Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua (2012-2022), Trung ương đánh giá: công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến hết năm 2022, đã khởi tố, điều tra trên 4.200 vụ, với hơn 7.500 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Đáng chú ý, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý hình sự 25 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Riêng năm 2022, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: Khởi tố mới 436 vụ và 929 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so với kỳ báo cáo năm trước). Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, rõ đến đâu xử lý đến đó. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý dứt điểm, nghiêm khắc, đúng pháp luật, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa. Đặc biệt, thời gian qua, việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án quan trọng cho thấy “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cán bộ cao cấp bị khai trừ ra khỏi Đảng vì có liên quan trong các vụ án này. Điều đó cho thấy, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Đạt được kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, nhưng quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định. Trong quyết tâm mạnh mẽ về việc ngăn chặn, từng bước loại trừ tham nhũng ra khỏi nội bộ Đảng và hệ thống chính trị, vấn đề quyền lực, kiểm soát quyền lực và tăng cường kiểm soát quyền lực đối với những người nắm giữ quyền lực trong hệ thống chính trị đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Đảng ta nhận thấy, quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, “tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”; ở đâu có quyền lực thì ở đó tồn tại nguy cơ lạm dụng quyền lực. Nếu quyền hạn không đi đôi với trách nhiệm thì sẽ dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Vậy nên, cốt lõi của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát cho được quyền lực, bảo đảm quyền lực phải được thi hành đúng. Kết quả phát hiện, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, liên quan tới một số cán bộ lãnh đạo cao cấp gần đây cho thấy, tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực đang ở mức đáng báo động, trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Do vậy, việc “tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực” là một “giải pháp trọng yếu để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét