Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

KHẲNG ĐỊNH VÀ CỤ THỂ HÓA VỀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN TRONG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 

Ngay trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Đảng ta đã khẳng định, một trong những đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa là: “Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Đến Đại hội VIII, tinh thần đó tiếp tục được Đảng ta khẳng định: Tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình”. Tại Đại hội X, Đảng ta một lần nữa khẳng định, một trong những đặc trưng quan trọng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện”. Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), tinh thần đó tiếp tục được khẳng định vững chắc khi chỉ ra một trong những đặc trưng quan trọng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Đại hội XI cũng xác định, xây dựng con người Việt Nam “phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật”. Đến Đại hội XII, vấn đề “phát triển con người toàn diện” được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020, đó là xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” Có thể khẳng định, “phát triển con người toàn diện” là một bước tiến quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng ta khi không chỉ coi trọng vấn đề phát triển con người về mặt nhận thức, mà còn biến đó thành nhiệm vụ, hành động thực tiễn cần phải được thực hiện đồng thời với các nhiệm vụ quan trọng khác trong công cuộc phát triển đất nước.

Kế thừa quan điểm “phát triển con người toàn diện” của các kỳ Đại hội trước,  Nghị quyết lần này lại nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm trong “xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Để xây dựng, hình thành những con người mới có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra nhiều nhiệm vụ, đó là: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt;  quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng, tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên; “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”...

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét