Nếu
biên cương quốc gia là một thực thể hữu hình, được bảo vệ bởi chủ quyền quốc
gia và công pháp quốc tế, khó bị xâm phạm, lấn chiếm thì “biên cương văn hóa”
là ranh giới vô hình, mong manh, rất khó quản lý và ngăn chặn sự “xâm lăng” từ
bên ngoài vào. Điều đó đang tác động thường xuyên, rất nguy hiểm, khó lường đến
nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là trong giới trẻ.
Sự tôn
sùng văn hóa ngoại lai lệch chuẩn, thích thưởng thức những “rác phẩm” trên
không gian mạng... đã dần hình thành lối sống dị biệt, đi ngược với văn hóa
truyền thống dân tộc ở một số người trẻ hiện nay. Hệ quả từ cuộc “xâm lăng văn
hóa” thời đại kỷ nguyên số không còn là nguy cơ, mà trở thành thực tế không
mong đợi đối với một bộ phận chủ nhân tương lai của đất nước.
“Rác
phẩm” được tô hồng và trở nên cuốn hút
Liên tiếp trong tháng 5, tháng 6 vừa
qua, cơ quan chức năng những tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Bắc Ninh bắt giữ và
khởi tố các bị can về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Điểm trùng hợp là
tất cả bị can trên đều ở độ tuổi thanh niên, trong số đó có đối tượng thuê máy
chủ và tên miền của những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để xây dựng, tạo lập
website rồi phát tán và thu lợi từ các video “bẩn”. Đó cũng là thực tế đáng lo
ngại khi trong số tội phạm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, phần nhiều là người
trẻ, sử dụng internet và mạng xã hội để phát tán nội dung xấu độc, lệch chuẩn.
Nguyên nhân phạm tội-vì tiền thì đã rõ. Thế nhưng ngọn nguồn của hành vi bất
chấp pháp luật, coi thường văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục dân tộc,
chính là ở chỗ không ít khán thính giả trẻ tuổi đam mê thưởng thức những “rác
phẩm” văn hóa đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng đi tìm nguồn cung.
Quyền tự
do lưu hành, quảng bá, phổ biến các sáng tạo văn hóa-nghệ thuật trên không gian
mạng hiện nay dẫn tới tình trạng vàng thau lẫn lộn, tràn lan các sản phẩm độc
hại. Văn học, phim, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn trên mạng; mỹ thuật, hội họa,
nhiếp ảnh, trò chơi trực tuyến... đang tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, đạo đức,
lối sống, nhân cách thanh thiếu niên. Trong số đó, rất nhiều tác phẩm xứng đáng
được gọi là “rác phẩm”: Những phim ngắn khai thác cảnh nóng, khiêu dâm, bạo
lực, giang hồ xăm trổ, những MV âm nhạc chủ yếu để "câu view",
"câu like". Nhan nhản clip có nội dung tục tĩu, phản cảm trên mạng xã
hội thu hút hàng triệu lượt khán giả trẻ.
Nhiều chuyên gia lo
lắng khi các bộ phim “đình đám” thu hút người trẻ trên mạng thường có mô típ
“3S”: Sex-sốc-sến, hoặc công thức “giang hồ+bạo lực+hài nhảm”. Điều đó góp phần
“nghiệp dư hóa”, “bình dân hóa” công việc sáng tạo văn hóa-nghệ thuật, ảnh
hưởng đến sự phát triển đúng hướng và lành mạnh của văn hóa nước nhà, đồng thời
tạo nên một thế hệ công chúng có gu thẩm mỹ nghèo nàn, què quặt, tầm thường, về
lâu dài sẽ ảnh đến nền tảng tinh thần, tầm vóc của văn hóa dân tộc. Điều nguy
hại nữa là ảnh hưởng đến lý tưởng, mục đích sống của thế hệ trẻ, khuyến khích
một lối sống hưởng thụ, chạy theo vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần.
Một thực trạng hết
sức lo ngại là các hành vi phản cảm, ứng xử vô văn hóa, hiện tượng ném đá hội
đồng, anh hùng bàn phím... ngày càng phổ biến và thu hút một bộ phận người trẻ
tham gia “like”, chia sẻ, hùa theo “comment bẩn”. Rồi ngôn ngữ mạng (ngôn ngữ
thời @, ngôn ngữ tuổi teen, tiếng ta “đá” tiếng Tây...) đang ảnh hưởng đến sự
trong sáng của tiếng Việt. Một bộ phận thanh niên hấp thụ lối sống phương Tây
một cách thái quá, chỉ chuộng nghe nhạc ngoại, phim ngoại và sính những trang
phục nước ngoài. Có những bạn trẻ sống gấp, theo kiểu hưởng thụ, không muốn
cống hiến, lao động nhưng lại đòi hỏi để thỏa mãn nhu cầu vật chất. Đáng buồn
là một số thanh niên sau khi tiếp thu mớ kiến thức hỗn độn và văn hóa lai căng,
nhố nhăng trên không gian mạng rồi quay lại chê bai mọi thứ của đất nước, các
giá trị truyền thống của cha ông, của dân tộc, cho rằng những điều đó là lạc
hậu, trì trệ.
Trong lĩnh vực giải
trí, một số người trẻ bị cuốn hút và mải mê chạy theo những trào lưu du nhập từ
nước ngoài, từ phim điện ảnh, phim truyền hình, các video ngắn, vlog, game
streaming (chơi và tường thuật game trực tuyến), các video “chơi khăm” (prank),
hình chế (meme)... Có bạn trẻ hùa theo những trào lưu độc dị khiến người khác
không khỏi giật mình, như hát cùng dao kéo, chụp ảnh quái đản, “hot boy” giả
gái, nuôi thú độc...
Trong xu thế hội
nhập quốc tế, giới trẻ chủ động lựa chọn, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các
nước trên thế giới để làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy vậy, trong quá
trình đó vẫn tồn tại hiện tượng tiếp nhận xô bồ mọi thứ gọi là “tân kỳ” của văn
hóa ngoại lai mà không phân biệt hay-dở, tốt-xấu để đi đến chỗ lai căng, mất
gốc về văn hóa. Sự thiếu chọn lọc thể hiện ở khía cạnh lạm dụng trong việc tiếp
thu các sản phẩm văn hóa giải trí. Đó là sự lạm dụng trong các chương trình
giải trí và quảng cáo trên những phương tiện truyền thông; lạm dụng hình thức
biểu diễn của một số loại hình văn hóa đại chúng; lạm dụng việc tổ chức lễ hội;
lạm dụng ca từ, hình ảnh trong những bài hát một cách sống sượng, phản cảm.
Trong Nghị
quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng ta từng cảnh báo: Tệ sùng bái nước
ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng,
cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đề cập
đến hậu quả của các sản phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai xâm nhập vào nước ta,
Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chống sự
xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” nêu vấn
đề: Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng
nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành
vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói
mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Chúng ta hoàn toàn
có thể coi không gian mạng là một môi trường văn hóa, bởi ở đó, các cá nhân
thực hiện giao tiếp, thiết lập quan hệ, xây dựng những mạng lưới và tiến hành
tương tác xã hội... Trên môi trường đó diễn ra những hoạt động văn hóa vô cùng
sôi động với các tác phẩm văn hóa-nghệ thuật được phổ biến nhanh chóng, những
hình thức hưởng thụ văn hóa rất cởi mở, đa dạng. Các sản phẩm văn hóa giải trí
có xu hướng phát triển mạnh mẽ, thu hút nhu cầu tiếp nhận của cộng đồng, trong
đó giới trẻ là đối tượng tiếp nhận chủ yếu. Đáng buồn là những sự méo mó, lệch
chuẩn lại được tô hồng qua lăng kính nghệ thuật và trở nên cuốn hút với một bộ
phận người trẻ. Càng làm những hành động phản văn hóa càng dễ kiếm tiền, càng
thành công, càng được tung hô. Ranh giới tốt-xấu, đúng-sai bị lu mờ trên không
gian mạng khi một số bạn trẻ chưa đủ nhận thức và bản lĩnh để phân biệt, hoặc
cố tình phớt lờ điều đó.
"Idol"
nhố nhăng dẫn dắt lối sống lệch chuẩn
Sự chi phối, ảnh
hưởng của tư tưởng ngoại lai dẫn đến hiện tượng cuồng thần tượng của giới trẻ
đã trở nên nhức nhối trong một thời gian dài. Từ việc hấp thụ sản phẩm, lối
sống của những "Idol" (thần tượng) nhố nhăng khiến một bộ phận người
trẻ không phân biệt được đâu là hay-dở, phi văn hóa.
Trong các nền tảng
mạng xã hội thông dụng ở Việt Nam, có một điểm chung là việc sử dụng thuật toán
phân phối để tạo nên nội dung xu hướng (chạy theo những thứ đang “hot”, được
nhiều người quan tâm). Điều này dẫn đến những nội dung xu hướng độc hại phát
tán đến giới trẻ rất nhanh và trên diện rộng. Các chuyên gia truyền thông cảnh
báo, điều rất nghịch cảnh hiện nay là một bộ phận người trẻ không thích xem các
vấn đề về lịch sử, xã hội, văn hóa, nhưng lại hứng thú và tung hô những người
giỏi chửi bới, lừa đảo, nói xấu nhau trên mạng.
Hiện nay, trên các
nền tảng mạng xã hội, ai có nhiều người theo dõi, nhiều lượt “thích” sẽ được
đặt tên là “Idol”. Mạng xã hội tạo cơ hội để ai cũng có thể trở thành nhà sáng
tạo nội dung, ai cũng có thể trở nên “nổi tiếng” và thành “KOL” (người có sức
ảnh hưởng). Bản thân những người làm ở các công ty truyền thông, quản lý một số
lượng lớn người làm nội dung số cũng thừa nhận đang có một bộ phận bạn trẻ chọn
con đường trở nên nổi tiếng, thành “Idol”, thành “KOL” bằng cách tạo ra những
nội dung độc hại. Vì lượt xem, lượt chia sẻ mà cuối cùng đều được quy thành
tiền mà xuất hiện những bạn trẻ liên tục tạo nên các nội dung vô bổ, xu hướng
độc hại để thu hút người dùng, từ nhảy múa khoe thân đến quảng cáo cờ bạc, phim
ảnh dung tục; từ miệt thị người khác, kích động vùng miền đến tung hô những giá
trị đi ngược lại với xã hội, thậm chí phản văn hóa, phi giáo dục. Có các nội
dung còn khuyến khích con người làm những điều kỳ quặc, trái với lẽ thường, gây
nguy hiểm đến tính mạng. Hiện tượng thanh niên Ngô Bá Khá (biệt danh là “Khá
Bảnh”) dù đã bị kết án hơn 10 năm tù vì tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc nhưng
đến nay vẫn được một số bạn trẻ nhắc đến như một thần tượng với những video
clip quái dị trên mạng xã hội.
Có những “thần
tượng” mạng được một số bạn trẻ phong là “thánh ăn” bởi dám “dũng cảm” từ bỏ
quyền làm người khi tự nhốt mình trong chuồng và ăn giống như một con vật. Hay
có những “giang hồ” mạng với lý lịch phức tạp, được biết đến với nhiều hành vi
ngông cuồng, bạo lực, thậm chí từng có tiền án, tiền sự nhưng các buổi phát
sóng trực tiếp của những người này lại thu hút đến vài trăm nghìn lượt theo
dõi, bình luận, trở thành “KOL” trong một bộ phận người trẻ. Có cả những “thần
tượng” dẫn dắt lối sống với quan điểm không cần đi học, đi làm, muốn kiếm tiền
thì đơn giản là hẹn hò qua mạng để nhận người bao nuôi. Cụm từ “sugar baby” hàm
ý nói về những cô gái được trả tiền để bao nuôi, lại được sáng tác thành sản
phẩm âm nhạc và không ít bạn trẻ lan truyền trên mạng xã hội.
Những thần tượng
nhố nhăng trên mạng ảo đang trở thành xu hướng dẫn tới nguy cơ bùng phát lối
sống lệch chuẩn trong giới trẻ. Những thần tượng lệch chuẩn này là ai? Là những
người tự xưng “Idol” mà chẳng cần thực lực chuyên môn; những “chiến thần chê
bai” hay “thánh ăn”, “thánh chửi” với biểu hiện chung là ảo tưởng sức mạnh,
“ngáo” quyền lực tự huyễn hoặc mình có quyền sinh quyền sát, là chuyên gia
trong mọi lĩnh vực và có quyền đánh giá mọi thứ. Hay là những “KOL” tôn sùng
cuộc sống vật chất mà bất chấp đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân
tộc. Những “Idol” đó còn có cả người nổi tiếng, hoạt động nghệ thuật sôi nổi
nhưng lên mạng là chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau,
thậm chí vi phạm pháp luật.
Lĩnh vực âm nhạc
cũng chứng kiến nạn du nhập ồ ạt, thiếu chọn lọc. Một số nhóm nhạc nước ngoài
gây “sốt” trong giới trẻ, đặc biệt là tuổi teen, chỉ bởi ngoại hình và vũ điệu
đẹp mắt mà chẳng cần hiểu ca từ hay yếu tố nghệ thuật ra sao. Chính điều này đã
cổ xúy cho xu hướng coi trọng yếu tố nhìn nhiều hơn nghe, đề cao tính giải trí
hơn tính nghệ thuật trong lối cảm thụ âm nhạc của người trẻ. Đây cũng là một
trong những nguyên nhân xuất hiện một số người trẻ Việt Nam tự xưng là ca sĩ
với những bài hát “nhạc chợ” nhảm nhí cùng màn biểu diễn khoe thân phản cảm. Sự
tiếp nhận ồ ạt âm nhạc quốc tế vào thị trường Việt Nam của một bộ phận người
trẻ phần nào làm méo mó đời sống âm nhạc trong nước, tạo nên lớp váng màu mè
bắt mắt của những “Idol” mạng mà ẩn sau đó không biết bao nhiêu là sạn.
Từ thực trạng cuồng
những thần tượng nhố nhăng khiến nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị một bộ
phận người trẻ coi thường, thậm chí chế giễu, thuần phong mỹ tục đứng trước
nguy cơ bị chà đạp, đạo đức có nguy cơ băng hoại, tệ nạn xã hội gia tăng trong
thanh thiếu niên.
Phát biểu tại Hội
nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những
tồn tại: Tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng
mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn
hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố
nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là "vô văn hóa",
"phản văn hóa").
Hiện nay, trên MXH bọn phản động đã tung nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống đối Đảng và Nhà nước ta; chúng ta cần hết sức tỉnh táo và đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của chúng.
Trả lờiXóa