Mấy năm gần đây, cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Tết Độc lập (2-9), các thế lực thù địch, phản động và thành phần bất mãn chính trị lại “nhai đi, nhai lại” những luận điệu cũ rích, rằng: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là “sự ăn may”; “Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của Đồng minh chống phát xít, khi quân Đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật”... Năm nay, các thế lực thù địch, phản động và thành phần bất mãn chính trị dường như có sự “đổi mới”, bên cạnh những luận điệu nói trên, chúng “ước ao” rằng, “giá như không có Cách mạng Tháng Tám thì Việt Nam đã là một nước tư bản phát triển”.
Mục đích của họ là phủ nhận thành quả, tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, gây tâm lý mơ hồ, hoài nghi, chia rẽ trong xã hội, nhất là trong giới trẻ để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy một bộ phận nhân dân xa rời Đảng, Nhà nước, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành quả cách mạng, hướng lái dân tộc Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa…
Có lẽ những người phủ nhận thành quả, tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám đã không biết hoặc cố tình không biết rằng, đêm trước của cuộc Cách mạng Tháng Tám, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam khổ cực đến nhường nào. Trên bản đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”. Thực dân Pháp gọi đồng bào ta là lũ Annamít dơ bẩn.
Nhà sử học người Na Uy S.Tonesson đã viết trong tác phẩm của mình: “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”.
Những người không muốn có cuộc Cách mạng Tháng Tám suy luận rằng, “trước sau thì Pháp sẽ trao trả Việt Nam độc lập trong hòa bình như các nước khác” và họ cũng không biết rằng, thực tế các quốc gia được “Pháp trao trả độc lập trong hòa bình” từ hơn nửa thế kỷ trước đến nay vẫn lệ thuộc Pháp và nghèo nàn lạc hậu hơn Việt Nam rất nhiều. Các nước châu Phi là một ví dụ. Hiện nay, nước Pháp vẫn duy trì chế độ thực dân ở châu Phi. Để được chính quyền Paris trao trả “độc lập”, đến nay 14 nước châu Phi vẫn phải ràng buộc với Pháp bởi Hiệp ước thuộc địa. Hiệp ước này gồm nhiều điều khoản. Theo Điều 1 của Hiệp ước, các nước châu Phi được Paris trao “quyền độc lập” phải hoàn trả khoản chi phí “xây dựng thuộc địa”. Theo đó, họ phải hoàn trả số tiền mà Pháp đã bỏ ra để xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời kỳ khai thác thuộc địa. Theo Điều 2, các nước phải tự nguyện giao nộp 85% tài sản dự trữ quốc gia bằng ngoại tệ vào Ngân hàng trung ương Pháp. Hiện nay có 14 quốc gia châu Phi vẫn bị ràng buộc bởi quy định này từ năm 1961. Đáng chú ý là, 14 nước châu Phi này không có quyền tiếp cận số tiền dự trữ đó của họ và chỉ được Pháp cho phép sử dụng 15% số tiền này. Nếu các nước châu Phi cần số tiền nhiều hơn 15% thì họ sẽ phải vay thêm từ chính tiền của mình trong Kho bạc Pháp với lãi suất thương mại. Ngoài ra, Pháp áp đặt giới hạn số tiền mà các nước có thể vay thêm từ chính tài sản dự trữ của chính họ gửi ở Ngân hàng trung ương Pháp. Pháp có quyền phủ quyết yêu cầu của các nước châu Phi vay hơn 20% tiền của chính họ… Theo Điều 3, Pháp có quyền phủ quyết các nước châu Phi được Paris trao “quyền độc lập” khai thác hay sử dụng bất kỳ nguồn tài nguyên nào mới được phát hiện trên lãnh thổ của họ. Ngoài ra, Paris có quyền là người đầu tiên được mua bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào được tìm thấy trong vùng đất thuộc địa cũ của Pháp…
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công do nhiều nguyên nhân, đó là sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, sáng tạo trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; là tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, kể cả sự huy động kết tinh truyền thống anh hùng, trí tuệ, bất khuất của dân tộc Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước... trong đó, nguyên nhân quan trọng, tiên quyết là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo mục tiêu, ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nếu không có Cách mạng Tháng Tám thì không thể có dân tộc Việt Nam hùng cường, nhân dân Việt Nam không thể ngẩng cao đầu với bạn bè quốc tế như ngày hôm nay.
Nếu ai đó còn có tư tưởng bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ những giá trị tinh thần, niềm tự hào lớn lao của dân tộc, phủ nhận ý nghĩa thiêng liêng của Cách mạng Tháng Tám, hướng lái làm cho giới trẻ mơ hồ nhận thức thì cần xem xét lại bản thân mình. Nếu không xem lại được thì chắc chắn sẽ bị lịch sử phán xét và đào thải./.
ST
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc ta – kỷ nguyên độc lập tự do và tiến lên CNXH
Trả lờiXóa