Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau sinh ra dối trá. Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa và phổ biến nhất là do con người ham muốn lợi ích bằng mọi giá đã sinh ra dối trá. Do công tác kiểm tra, giám sát qua loa, đại khái, hình thức và chiếu lệ cũng khiến dối trá không bị hạn chế mà còn có cơ hội lây lan. Bên cạnh đó, việc một số nơi tổ chức nhiều hoạt động thi đua hình thức và bệnh thành tích cũng là tác nhân sinh ra dối trá. Vì thành tích mà có hiện tượng che giấu khuyết điểm, "làm láo báo cáo hay", "có ít suýt ra nhiều".
Để diệt trừ thói dối trá, nhất là trong hệ thống chính trị và cơ quan công quyền hiện nay cần phải tổ chức, duy trì nghiêm nền nếp sinh hoạt Đảng của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và tự phê bình, phê bình mạnh mẽ, triệt để. Cấp ủy, chi bộ cần xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh.
Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc”(1). Người xem đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giáo dục đạo đức cán bộ, đảng viên nói riêng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, góp phần tăng cường sức chiến đấu của Đảng. Bởi theo Người, khi đã tổ chức sinh hoạt Đảng chất lượng, hiệu quả thì mọi dối trá của cán bộ, đảng viên sẽ bị phơi bày ra ánh sáng, sẽ không có những việc làm khuất tất vụ lợi, không có hiện tượng dễ làm khó bỏ, đấu đá, chọn vị trí công tác nhiều lợi ích... Để làm được điều này thì các tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời có biện pháp cụ thể về đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt Đảng định kỳ và chuyên đề, không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, coi trọng kiểm tra đột xuất thay vì kiểm tra báo trước và kiểm tra trên giấy, trên báo cáo và "nhúng" qua thực tiễn. Thực tế cho thấy, hiện tượng dối trá trong nội bộ đã làm cho Đảng bị "bịt mắt”. Tổ chức đảng cấp trên không thấy được thực tế đòi hỏi của nhân dân, không thấy được những “chướng tai gai mắt” trong nội bộ cấp dưới nên dễ dẫn đến thỏa hiệp và vô tình bảo vệ “con sâu, con mọt” thay vì bảo vệ cán bộ có tâm, có tầm và có trí, thủ tiêu động lực phấn đấu của các cán bộ, đảng viên chân chính.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các biện pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò nêu gương “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, người chủ trì, quản lý cơ quan, đơn vị, địa phương. Hiện nay có một thực tế là, nhiều tổ chức cơ sở đảng chưa cụ thể hóa nghị quyết vào trong thực tiễn nhiệm vụ lãnh đạo. Phổ biến là hiện tượng xây dựng quy chế lãnh đạo một đằng nhưng thực hiện một nẻo; thậm chí có hiện tượng copy quy chế lãnh đạo cốt để báo cáo. Việc này khiến công tác lãnh đạo không tập trung, sót việc nên dễ nảy sinh tiêu cực.
Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ có biện pháp quyết liệt trong tổ chức phân phối ngân sách, nhiệm vụ và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách hằng năm hoặc ngân sách đầu tư công. Thường ngân sách bao giờ cũng đi kèm với nhiệm vụ. Có nhiệm vụ thì có ngân sách và ngược lại. Thế nên không lạ khi các cơ quan, đơn vị, địa phương đua nhau xin nhiệm vụ, xin ngân sách. Đây chính là căn nguyên để hình thành cơ chế “xin-cho” tồn tại dai dẳng trong hệ thống chính trị và các cơ quan công quyền.
Một số quốc gia có cách làm rất hiệu quả để ngăn chặn sự dối trá nhằm trục lợi. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân muốn được sử dụng ngân sách hoặc được nhận tài trợ để làm một dự án do chính phủ duyệt thì phải hội tụ những điều kiện cứng và mềm về công tác quản lý và điều hành, bảo đảm không thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Thế nên, để ngân sách đến đúng đích và được sử dụng triệt để, mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thì cần có quá trình thẩm tra, kiểm tra, giám sát xem có đủ điều kiện mới giải ngân. Đây chính là cách phân phối công bằng, ngăn ngừa tham nhũng và thúc đẩy cách lãnh đạo, điều hành và quản lý chuyên nghiệp, văn minh, cần được nghiên cứu thấu đáo và ứng dụng trong thực tiễn nước ta.
Nếu trung thực được đề cao thì dối trá khó có đất để tồn tại, phát triển. Khi trung thực của cán bộ, đảng viên bị dối trá lấn át thì sẽ dẫn đến tình trạng né tránh sự thật. Đây là căn nguyên khiến sinh hoạt của tổ chức đảng rơi vào hình thức, mất sức chiến đấu, khiến nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ngày càng có xu hướng nặng nề hơn. Tôn trọng sự thật khách quan và dựa trên sự thật để tìm biện pháp xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là cách tốt nhất diệt trừ tệ dối trá hiệu quả. Việc này chỉ thực hiện được khi cán bộ chủ trì và đứng đầu tổ chức đảng tận tâm, quyết liệt.
- QĐND-
bài rất hay
Trả lờiXóa