức mới đây.
Kỷ lục đáng buồn này phơi bày thực trạng kiếm tiền như thiêu thân, bất chấp hậu quả của một bộ phận người Việt Nam làm nội dung "sáng tạo" giải trí. Thực ra thông tin nêu trên lại dường như không khiến nhiều người ngạc nhiên, vì hành vi vi phạm bản quyền tác giả của nhiều người Việt đã diễn ra trong thời gian dài chứ không phải ngày một ngày hai.
Đáng lo ngại hơn, những hành vi này không những không giảm mà có xu hướng diễn ra ngày càng phổ biến, xuất hiện ở nhiều khía cạnh nội dung và dễ dàng tiếp cận nhờ mạng internet. Trung tuần tháng 5 vừa qua, Apple đã thông báo gỡ hơn 8.000 ứng dụng vi phạm có nguồn gốc Việt Nam. Với những người “sáng tạo” dựa trên gian lận, kiếm tiền “bẩn” dễ dàng mang lại những nguồn lợi khổng lồ trong khi nếu bị xử phạt thì lại chỉ như “muối bỏ bể”.
Thực tế này không chỉ gây ảnh hưởng tâm lý đối với những người sáng tạo, nhà đầu tư chân chính của chúng ta mà còn khiến bạn bè thế giới ái ngại khi muốn kết giao, chia sẻ bản quyền với Việt Nam. Vi phạm bản quyền có thể đem lại nguồn lợi cho một số người, nhưng nhìn tổng thể thì chúng ta thiệt đơn thiệt kép khi thế giới ngày càng coi trọng vấn đề bảo vệ bản quyền, bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, trước hết chúng ta cần biết xấu hổ. Biết xấu hổ để nhà quản lý trăn trở tìm giải pháp và đưa ra những biện pháp mạnh tay, xử lý triệt để vi phạm. Biết xấu hổ để người làm nội dung tránh đi theo con đường sao chép, ăn cắp, lười nhác sáng tạo.
Quan trọng hơn là người thụ hưởng nội dung (công chúng) cũng cần biết xấu hổ để không sử dụng những ấn phẩm được sản xuất, sáng tạo bằng trí tuệ, mồ hôi, công sức của người khác. Cách làm cũng khá đơn giản. Công chúng chỉ cần thẳng tay loại bỏ, báo cáo và không tiếp tay cho vi phạm bản quyền tác giả. Khi có sự góp sức của người dùng, với “tai mắt” ở mọi nơi, tự khắc nguồn cung của những hành vi vi phạm cũng như vòi bạch tuộc bị cắt bỏ.
Trí tuệ là tài sản vô hình nhưng mang lại những giá trị vô giá. Biết xấu hổ trong bảo vệ bản quyền tác giả như vậy, chúng ta mới có thể khuyến khích sáng tạo, thu hút việc đầu tư công sức, tiền của, trí tuệ cho việc phát triển nội dung sáng tạo một cách lành mạnh. Khi ấy, xấu hổ không chỉ là cảm xúc đơn thuần mà còn là động lực giúp ta đứng lên và vươn tới chiến thắng.
HIỀN VINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét