Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc
khánh 2/9 đã đi vào lịch sử dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt
Nam. Song hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đi
ngược lại niềm tự hào của toàn dân tộc, các thế lực thù địch, phản động, phần
tử cơ hội lại tăng cường hoạt động chống phá.
Các đối
tượng sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, bình luận với
những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về bản chất cách mạng, về giá trị và
ý nghĩa thời đại của sự kiện lịch sử này, tạo nên góc nhìn phiến diện, lệch
lạc.
Nhiều bài viết nêu quan điểm sai lệch về thành quả
cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; bác bỏ sức mạnh của khối
đại đoàn kết toàn dân tộc; xem nhẹ giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Quốc
khánh 2/9.
Trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, trên một số diễn
đàn, có những người tự cho mình danh nghĩa “nhà nghiên cứu” hay “phân tích lịch
sử”, đưa ra những nhận định, đánh giá trái với sự thật, họ còn lồng ghép các dữ
liệu lịch sử và so sánh khiên cưỡng với một số sự kiện khác để tạo ra cách nhìn
sai trái.
Có trường hợp vin cớ việc chúng ta xử lý nhiều vụ
án tham nhũng gần đây để đánh đồng vấn đề tham nhũng là “lỗi hệ thống”, từ đó
kích động rằng, nhân dân hy sinh làm cách mạng để cho quan chức nắm quyền, tham
nhũng, vơ vét của cải! Những phần tử xấu được dịp hùa vào miệt thị, cho rằng
đất nước đã giành độc lập 78 năm nhưng đến nay nhân dân “chưa được tự do”,
quyền và lợi ích cơ bản của người dân “bị chà đạp”, xuyên tạc “cuộc đấu tranh
chống áp bức, bóc lột vẫn tiếp diễn”!
Các luận điệu bôi nhọ những sự kiện lịch sử trọng
đại như Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9/1945, Ngày Giải phóng hoàn toàn
miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975… là thủ đoạn “đến hẹn lại lên” của các
thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội chính trị. Họ cố tình ngụy tạo,
đưa ra các thông tin sai lệch, quan điểm sai trái hòng phủ bóng đen lên con
đường mà đất nước ta, dân tộc ta đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Họ cố tình thổi phồng các tồn tại, tiêu cực trong
đời sống xã hội hiện nay, đặc biệt là vấn đề suy thoái, tham nhũng trong bộ
phận cán bộ, đảng viên để đổ lỗi cho chế độ, hạ thấp và phủ nhận vị trí, vai
trò lãnh đạo của Đảng; đồng thời không ngừng ca ngợi lối sống tư bản, hưởng thụ,
ca ngợi kiểu tự do thái quá nhằm tạo ra suy nghĩ lệch lạc rằng, đất nước ta đi
theo con đường CNXH là sai lầm.
Thủ đoạn này không mới nhưng việc nhắc đi nhắc lại,
nhất là các dịp ngày lễ lịch sử của dân tộc sẽ tạo ra sự nhũng nhiễu thông tin
trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quan điểm, suy nghĩ của một bộ phận người thiếu
hiểu biết.
Việc các thế lực phản động, cơ hội mang dòng máu
Việt Nam nhưng lại cố tình xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp bản chất, ý nghĩa của
Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 là hành vi đi ngược lại lợi ích đất nước,
phủ nhận khát vọng của dân tộc, vong ơn trước xương máu của biết bao thế hệ
người Việt Nam đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Những
luận điệu xuyên tạc và những con người đang đi ngược dòng sự thật ấy chỉ có thể
gây nhiễu về thông tin chứ không thể ngăn cản bởi dòng chảy lịch sử của dân
tộc.
Cách đây 78 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân
dân ta từ Bắc chí Nam nhất tề đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính
quyền, chấm dứt kiếp nô lệ, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và
đi lên CNXH.
Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9/1945 không chỉ
là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc mà còn là sự kiện mang tầm vóc thời
đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc; nguồn cổ vũ, động viên, truyền cảm hứng đối với
các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới đấu tranh
giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong tâm khảm mỗi người dân,
ngày Quốc khánh 2/9 trở thành bản hùng ca của dân tộc Việt Nam trong lịch sử
hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta phải liên tiếp
đương đầu chống giặc ngoại xâm, tiến hành hàng chục cuộc kháng chiến để bảo vệ
độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh
giải phóng để giành lại độc lập dân tộc. Hoàn cảnh lịch sử đó đã hun đúc nên
những giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc, đồng thời cho thấy ý nghĩa sống còn của
các giá trị văn hóa giữ nước.
Nét đặc sắc của giá trị văn hóa giữ nước chính là
xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo đời sống của nhân dân, củng cố quốc
phòng, an ninh, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, đẩy mạnh hoạt động đối
ngoại, thực hiện “trong ấm, ngoài yên”, đặc biệt là giữ yên lòng dân; ngăn
ngừa, đẩy lùi, triệt tiêu mọi nhân tố dẫn đến nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm,
từ xa, giữ nước ngay khi đất nước đang thái bình.
Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ bờ
cõi đất nước gắn với các tên tuổi lịch sử như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô
Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... là
những bản anh hùng ca bất diệt. Thế kỷ XX, Đảng, Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân ta
viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước.
Đã 78 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản
Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Thời gian càng lùi xa
càng có thêm sự chiêm nghiệm, có thêm nhiều thông tin, càng thấy được ý nghĩa
vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đối với đất nước, dân tộc Việt
Nam, đồng thời thể hiện ý nghĩa, tầm vóc lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng
giải phóng dân tộc trên thế giới.
Cách mạng Tháng Tám mở ra kỷ nguyên mới vì độc lập,
thống nhất, xây dựng đất nước hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc theo con
đường CNXH. Không chỉ vậy, cuộc cách mạng giành độc lập, tự do của dân tộc ta
đã trở thành một biểu tượng, một bài học kinh nghiệm quý giá, một sự khích lệ
to lớn cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa.
Chính bởi ý nghĩa lịch sử đó cùng những thắng lợi
vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, thế giới ngợi ca nhân dân
của một đất nước Việt Nam anh hùng.
Đến hôm nay, sau 37 năm tiến hành công cuộc đổi
mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên tất cả
mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vị thế và uy tín của Việt
Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, các phong trào đền ơn đáp
nghĩa, xóa đói giảm nghèo luôn được các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng
lớp nhân dân quan tâm, ủng hộ.
Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu
tượng của hòa bình, ổn định chính trị, xã hội, sự thân thiện, mến khách, đồng
thời là biểu hiện của sự nỗ lực, tinh thần chiến thắng đói nghèo trong thế kỷ
XXI. Những thành tựu to lớn đã đạt được từ ngày thành lập nước đến nay chứng tỏ
sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Hằng năm, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9,
người Việt Nam dù đang bất kỳ nơi đâu trong nước hoặc ở xa Tổ quốc cũng không
khỏi xúc động bồi hồi, ôn lại khí thế hào hùng, sôi sục, náo nức của những ngày
mùa thu cách mạng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Quốc khánh chính là dịp để bất cứ người dân Việt
Nam nào, đồng bào cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc
thân yêu; cùng tưởng nhớ, tri ân hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã
ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; cùng
tưởng nhớ và biết ơn công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản
Việt Nam. Là dịp để các thế hệ hôm nay và mai sau cùng nhau nhìn lại chặng
đường gian khổ, hào hùng của cha ông để nâng cao lòng tự hào dân tộc, trau dồi
tinh thần yêu nước, cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước.
Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch
Trả lờiXóa