Trong
những năm qua, công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện kỷ luật cho hạ sĩ quan,
chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở thường xuyên được cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, góp phần xây dựng
cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuyệt đại
đa số cán bộ, hạ sĩ quan, chiến sĩ ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, gắn bó
xây dựng cơ quan, đơn vị, tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật
quân đội, phát huy tốt bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Để
phòng ngừa vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, đặc biệt là vi phạm kỷ
luật nghiêm trọng cho hạ sĩ quan, chiến sĩ, tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc
về tư tưởng, kỷ luật; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quy, nâng cao sức mạnh,
trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao,
cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một
là, tăng cường công tác giáo dục, quản lý tình hình chính trị, tư tưởng, đạo đức
lối sống; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, chiến sĩ ở
đơn vị cơ sở Đây vừa là giải pháp, vừa là yêu cầu cấp thiết đã được đưa vào
chương trình giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật bắt buộc cho hạ sĩ quan,
chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở thời gian qua. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần
đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho hạ sĩ
quan, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa của việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật
quân đội; xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm, tính tự giác để thực sự làm chuyển
biến vững chắc tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật, phòng ngừa vi phạm kỷ luật
nghiêm trọng, hạn chế thấp nhất các vi phạm thông thường. Tiếp tục đổi mới công
tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
theo hướng đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, với các biện pháp phù hợp tình hình
cơ quan, đơn vị, đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ và phải được tiến hành thường
xuyên, liên tục; gắn công tác này với mọi hoạt động của đơn vị, kết hợp giữa
giáo dục chung với giáo dục riêng và đối tượng đặc thù. Tăng cường sự lãnh đạo,
chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy, chính trị viên đối với công tác nắm, quản lý
tư tưởng của bộ đội; kết hợp giữa quản lý tư tưởng với quản lý kỷ luật, kịp thời
ngăn ngừa các trường hợp nảy sinh tư tưởng tiêu cực. Kiên quyết đấu tranh có hiệu
quả lối sống thực dụng, vị kỉ, vi phạm nhân cách đạo đức, vi phạm pháp luật, kỷ
luật; coi trọng giáo dục những tiêu chí đạo đức của người quân nhân cách mạng.
Chủ động giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, hoạt động và các mối
quan hệ của cán bộ, chiến sĩ, giữa cá nhân với tập thể, cấp trên với cấp dưới,
quan hệ đồng chí, đồng đội, quan hệ với nhân dân. Gắn kết với thực hiện Phong
trào thi đua Quyết thắng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài
năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế
dân chủ cơ sở; xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy tốt
vai trò của các thiết chế văn hóa. Quản lý tốt tình hình, diễn biến tư tưởng bộ
đội, chủ động phát hiện những biểu hiện tiêu cực, không để xảy ra bất ngờ. Kịp
thời động viên, giải quyết những vướng mắc và có biện pháp ngăn chặn các hành
vi vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra, phòng ngừa vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Hai
là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo,
chỉ đạo phòng ngừa vi phạm pháp luật, kỷ luật cho hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị
cơ sở Đây là vấn đề có tính nguyên tắc và là nguyên nhân của những ưu điểm, hạn
chế trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, kỷ luật ở các đơn vị cơ sở thời
gian qua. Để thực hiện tốt giải pháp này cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ
đạo nâng cao năng lực quản lý tư tưởng, kỷ luật của các cấp ủy, chỉ huy, chính ủy,
chính trị viên các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì. Theo đó, “lãnh đạo,
chỉ huy các đơn vị phải xác định công tác quản lý kỷ luật là một nhiệm vụ trọng
tâm trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện” từ đó “Tăng cường xây dựng chính
quy, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật và đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự”
. Cùng với đó, cấp ủy các cấp cần xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo tăng
cường công tác quản lý, giáo dục chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội
và bảo đảm an toàn đơn vị. Trong nghị quyết, kết luận lãnh đạo thường kỳ của
các cấp ủy cần xác định rõ công tác giáo dục pháp luật, phòng ngừa vi phạm pháp
luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn đơn vị là khâu đột phá, nội dung trọng tâm, phải
thường xuyên rà soát, bổ sung chủ trương, biện pháp lãnh đạo. Đồng thời, phải
được cụ thể hóa vào kế hoạch công tác của chính ủy, chính trị viên, người chỉ
huy, cán bộ chủ trì các cấp, sát yêu cầu, nhiệm vụ. Trong thực hiện, cần phát
huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, sáng tạo của đội ngũ cán bộ,
nhất là cán bộ chủ trì các cấp, cán bộ trực tiếp quản lý, chỉ huy, duy trì cơ
quan, đơn vị chấp hành nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn.
Ba
là, duy trì, thực hiện nghiêm các chế độ, nền nếp xây dựng chính quy, quản lý bộ
đội, vũ khí, trang bị, phương tiện, cơ sở vật chất và xử lý nghiêm vi phạm kỷ
luật ở đơn vị cơ sở Đây là nội dung rất quan trọng trong thực hiện nền nếp
chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, là vấn đề then chốt trong duy
trì chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, ngăn chặn vi phạm kỷ luật
nghiêm trọng ở đơn vị cơ sở hiện nay. Theo đó, quá trình thực hiện, chỉ huy các
cấp cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ,
quyền hạn; nắm chắc các quy định của điều lệnh, chế độ công tác của người chỉ
huy; nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật, dân chủ - khoa học và tính kế hoạch
trong chỉ huy, điều hành đơn vị; khắc phục tình trạng độc đoán, tùy tiện. Tăng
cường công tác quản lý con người, vũ khí, cơ sở vật chất, tài sản công, các giấy
tờ tùy thân của hạ sĩ quan, chiến sĩ theo đúng quy định. Duy trì thực hiện
nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn trong
huấn luyện, học tập, công tác, lao động và tai nạn rủi ro gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi thực hiện nhiệm vụ ngoài doanh trại, cần quản lý chặt chẽ vũ khí, trang bị,
phương tiện, nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, tránh để xảy ra các vụ việc chiếm
đoạt vũ khí, vật liệu nổ và các vi phạm khác. Cấm hạ sĩ quan, chiến sĩ sử dụng
xe máy tham gia giao thông; thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu,
bia và các quy định về sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, nhất là dịp lễ,
tết. Khi có vụ việc xảy ra, phải báo cáo kịp thời chỉ huy và cơ quan chức năng
để chỉ đạo, giải quyết; nhanh chóng ổn định tình hình đơn vị. Căn cứ vào tính
chất, mức độ và thẩm quyền theo quy định, phải điều tra, xử lý nghiêm quân nhân
vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước và trách nhiệm là liên đới của người
chỉ huy để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung. Kiên quyết khắc phục tình trạng
che giấu vụ việc, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý và việc dự báo,
đánh giá tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật của lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan
chức năng.
Bốn
là, phát huy tính tích cực, tự giác của hạ sĩ quan, chiến sĩ, xây dựng môi trường
văn hóa quân sự lành mạnh, góp phần ngăn chặn vi phạm kỷ luật nghiêm trọng ở
đơn vị cơ sở Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng,
hiệu quả phòng ngừa vi phạm kỷ luật nghiêm trọng cho hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn
vị cơ sở, biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục. Đặc biệt, hiện nay trước
những diễn biến phức tạp của đời sống xã hội, cùng với sự tác động tiêu cực của
mặt trái nền kinh tế thị trường, nhất là sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa
đế quốc và các thế lực thù địch, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn
lật đổ..., đã xuất hiện một số hạ sĩ quan, chiến sĩ có sự lệch lạc về tư tưởng,
nhận thức, lối sống tự do buông thả, vi phạm kỷ luật, có những trường hợp vi phạm
kỷ luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả xây dựng chính quy,
rèn luyện kỷ luật của đơn vị.
Quan
tâm chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho hạ sĩ quan, chiến sĩ, nhất
là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải
trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao để thu hút bộ đội trong các giờ nghỉ,
ngày nghỉ và tăng cường sự gắn kết tình đồng chí, đồng đội, sự gắn bó, sẻ chia
giữa cán bộ cấp trên với cấp dưới, tạo ra sức mạnh đoàn kết trong cơ quan, đơn
vị. Chủ động phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với địa phương và gia đình trong
giáo dục, quản lý hạ sĩ quan, chiến sĩ để kịp thời phòng ngừa vi phạm kỷ luật
nghiêm trọng.
bài rất hay
Trả lờiXóa