Trên cơ sở phân tích khách quan, khoa học những điều kiện kinh tế của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng như những điều kiện chính trị, xã hội đã tạo nên các quan hệ giai cấp trong xã hội tư bản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản - giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến; giai cấp có đủ điều kiện khách quan quy định sứ mệnh của mình, có đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện sứ mệnh giải phóng chính bản thân mình tiến tới giải phóng toàn thể nhân loại. Lênin đánh giá đây cũng là phát kiến vĩ đại có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của C.Mác và Ph.Ăngghen.
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, trước hết, C.Mác và Ph.Ăngghen làm rõ tiêu chí xác định thế nào là giai cấp công nhân: Đó là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp. Hai ông luôn nhấn mạnh tới giai cấp công nhân hiện đại gắn với nền công nghiệp, xem đó là bộ phận cơ bản của giai cấp vô sản. Hai ông chỉ ra rằng: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp”. Tiêu chí thứ hai mà C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh về giai cấp công nhân, đó là những người không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê, bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột sức lao động (chính vì vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen đều gọi giai cấp công nhân dưới chủ nghĩa tư bản là giai cấp vô sản). Đó là nguồn gốc khiến cho giai cấp vô sản trở thành giai cấp đối kháng với giai cấp tư sản.
C.Mác và Ph.Ăngghen thấy rõ giai cấp vô sản là giai cấp gắn với lực lượng sản xuất tiên tiến nhất dưới chủ nghĩa tư bản, là con đẻ của nền sản xuất đại công nghiệp, được nền đại công nghiệp tôi luyện, tổ chức thành một giai cấp không chỉ có ý chí cách mạng triệt để chống lại ách áp bức, bóc lột tư bản chủ nghĩa, mà còn là giai cấp cách mạng có khả năng giác ngộ về vai trò và sứ mệnh lịch sử, tự giải phóng mình bằng cách giải phóng toàn xã hội khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Cùng với đó, giai cấp vô sản còn giác ngộ, đoàn kết giai cấp vô sản các dân tộc bị áp bức trên phạm vi toàn thế giới trong cuộc đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ không có người bóc lột người. Khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” phản ánh đầy đủ nguyên lý về vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản mà C.Mác và Ph.Ăng ghen đã phát hiện ra.
Cho đến nay, phát kiến vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăng ghen về vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, qua thử thách của thời gian và kiểm nghiệm của thực tiễn vẫn còn nguyên giá trị. Chủ nghĩa Mác vẫn là ánh sáng soi đường cách mạng cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác đã chấm dứt thời kỳ mò mẫm như trong đêm tối của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình. Học thuyết của Mác đã được Lênin kế thừa, bổ sung và phát triển trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa. Từ đó, chủ nghĩa Mác trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin và đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt, xứng đáng là vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Bảo vệ và phát triển lý luận về vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân chính là bảo vệ một trong những nội dung cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin là đỉnh cao của trí tuệ loài người, trở thành hệ tư tưởng chỉ đạo cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, giành hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét