Tuy nhiên, hiện nay một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp để mua bán và sử dụng HĐĐT không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng HĐĐT, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước. Do vậy cần tăng cường các giải pháp quản lý đồng bộ để ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật này.

Rà soát những đối tượng có rủi ro cao

Hiện nay, vấn đề quản lý và sử dụng HĐĐT theo đúng quy định pháp luật được ngành thuế, người nộp thuế và xã hội hết sức quan tâm. Ngành thuế đã và đang triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu, tuân thủ quy định về HĐĐT. Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, cơ quan thuế các cấp sẽ tổ chức tháng cao điểm thực hiện phòng, chống các tổ chức, cá nhân mua bán, sử dụng HĐĐT không hợp pháp, gian lận hoàn thuế. Căn cứ vào thực tế công tác quản lý tại địa phương, các cục thuế triển khai, giao nhiệm vụ phòng, chống gian lận hoàn thuế, mua bán trái phép HĐĐT, thực hiện rà soát, kiểm tra tới từng công chức, từng đội, từng phòng quản lý người nộp thuế.

Ngăn chặn gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử

Khách hàng thanh toán tiền mua hàng tại Trung tâm thương mại Aeon Mall, quận Long Biên, Hà Nội. 

Tổng cục Thuế cho biết, các cục thuế sẽ thực hiện lập danh sách, rà soát, đối chiếu với thực tế quản lý thuế tại địa phương, tập trung vào những đối tượng có dấu hiệu rủi ro cao như: Nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình ngành nghề kinh doanh, tăng đột biến về doanh thu, không có tài sản, sử dụng số lượng lớn HĐĐT... Trường hợp qua kiểm tra tại cơ quan thuế mà người nộp thuế không giải trình, chứng minh được số thuế đã khai là đúng thì tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất tại trụ sở người nộp thuế theo chuyên đề chống gian lận về HĐĐT. Trong quá trình giám sát trọng điểm, thanh tra, kiểm tra, nếu xác định người nộp thuế không phát sinh vi phạm thì đưa ra khỏi danh sách giám sát trọng điểm. 

Cần xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền 

Một trong những biện pháp quan trọng giúp góp phần ngăn chặn gian lận sử dụng HĐĐT là tạo thói quen nhận hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Tuấn Anh ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chia sẻ: “Tôi thường xuyên đưa đối tác và gia đình đi ăn uống ở các nhà hàng, tuy nhiên khi thanh toán thì ở một số nơi, nhân viên chưa thực hiện xuất HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Nhiều khách hàng thậm chí không có thói quen nhận HĐĐT khi thanh toán, điều này có thể dẫn tới việc gian lận, trốn thuế từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống này”.

Hiện có 805 cơ sở kinh doanh được chấp nhận sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền nhưng theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, mới chỉ có 544 HĐĐT từ máy tính tiền được gửi về hệ thống. Số liệu này là quá thấp so với yêu cầu cần phải chuyển đổi hình thức HĐĐT thông thường sang hình thức HĐĐT từ máy tính tiền. Tổng cục Thuế đang phối hợp với các địa phương kiểm tra đột xuất những cơ sở kinh doanh, bảo đảm xuất hóa đơn đầy đủ với các giao dịch. Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu ban hành những chế tài xử phạt các đơn vị cố tình trì hoãn thực hiện xuất HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc đưa ra các giải pháp về HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được triển khai thành công sẽ hạn chế tối đa thất thu thuế và đây là xu thế chung của tất cả các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính xây dựng lộ trình tuyên truyền, tập trung đấu tranh phòng ngừa, xử lý trường hợp vi phạm trong thất thu thuế đối với các danh mục thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định, thời gian tới, Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền giúp tạo thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người tiêu dùng và người nộp thuế...

Có giải pháp bảo đảm an ninh mạng đối với hóa đơn điện tử

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, để tránh gian lận trong sử dụng HĐĐT, các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp khi mua bán hàng hóa, dịch vụ với những đối tác mới thì cần vào website của Tổng cục Thuế để kiểm tra thông tin về đối tác xem có đang hoạt động bình thường ở địa chỉ kinh doanh đã đăng ký hay không. Đồng thời, cần kiểm tra thông tin xem đơn vị bán hàng có thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký sử dụng HĐĐT theo quy định của pháp luật hay không. Đặc biệt, cần nâng cao cảnh giác trước những đối tác cung cấp hàng hóa, dịch vụ với giá quá rẻ so với giá thị trường, vì nhiều khả năng đó là hàng lậu của những doanh nghiệp gian lận về thuế và HĐĐT. 

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Thành Nam đề xuất, để ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm trong việc phát hành và sử dụng HĐĐT bất hợp pháp cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau: Tăng cường công tác quản lý thuế, theo đó cơ quan thuế thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra các đơn vị có dấu hiệu mua bán, sử dụng trái phép HĐĐT một cách thường xuyên và kịp thời. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện sai phạm, cơ quan thuế cần kịp thời củng cố hồ sơ, xác minh mức độ vi phạm để xử phạt hoặc nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền...

Nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng HĐĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp nói riêng, người nộp thuế nói chung về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế. Cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế; xây dựng kế hoạch tổng thể, có tính hệ thống để phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế, không để xảy ra các vi phạm về phát hành, sử dụng HĐĐT... 

NGUYỄN ANH VIỆT