"Liều thuốc" nào đặc trị căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm?
Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, tình trạng này còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công sang khu vực tư.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ năm, ngày 31-5, Quốc hội dành toàn bộ thời gian làm việc để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Là đại biểu phát biểu đầu tiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) bày tỏ phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.
Đại biểu đánh giá, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng CPI và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu, tuy nhiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đặt câu hỏi, tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, tình trạng này còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công sang khu vực tư. Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế?
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng có hai nhóm cán bộ: Một là, cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là, cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Ở nhóm 1, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhận định, bất kỳ cơ quan, đơn vị nào hiện nay cũng tồn tại một số ít cán bộ có tư tưởng sợ vi phạm pháp luật, điều này "các đơn vị này có nhận diện được hay không và xử lý thế nào?".
"Tôi cho rằng trong thời điểm "dầu sôi, lửa bỏng" cần ưu tiên thay thế cán bộ yếu kém này bằng những người tốt và trách nhiệm. Chúng ta không thiếu cán bộ tốt. Giống như trong bóng đá, huấn luyện viên trưởng sẽ vì sự phát triển của cả đội bóng, vì màu cờ sắc áo mà sẵn sàng thay thế bất kỳ cầu thủ nào thi đấu kém hiệu quả", đại biểu ví von.
Ở nhóm 2, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, đây là nhóm chiếm số đông trong số những cán bộ sợ trách nhiệm, chính họ đã tạo ra những cản trở nêu trên, gây tắc nghẽn hệ thống chính trị. Những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật vì hai nguyên nhân chính.
Đó là do một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện "cùng một nội dung quy định nhưng có hai cách hiểu khác nhau". Hiện tượng này cũng xuất hiện ngay tại cơ quan lập pháp và hành pháp.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, nhiều vụ việc vi phạm từ vài năm trước, đến nay vẫn bị xử lý. Chính từ những vụ án hình sự lớn thời gian qua đã khiến một bộ phận cán bộ lo sợ, do từng làm những việc tương tự trước đây. Từ đó, hình thành tâm lý ngần ngại, sợ bị kỷ luật, nặng hơn là xử lý hình sự.
Từ những thực trạng trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng, để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể triển khai thực hiện được ngay.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt công việc này, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua là rất đáng trân trọng, không phải quốc gia nào cũng có thể làm được trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu nhắc đến một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt kỳ vọng; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp; đời sống một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn; các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao đã và đang là sự quan tâm lớn của xã hội, là mối quan tâm của nhiều người và nỗi phiền muộn của không ít gia đình....
Đặc biệt, đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề cập đến tình trạng một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sớm có những giải pháp toàn diện để khắc phục những khó khăn, tồn tại như đã nêu trên trong báo cáo và quan tâm tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt cho địa phương về cơ chế, về thể chế; đồng thời có liệu pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ; cũng như có liều thuốc đặc trị hiệu quả căn bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, không để lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất nước.
NGUYỄN THẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét