Xã hội
số, văn hóa số đem lại những cơ hội nhưng cũng tạo ra thách thức mới trong xây
dựng, phát triển văn hóa.
Nhiều giá
trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mai một, trong khi những thói hư tật xấu,
văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam xâm nhập tràn
lan, làm băng hoại đời sống văn hóa tinh thần,
nhất là trong giới trẻ-những người được xem là đội ngũ tiên phong của công
cuộc chuyển đổi số. Thế nhưng đừng đổ lỗi hoàn toàn cho “thế
giới ảo” cùng khoảng trống trong công tác quản lý, mấu chốt là ở lỗ hổng về
nhận thức, sự yếu kém về bản lĩnh, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận
người trẻ.
Phim
ngoại chiếm lĩnh và thực trạng “nhờn” luật
Bàn về sứ
mệnh đầy thách thức của tuổi trẻ trong bảo vệ, lan tỏa các giá trị Việt thời
buổi “xuyên biên giới”, một số chuyên gia trăn trở khi đưa ra giả thuyết: Chúng
ta thử tưởng tượng trong một tương lai gần, người trẻ Việt Nam từ lúc mở mắt
thức dậy đến khi lên giường đi ngủ đều lên YouTube, Facebook, TikTok... để xem,
tán thưởng hoặc bình luận mọi thứ trên đời, đọc tin và xem video mà không cần
quan tâm là do báo nào viết, ai đưa lên; đâu là thông tin thật, đâu là tin giả;
chương trình truyền hình mình xem do ai làm, có bản quyền hay không... Trẻ em
thì tìm cảm hứng và định hướng lối sống trên mạng qua các video của Khá Bảnh,
Thơ Nguyễn hay bà Tân Vlog...; không cần biết đến các kênh truyền hình trong và
ngoài nước một khi đã có Facebook, YouTube, TikTok hay Netflix... Thậm chí, những
đứa trẻ không còn được nghe lời ru của mẹ, của bà, thay vào đó là những clip âm
thanh, bài hát có sẵn trên mạng làm thay sứ mệnh của tình yêu thương thiêng
liêng, cao quý.
Nghe giả thuyết
trên, có lẽ chúng ta đều thấy rằng đó không hoàn toàn là sự tưởng tượng mà đã
trở thành một phần thực tế cuộc sống hiện nay. Với những chiếc điều khiển ti vi
được nhiều bạn trẻ cài sẵn nút bật-tắt để xem YouTube, Netflix, việc bật ti vi
gần như đồng nghĩa với việc vào những kênh này để xem. Không còn ranh giới giữa
ti vi truyền thống với kho tàng nội dung video trên internet. Có những bạn trẻ
hiện nay chẳng biết bấm vào nút nào trên chiếc điều khiển để xem các kênh của
Đài Truyền hình Việt Nam hay các đài truyền hình chính thống khác. Nguy cơ
những khái niệm như “kênh truyền hình thiết yếu”, “báo chí chính thống” chỉ còn
nằm trong trí nhớ của thế hệ "8X" trở về trước. Tình hình này có thể
còn tệ hơn nếu những sản phẩm văn hóa, nhất là các bộ phim chất lượng “made in
Việt Nam” ngày một thưa thớt.
Nhìn thị trường
phim tại Việt Nam, kể cả phim chiếu rạp và phim chiếu trên các nền tảng xuyên
biên giới thì phim nước ngoài vẫn ở địa vị thống trị. Điều này bắt nguồn từ một
thực tế hiển nhiên, đó là hệ thống phân phối phần lớn thuộc về các nhà phân
phối nước ngoài. Thêm vào đó, trừ một số bộ phim ăn khách mà chất lượng nghệ
thuật còn nhiều điều phải bàn thì nhiều phim Việt chưa đủ sức hấp dẫn khán giả,
khó mang lại giá trị thương mại. Hệ quả là trong khi những giá trị Việt phai
nhạt dần thì khán giả, nhất là giới trẻ trong nước được thoải mái vẫy vùng cùng
những bộ phim tràn ngập tinh thần, văn hóa, tư tưởng nước ngoài. Trong những bộ
phim đó, tốt có, xấu có, không phù hợp với suy nghĩ, lối sống người Việt Nam
cũng có; vô hình trung các giá trị của dân tộc trở thành cổ hủ, lạc hậu và dần
bị mai một. Đó là chưa kể những bộ phim "cài cắm" hay vô tình có
những chi tiết sai sót, xuyên tạc về lịch sử, thậm chí là xâm phạm chủ quyền
lãnh thổ quốc gia.
Phim ảnh là một
lĩnh vực nghệ thuật vừa giúp các bạn trẻ thụ hưởng những giá trị, vừa góp phần
điều chỉnh tư duy, hành vi của con người. Do đó, việc thiếu vắng tầm nhìn, định
hướng trong quản lý lĩnh vực phim ảnh có thể dẫn đến những hệ quả lớn và nghiêm
trọng hơn rất nhiều đối với văn hóa, tư tưởng so với thiệt hại về khía cạnh
kinh tế.
Xây dựng ngành công
nghiệp điện ảnh được xem là mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn
hóa ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, phim Việt Nam chiếu tại các rạp
đang bị phụ thuộc vào khung giờ chiếu, kênh phân phối của các doanh nghiệp nước
ngoài với hơn 80% thị phần. Cùng với đó, phim nhập khẩu chiếm 80% lượng phim
chiếu rạp hằng năm, một tỷ lệ ngược hoàn toàn so với ở một số nước trong khu
vực. Luật điện ảnh mới và nghị định hướng dẫn có quy định: Tỷ lệ phim
Việt chiếu trong các rạp phải đạt ít nhất 15%; ưu tiên giờ vàng cho
phim Việt... Nhưng có lẽ, tỷ lệ chiếu phim không còn quan trọng bằng câu hỏi:
Có bao nhiêu phim Việt hay có thể ra rạp và chinh phục khán giả? Có phim
"trăm tỷ" lại không nhiều giá trị nghệ thuật, nhiều bộ phim nghệ thuật
lại ít bán được vé.
Không chỉ phim
chiếu rạp, hệ thống nền tảng phim trực tuyến cũng chứng kiến sự thống trị của
các hãng nước ngoài. Không ít nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền đã
được phát hiện trên các ứng dụng này. Đơn cử như Netflix nhiều lần phát các bộ
phim vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, xuyên tạc lịch sử dân tộc ta, có
thể kể đến các series phim từng gây chú ý như: "Gửi thời thanh xuân ấm áp
của chúng ta", "Một đời một kiếp", "Little women".
Phim "Bà ngoại trưởng" dùng hình ảnh Hội An nhưng chú thích địa danh
ở nước ngoài. Gần đây, bộ phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay mất tích” xuất
hiện nội dung phản ánh không chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công
tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn máy bay MH370 mất tích của Malaysia. Sau
khi nghiên cứu ý kiến của các cơ quan chức năng, ngày 11-4-2023, Bộ Thông tin
và Truyền thông có văn bản nghiêm khắc yêu cầu Netflix gỡ bỏ những nội dung vi
phạm pháp luật trong bộ phim tài liệu nêu trên. Thế nhưng Netflix vẫn tiếp tục
vi phạm. Tháng 7 vừa qua, Cục Điện ảnh có công văn yêu cầu Netflix gỡ bỏ phim
“Hướng gió mà đi” bởi lại xuất hiện nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt
Nam.
Luật Điện ảnh năm
2022 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023 đã quy
định cả hai cách tiền kiểm và hậu kiểm trong công tác quản lý phim trên không
gian mạng. Tiền kiểm là siết chặt hơn về quy định các đối tượng được
phép phổ biến phim trên không gian mạng, cũng như danh sách phim và mức phân
loại trước khi phổ biến. Khâu hậu kiểm có áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo,
các giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm. Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện việc kiểm tra nội dung phim phổ biến
trên không gian mạng, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý vi
phạm theo quy định của pháp luật.
Cùng với những nội
dung trong Luật Điện ảnh năm 2022, nhiều quy định mới có hiệu lực từ năm 2023
đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, giúp cơ quan quản lý nhà nước có căn
cứ để quản lý chặt chẽ hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Thế nhưng
vì sao vẫn xảy ra tình trạng phim mạng độc hại được công chiếu thời gian gần
đây? Bất cập nằm ở chỗ những đơn vị cung cấp dịch vụ xem phim trên mạng có thu
phí tại Việt Nam nhưng không chịu sự quản lý, không có tư cách pháp nhân ở nước
ta, dẫn đến tình trạng nhiều lần vi phạm. Hình thức xử lý là gỡ bỏ phim vi phạm
nên dường như các nhà phổ biến phim nước ngoài trên không gian mạng vẫn đang
"nhờn" luật.
Công tác tiền kiểm
chưa chặt chẽ, triệt để dẫn tới một số phim độc hại “lọt lưới” trên không gian
mạng. Cơ chế hậu kiểm góp phần phát hiện, ngăn chặn phim vi phạm quy định pháp
luật, phản văn hóa; thế nhưng trước khi bị yêu cầu gỡ bỏ thì những bộ phim này
đã được nhiều khán giả, nhất là các bạn trẻ “thưởng thức” và biết đâu đó, chúng
đã được lưu trữ về máy tính hay điện thoại cá nhân?!
"Bội
thực" thông tin nhưng thiếu trí tuệ và bản lĩnh văn hóa
Rõ ràng trong cuộc
chiến chống lại sự “xâm lăng văn hóa” có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng
của các cấp, ngành chức năng trong quản lý, ngăn chặn sự thẩm lậu những sản
phẩm văn hóa độc hại cũng như bảo tồn, phát huy để bản sắc văn hóa dân tộc luôn
là niềm tự hào mà mỗi người trẻ nâng niu, gìn giữ. Xét một cách toàn diện,
trong nguy cơ, hệ quả của sự “xâm lăng” ấy, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho
không gian mạng hay các nhà chức trách để “lọt lưới” những văn hóa phẩm độc
hại. Ở góc độ chủ quan của chủ thể, nếu bản thân mỗi người trẻ có nhận thức
đúng đắn, ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cùng bản lĩnh vững
vàng, biết gạn đục khơi trong, tiếp nhận tinh hoa văn hóa trên thế giới một
cách có chọn lọc, thì chắc chắn mọi sự “xâm lăng” không thể vượt qua ranh giới
của biên cương văn hóa tư tưởng ở mỗi người.
Một bộ phận người
trẻ chạy theo lối sống ngoại lai lệch chuẩn đã vô tình hoặc cố ý biến mình
thành nạn nhân của sự “xâm lăng văn hóa” khi chỉ biết thỏa mãn nhu cầu cá nhân
mà chẳng cần biết tốt-xấu, đúng-sai hay hệ lụy đối với quốc gia-dân tộc. Có
những bộ phim chiếu mạng xuyên tạc sự thật lịch sử, tuyên truyền xâm phạm chủ
quyền lãnh thổ quốc gia, song chỉ cần có thần tượng của mình đóng vai chính thì
một số bạn trẻ vẫn tung hô, hâm mộ. Thậm chí, có những bạn trẻ bàng quan với
những sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, nhưng lại sẵn sàng chi
số tiền không nhỏ và dãi nắng dầm mưa để góp mặt ở chương trình có “idol” quốc
tế của mình xuất hiện.
Bởi nhận thức chưa
đầy đủ, một số thanh niên hoang mang, khó định hướng giữa thông tin tích cực và
tiêu cực trên không gian mạng, chưa kể đến việc có thể kiểm soát đúng đắn cảm
xúc và hành vi cá nhân trước các sự kiện. Chính họ là những người đang tham gia
chi phối quá trình phân phối sản phẩm văn hóa giải trí thông qua tính năng chia
sẻ, bởi vậy, nếu không có phông văn hóa tốt thì rất dễ lan truyền các sản phẩm
phản văn hóa tới cộng đồng.
GS, TS Hoàng Chí
Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương từng nêu
vấn đề, đã có nhận xét mang tính cảnh báo mạnh mẽ rằng, lớp trẻ hiện đang đối
mặt với một nghịch lý hiện hữu: Có nguy cơ “chết chìm” trong đại dương thông
tin-không gian mạng, vậy mà vẫn thường xuyên “đói khát” về trí tuệ. Điều đó có
nghĩa là sự "bội thực" thông tin giả đang chen lấn, đè nén con người,
cản trở tìm kiếm sự thật chân chính, những hiện tượng chân thật, phản ánh bản
chất thật trong khi những giả tưởng đánh lừa, xuyên tạc bản chất vẫn tràn ngập
trên không gian mạng. Nó gây nên cảm giác dữ dội và dằn vặt lương tâm, ý thức
trong chúng ta. Đó là sự “đói khát” của trí tuệ giữa thời hiện đại với sự ngự
trị của công nghệ thông tin, ở đó đầy rẫy sự lẫn lộn giữa các luồng thông tin
đúng-sai, thật-giả, tốt-xấu. Vì vậy, để bảo vệ nhân tính của con người và các
phẩm chất nhân văn của xã hội, trong phát triển, cần cung cấp cho con người,
nhất là lớp người trẻ tuổi đang trưởng thành sự định hướng thông tin, thực chất
là định hướng giá trị sống, tâm hồn để họ vững vàng và bản lĩnh học tập thông
tin, đón nhận thông tin chân thực, đích thực, biết từ chối và phê phán những
luồng thông tin xấu độc để tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.
Sức mạnh cho ta khả
năng ấy chính là văn hóa. Nội lực và nội sinh ấy chỉ sinh ra từ những con người
có giáo dục, nghĩa là những con người tử tế, lương thiện, trung thực và chính
trực, sống có trách nhiệm với mình, với những người khác, với xã hội, biết tôn
trọng và bảo vệ chân lý cũng như đạo lý ở đời. Giá trị văn hóa, giá trị con
người là hiện thân sức mạnh bảo vệ và tự bảo vệ sự phát triển đích thực, đủ sức
chống lại và vượt qua những phản phát triển-những độc tố phản văn hóa, phi nhân
tính. Bản lĩnh văn hóa của thanh niên là không chỉ biết sống cho mình mà
còn sống cho nhiều người, mình vì mọi người, không vô cảm trước những mất mát
của cộng đồng, dân tộc; luôn hướng tới cái đẹp, nhận rõ thiện-ác, đúng-sai,
tốt-xấu; không chỉ nhìn xã hội, nhìn người khác mà còn phải nhìn nhận chính bản
thân mình. Văn hóa hội nhập đòi hỏi người trẻ cần có bản lĩnh văn hóa khi tiếp
xúc và tiếp nhận cái mới, cái khác; biết tôn trọng sự đa dạng, sự khác biệt
nhưng cũng phải biết tiếp thu có chọn lọc, loại bỏ những thứ không phù
hợp, thậm chí là xấu độc.
Trong một thế giới
tràn ngập thông tin, thật-giả lẫn lộn, thêm vào đó, các thuật toán thông minh
có thể thao túng, dẫn dắt đám đông theo khuynh hướng mà công nghệ muốn, người
trẻ cần được trang bị các kỹ năng mềm, những “bộ lọc” tỉnh táo để không a dua
và bị dẫn dắt bởi hội chứng đám đông. Gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn
thể, cộng đồng xã hội đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, định hướng và bản
thân mỗi người trẻ phải biết lấy tự học, tự rèn làm cốt để trang bị đầy đủ kiến
thức, bản lĩnh trước sự “xâm lăng văn hóa”.
tỉnh táo và đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của chúng.
Trả lờiXóaTrên các trang MXH hiện nay tràn lan các thông tin xấu, độc. Vì vậy chúng ta cần phải có sự nhìn nhận khách quan, chính xác, toàn diện về mọi vấn đề; nhất là khi tiếp nhận các thông tin trái chiều. Hãy thể hiện đúng là người Việt Nam yêu nước trong sự tỉnh táo và sáng suốt.