Thứ Hai, 4 tháng 9, 2023

 

MỐI QUAN HỆ GIỮA GIÀNH VÀ GIỮ CHÍNH QUYỀN THEO 
QUAN ĐIỂM CỦA V.I. LÊNIN

V.I.Lênin đã kế thừa quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-Ghen trong điều kiện vận dụng vào Cách mạng tháng Mười Nga. Đó là trước Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin đã chuẩn bị những tiền đề lý luận về vấn đề bảo vệ thành quả của cách mạng vô sản từ sớm, từ xa, từ khi cách mạng tháng Mười Nga chưa diễn ra, trong đó khẳng định, sau khi giành được thắng lợi, giai cấp vô sản và nhân dân lao động phải luôn củng cố, tăng cường sức mạnh vũ trang để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Người chỉ rõ: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường chính quyền cho giai cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không những có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để bảo vệ lấy mình[1]. Quan điểm này được hình thành từ sớm, từ xa và được xây dựng ngay cả khi Cách mạng nước Nga chưa diễn ra và được hoàn chỉnh khi Cách mạng tháng Mười Nga giành thắng lợi.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi, với thực tiễn của cuộc nội chiến cùng với đó là sự câu kết với 14 nước đế quốc, các thế lực tư sản và phản động trong nước thực hiện âm mưu can thiệp, gây chiến tranh xâm lược hòng thủ tiêu thành quả cách mạng, xóa bỏ nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Người chỉ rõ: “Kể từ ngày 25 tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ Tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xô-viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”[2].Trước tình hình đó đặt ra yêu cầu cần kíp và tất yếu khách quan đối với Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô-viết: phải sẵn sàng chuẩn bị về mọi mặt để đánh bại thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc chính quyền Xô-viết non trẻ và chế độ Xã hội chủ nghĩa. Từ thực tiễn cách mạng tháng Mười Nga, V.I.Lê-nin đã nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều” và “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ, nhưng không phải cách mạng có thể biết ngay được cách bảo vệ [3]. Vấn đề này không chỉ diễn ra ở nước Nga, cũng không chỉ trong thời kỳ cách mạng vô sản mà đã trở thành một quy luật phổ biến của quá trình xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Luận điểm được chỉ ra từ sớm, từ xa khi mà phong trào cách mạng vô sản mới chỉ diễn ra ở một nước, đó là nước Nga, mà đó đã trở thành kim chỉ nam của giai cấp vô sản ở các nước và trên toàn thế giới phải lấy đó là nguyên tắc, là chân lý ngay cả trước khi tiến hành cách mạng và ngay cả khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền cách mạng về tay mình./.



[1], V.I.Lê-nin (1978), Toàn tập, tập 38, Nxb Tiến bộ, Matxcơva Tr165-166
[2], V.I.Lê-nin (1978), Toàn tập tập 36, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.Tr.102.
[3] V.I.Lê-nin (2005), Toàn tập,  tập 37, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tr.145.

1 nhận xét: