Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

GIỮ VỮNG MÔI TRƯỜNG HÒA BÌNH, ỔN ĐỊNH ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

 

Việt Nam là một đất nước đã phải trải qua nhiều mất mát đau thương bởi chiến tranh trong quá khứ. Giải đất “hình tia chớp” của chúng ta đã từng “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa, hơn ai hết, chúng ta thấu hiểu tình cảnh “nước mất, nhà tan”, thân phận của người dân như “con sâu, cái kiến”, chịu kiếp nô lệ của chủ nghĩa thực dân. Từng chứng kiến nỗi đau tột cùng và sự mất mát to lớn của chiến tranh, bởi vậy chúng ta luôn yêu chuộng hòa bình và khao khát được sống trong độc lập, tự do. Thẳm sâu trong mỗi người dân Việt Nam, chúng ta luôn ý thức được việc phải kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước song khi đã cố gắng, đã kiềm chế, khi kẻ thù đã “buộc ta ôm cây súng” thì “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Đó là quyết tâm được thể hiện trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó cũng là quyết tâm được thể hiện trong Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, hiệu triệu toàn dân đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, thách thức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược khi chúng mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc năm 1966. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quan điểm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước vẫn là xuyên suốt, nhất quán. Tại Đại hội XII, trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước, vấn đề môi trường hòa bình đã được Đảng ta đề cập một cách tổng quát, toàn diện, sâu sắc. Đảng đã đưa vấn đề “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” là một trong các mục tiêu trọng yếu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Lần đầu tiên quan điểm này được chính thức đưa vào văn kiện, trở thành một thành tố (thành tố thứ tư) trong chủ đề của Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng. Với quan điểm này, việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định được xác định là điều kiện tiên quyết bảo đảm huy động cao nhất mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước, nhanh, bền vững. Đến Đại hội XIII, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia; sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với các không gian chiến lược mới (như: không gian mạng, không gian vũ trụ, lòng đất, lòng biển...); các loại hình tác chiến mới đặt ra những thách thức mới.., Đảng ta tiếp tục khẳng định phải “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung và nhấn mạnh đến vấn đề như “chủ động phòng ngừa là chính”, xác định “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”; “ Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế ”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển”..vv. Điều đó khẳng định tư tưởng nhất quán, sự nhạy bén, sáng tạo của Đảng ta; đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của việc “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” trong điều kiện mới. Theo quan điểm của Đảng, muốn giữ được tình hình đất nước hòa bình, ổn định về mọi mặt thì cùng với xây dựng phải tiến hành đấu tranh, đấu tranh kiên quyết song phải mềm dẻo và linh hoạt. Xét ở góc độ quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và cuộc sống của nhân dân. Giữ vững môi trường hòa bình có nghĩa là tiến hành mọi biện pháp thích hợp để đất nước không xảy ra chiến tranh. Nhận thức đó có ý nghĩa rất quan trọng trong ứng xử, giải quyết các tình huống về quốc phòng, an ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét