Tình
trạng quân nhân vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước trong thời gian
qua đang diễn ra rất phức tạp, nhất là: “Các vụ việc liên quan đến hình sự còn
cao, trong đó có vụ việc nghiêm trọng xảy ra với tính chất mới” , làm ảnh hưởng
xấu đến bản chất, truyền thống của quân đội và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Để
phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước trong quân
nhân hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một
là, về công tác tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lãnh đạo quan trọng
nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết
thực trong công tác” . Theo đó, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp,
nhất là cấp cơ sở phải làm tốt việc nắm và quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng
quân nhân, nắm chắc tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc nảy
sinh trong đời sống hàng ngày của từng quân nhân. Phải dự báo được diễn biến tư
tưởng của bộ đội, nhất là trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị,
xã hội và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, có biện pháp giáo dục
chính trị, định hướng nhận thức tư tưởng, hướng dẫn hành động cho bộ đội, nhất
là trước những tình huống phức tạp nảy sinh từ thực tiễn. Duy trì nghiêm túc chế
độ nắm, báo cáo tình hình tư tưởng và phân loại đánh giá tư tưởng bộ đội theo định
kỳ và khi có diễn biến tư tưởng phức tạp trong đơn vị. Kịp thời giải quyết thấu
đáo, triệt để và có hiệu quả mọi tình huống tư tưởng trong đơn vị, đấu tranh loại
bỏ những tư tưởng, tâm lý tiêu cực trong bộ đội. Đặc biệt, phải tiếp tục đổi mới
nội dung, phương thức tiến hành công tác tư tưởng theo hướng “thường xuyên, cụ
thể, kịp thời, tôn trọng nhân cách”. Làm cho công tác tư tưởng ngày càng có sức
sống, đi sâu, bám sát đời sống bộ đội, cảm hóa và làm chuyển biến nhận thức,
thái độ, hành vi và lối sống lành mạnh cho bộ đội. Đồng thời, phải coi trọng bồi
dưỡng nâng cao trình độ năng lực, kĩ năng, kinh nghiệm tiến hành công tác tư tưởng
cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, nhất là đội ngũ cán bộ chính trị. Quan tâm tạo dựng
môi trường văn hóa lành mạnh và tăng cường đầu tư trang, thiết bị cho công tác
tư tưởng ở các cơ quan, đơn vị, nhất là cấp cơ sở.
Hai
là, về công tác giáo dục, phổ biến pháp luật Để nâng cao kiến thức về pháp luật
cũng như hình thành ở mỗi quân nhân nhu cầu, thói quen tìm hiểu pháp luật và sống,
hành động theo pháp luật phải coi trọng làm tốt công tác giáo dục, phổ biến
pháp luật. Trước hết, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành
trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bộ đội. Đổi mới nội dung
và tạo sự chuyển biến căn bản trong các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục
pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị, nhất là cấp cơ sở. Trong tuyên truyền
giáo dục pháp luật phải hạn chế tối đa tính hàn lâm, giáo khoa, tăng tính thiết
thực, cụ thể, tính phóng sự, đối thoại, sân khấu hóa hoặc trò chơi giải trí
mang nội dung pháp luật. Lựa chọn những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp
đến nhu cầu, hoạt động, giải quyết các quan hệ hàng ngày của quân nhân để phổ
biến, giáo dục pháp luật cho quân nhân. Cần coi trọng sử dụng các thiết chế văn
hóa, hệ thống truyền thanh nội bộ, pano, áp phích, tranh cổ động, tranh châm biếm...
để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cho bộ đội cập nhật và thấm
nhuần những nội dung, văn bản pháp luật mới. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng nâng
cao kiến thức pháp luật, kĩ năng, kinh nghiệm và phương pháp giáo dục pháp luật
cho những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở đơn vị. Mở rộng
việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cấp đại đội, có cơ chế và tạo điều kiện để
các tủ sách pháp luật thường xuyên được cập nhật những văn bản pháp luật mới
ban hành, nhất là những văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ
quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ của quân đội. Tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm
hiểu pháp luật trong bộ đội, mở rộng các hình thức thi tuyên truyền viên, báo
cáo viên về pháp luật trong các cơ quan, đơn vị.
Ba
là, về công tác chỉ huy, quản lý, rèn luyện bộ đội Công tác quản lý bộ đội hiện
nay đang đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của
cán bộ, chỉ huy các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý, giáo dục,
rèn luyện bộ đội. Cần đổi mới phương pháp quản lý bộ đội theo phương châm: quản
lý, rèn luyện bộ đội phải đáp ứng yêu cầu vừa duy trì nghiêm điều lệnh, điều lệ
của quân đội, chế độ, quy định của đơn vị, vừa phải tôn trọng nhân cách quân
nhân và coi trọng việc giải quyết hài hòa, thỏa đáng những nhu cầu, nguyện vọng
chính đáng của quân nhân. Cùng với việc thực hiện nghiêm túc giờ nào việc ấy,
nhưng phải biết quan tâm giải quyết hợp lý, hài hòa nhu cầu quan hệ, giao lưu
tình cảm, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của bộ đội; quản lý chặt chẽ bộ đội phải
đi đôi với tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của quân nhân, bảo đảm đầy đủ
quyền lợi, chế độ mà quân nhân được hưởng. Khắc phục tình trạng cứng nhắc, rập
khuôn máy móc, hoặc quan liêu, quân phiệt trong duy trì chế độ, nền nếp và quản
lý, rèn luyện quân nhân. Đồng thời: “Khi có vụ việc vi phạm xảy ra, phải báo
cáo kịp thời, trung thực, không bao che, giấu giếm; phải tổ chức kiểm điểm làm
rõ và quy trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân, tổ chức trong việc để cán bộ, chiến
sĩ, công nhân viên quốc phòng thuộc quyền vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật
quân đội”
Bốn
là, về chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần bộ đội Sinh thời, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ phải chăm lo đội viên đủ ăn đủ mặc. Cán bộ có coi đội
viên như chân như tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”4 . Thực tế cho
thấy, không ít vụ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng bắt nguồn từ nhu cầu về đời sống
vật chất, tinh thần của bộ đội không được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Điều
này đòi hỏi các cấp ủy đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải nêu
cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm cải thiện đời sống vật
chất, tinh thần cho bộ đội. Đảm bảo mọi chế độ, tiêu chuẩn của bộ đội đều được
bảo đảm đầy đủ theo đúng chính sách của Đảng, Nhà nước và chế độ, quy định của
quân đội.
Mặt
khác, phải có biện pháp phát huy nội lực của đơn vị, tạo mọi điều kiện để không
ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Quan tâm xây
dựng môi trường sống và môi trường văn hóa, tinh thần cũng như mối quan hệ xã hội
lành mạnh trong đơn vị; chuẩn hóa những quan hệ cán binh, cấp trên với cấp dưới,
tạo cho cán bộ và chiến sĩ có tình cảm yêu mến đơn vị, tin tưởng vào lãnh đạo,
chỉ huy, yên tâm, phấn khởi và không ngừng vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ
được giao.
giải pháp này rất hay
Trả lờiXóa