Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là một tất yếu khách quan, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong tình hình mới.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, các thế hệ tiền nhân đã có nhiều kế sách giữ nước và xây dựng LLVT đặc sắc như: “Quốc phú, binh cường, nội yên, ngoại tĩnh”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, “Quân cốt tinh, không cốt nhiều”. Trong thời đại Hồ Chí Minh, quan điểm về xây dựng LLVT tiếp tục có bước phát triển mới, đặc biệt là quan điểm xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại được hình thành từ sớm và từng bước bổ sung, hoàn thiện.
Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm 14 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta, đã căn dặn: “Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một QĐND hùng mạnh, một Quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) xác định: “Xây dựng QĐND chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có tổ chức hợp lý, cân đối, gọn và mạnh, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và sức chiến đấu cao”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta năm 1991 đã xác định: “Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu”. Từ Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trở thành chủ trương nhất quán của Đảng ta trong lãnh đạo công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đến Đại hội XII của Đảng, Đảng ta xác định: “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng LLVT nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng QĐND, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Mới đây, tại Hội nghị Quân ủy Trung ương 6 tháng đầu năm 2023, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh tổ chức Quân đội theo đúng lộ trình đã xác định; kịp thời kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng, bảo đảm đơn vị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi thành lập, tạo tiền đề để đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định”.
Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên đã cho thấy, phương hướng, mục tiêu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh là chủ trương nhất quán của Đảng và là nhiệm vụ tất yếu khách quan trong tình hình mới nhằm bảo đảm cho Quân đội không ngừng vững mạnh, góp phần giữ vững sự ổn định để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Quán triệt, triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; những năm qua, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về công tác tổ chức lực lượng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Tham mưu, đề xuất ban hành nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng. Báo cáo, đề xuất ban hành các thông tư của Bộ Quốc phòng quy định về công tác tổ chức xây dựng lực lượng; nghiên cứu, dự thảo Bộ tiêu chí xây dựng QĐND Việt Nam hiện đại trong tình hình mới. Xây dựng Đề án của Quân ủy Trung ương về Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong QĐND Việt Nam; biểu tổ chức biên chế, quy định chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị mới thành lập.
Tham mưu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân kịp thời tổng kết thực hiện Kết luận số 16-KL/TW ngày 7-7-2017 của Bộ Chính trị về lãnh đạo tổ chức QĐND Việt Nam đến năm 2021; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 607-NQ/QUTW ngày 16-6-2018 của Quân ủy Trung ương lãnh đạo thực hiện về bảo đảm vũ khí, trang bị cho QĐND Việt Nam đến năm 2025 theo định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-8-2017 của Bộ Chính trị gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 114/CT-BQP ngày 27-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thực hiện điều chỉnh tổ chức, biên chế quân số khối cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Tổ chức, chỉ đạo rút kinh nghiệm tổng kết thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; tổng hợp kết quả điều chuyển, sáp nhập, giải thể của các đơn vị làm trước, báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, quyết định. Xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Quốc phòng quản lý giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015...
Tập trung tham mưu, chỉ đạo quyết liệt điều chỉnh tổ chức từ cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng đến các cơ quan, đơn vị cấp chiến dịch, chiến thuật gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước trang bị các loại vũ khí mới, hiện đại, bảo đảm QĐND Việt Nam có đủ sức mạnh, đánh thắng mọi kẻ thù trong các hình thái chiến tranh. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thường xuyên bảo đảm quân số đúng tỷ lệ quy định; tích cực rà soát điều chuyển, khắc phục tình trạng mất cân đối quân số, nơi thừa, nơi thiếu; thực hiện nghiêm chế độ liên thẩm quân số; kịp thời điều động bảo đảm quân số cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Công tác tuyển quân, tuyển chọn, tuyển dụng, tuyển sinh, chiêu sinh đào tạo và giải quyết các chế độ, chính sách cho các đối tượng chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng. Chỉ đạo các địa phương chấp hành nghiêm các chế độ quy định trong việc đăng ký, quản lý nguồn dự bị động viên; sắp xếp đủ 100% đầu mối đơn vị dự bị động viên theo quy mô, loại hình tổ chức của các đơn vị dự bị động viên.
Sau gần 2 năm quyết liệt triển khai thực hiện, việc điều chỉnh tổ chức lực lượng theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng đã có chuyển biến rõ rệt. Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, trình Thường vụ Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét quyết định thành lập mới, đổi tên, điều chuyển, sáp nhập, giải thể, tổ chức lại, ban hành biểu tổ chức biên chế của hàng trăm tổ chức theo hướng "tinh, gọn, mạnh" gắn với ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác cho các cơ quan, đơn vị. Tích cực ứng dụng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính quân sự, triển khai thí điểm các thủ tục hành chính về lĩnh vực nghĩa vụ quân sự trên cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng theo kế hoạch; thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu ngành quân lực toàn quân”; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quân lực bảo đảm chặt chẽ, bảo mật, an toàn. Đây là những tiền đề vững chắc, kinh nghiệm quý để toàn quân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương “tinh, gọn, mạnh” trong thời gian tới.
Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là tranh chấp chủ quyền biển, đảo... diễn ra phức tạp, quyết liệt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm xuất hiện nhiều loại vũ khí mới; cùng với đó, chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao và chiến tranh phi tiếp xúc ngày càng trở nên phổ biến. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, tội phạm, thiên tai, dịch bệnh... ngày càng phức tạp. Đối với nước ta, sau gần 40 năm đổi mới, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao, tạo tiền đề quan trọng để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội... với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, khó nhận diện. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn cho công tác tổ chức lực lượng, đặc biệt là yêu cầu về điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Để thực hiện tốt chủ trương này, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả những nội dung cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh tổ chức lực lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là biện pháp tiên quyết, quan trọng hàng đầu trong triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Để thực hiện tốt nội dung này, các cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trọng tâm là Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 1228/KH-BQP, Kết luận của Hội nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương về điều chỉnh Kế hoạch số 1228/KH-BQP đúng tiến độ, lộ trình. Từng cấp chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chặt chẽ, khoa học, với lộ trình, bước đi cụ thể, điều chỉnh tăng, giảm tổ chức, quân số của từng khối phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị, giữ vững và phát huy truyền thống Quân đội, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Xây dựng, điều chỉnh tổ chức Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng; giảm đầu mối trung gian và đơn vị phục vụ, bảo đảm. Tiếp tục tổ chức một số đơn vị dự bị chiến lược phù hợp với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới.
Quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị và sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp. Biện pháp thực hiện phải toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tế; kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và công tác chính sách, tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội, đơn giản một chiều hay hành chính hóa.
Trước mắt, tập trung thực hiện tốt chủ đề của năm 2023 “Năm điều chỉnh tổ chức lực lượng”, hoàn thành điều chỉnh một khối lượng lớn tổ chức theo kế hoạch năm. Đến năm 2025, quyết tâm hoàn thành cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Kịp thời ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của một số cơ quan, đơn vị điều chỉnh tổ chức, thành lập mới; xây dựng biểu tổ chức, biên chế thời bình, thời chiến của một số cơ quan, đơn vị. Tổng kết thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; xây dựng hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015...
Hai là, điều chỉnh tổ chức lực lượng tuyệt đối không được xa rời nguyên tắc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.
Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là nguyên tắc xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta, là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến thắng và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của Quân đội. Để làm được điều đó, cần thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” và Quy chế “Công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong QĐND Việt Nam”. Coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất cách mạng, truyền thống, nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị; đối tác, đối tượng; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Kịp thời khắc phục những nhận thức, tư tưởng lệch lạc, chủ động đấu tranh phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và các phong trào thi đua, các cuộc vận động của toàn quân, toàn quốc bằng nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, là lực lượng xung kích, gương mẫu trong tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc.
Ba là, chủ động rà soát, tham mưu, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, biên chế, trang bị của từng cơ quan, đơn vị; chăm lo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các cơ quan, đơn vị cần tập trung quản lý, điều chuyển, sử dụng quân số hợp lý, ưu tiên các trung đoàn và sư đoàn bộ binh đủ quân, đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ; giải quyết tốt chế độ, chính sách cho các đối tượng, nhất là đối với các đơn vị sáp nhập, giải thể, điều chuyển. Điều chỉnh chỉ tiêu xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng dự bị động viên đối với đơn vị giải thể, sáp nhập, tổ chức lại theo Kế hoạch số 1228/KH-BQP của Bộ Quốc phòng; tổ chức huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu. Xác định rõ vị trí công tác cho từng chức danh, trước hết ở cơ quan chiến dịch, chiến lược, khắc phục chồng chéo.
Có giải pháp đột phá nâng cao chất lượng tuyển quân, tuyển sinh quân sự, tuyển dụng, bảo đảm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội. Hoàn thành điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống nhà trường, các nhà máy, cơ sở sửa chữa quốc phòng và các đoàn kinh tế-quốc phòng; xây dựng, triển khai Đề án tổng thể về tự chủ đối với một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.
Bốn là, gắn việc điều chỉnh tổ chức lực lượng với duy trì nghiêm chế độ SSCĐ, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện-đào tạo.
Đây là một trong những khâu then chốt, đột phá, có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong điều kiện mới. Sức mạnh của Quân đội là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: Con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến..., trong đó, con người là nhân tố quyết định. Vì thế, cần duy trì nghiêm các chế độ SSCĐ; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện và luyện tập, diễn tập theo các phương án tác chiến. Tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ biên giới, vùng trời, vùng biển. Chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý thắng lợi các tình huống xảy ra. Nâng cao năng lực tác chiến không gian mạng, tác chiến điện tử; phối hợp triển khai giải pháp tổng thể bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, phương án để thực hiện "nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình”: Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố môi trường, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn...
Tiếp tục đột phá đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo theo Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Vận dụng sáng tạo các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, mối kết hợp và yêu cầu, giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện, đào tạo theo hướng “Tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”. Thực hiện phương châm huấn luyện “Cơ bản-thiết thực-vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; huấn luyện đêm, huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí, trang bị mới, hiện đại, kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị và rèn luyện thể lực của bộ đội, nâng cao bản lĩnh, quyết tâm và khả năng cơ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập. Tổ chức diễn tập ở các cấp bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, an toàn, sát thực tiễn.
Tập trung đầu tư xây dựng một số học viện, nhà trường theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác bảo đảm huấn luyện đáp ứng yêu cầu “Khoa học-hiệu quả-kịp thời” phù hợp với tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị và cách đánh, sát thực tế chiến đấu. Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu huấn luyện phù hợp với từng đối tượng, lực lượng.
Năm là, điều chỉnh tổ chức lực lượng cần phải bảo đảm tốt việc xây dựng chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật và đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự.
Cần làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm, tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong quán triệt, thực hiện điều lệnh, điều lệ, chỉ thị, quy định. Thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật của cơ quan, đơn vị; kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, công tác; tăng cường những biện pháp quản lý chặt chẽ các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực trong quản lý, giáo dục bộ đội. Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính quy, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo tinh thần “7 dám”. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, những cán bộ, đảng viên quan liêu, thiếu gương mẫu, để đơn vị xảy ra vụ việc nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, chỉ huy.
Phát huy vai trò của các tổ chức trong xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật. Nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm ngay từ cơ sở. Chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” gắn với xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu và các tổ chức vững mạnh trong từng cơ quan, đơn vị. Tiếp tục xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng; đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự, trọng tâm là ở các cơ quan, đơn vị chiến dịch, chiến lược, bảo đảm bí mật, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Sáu là, chú trọng phát huy vai trò của lực lượng nghiên cứu khoa học quân sự, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng, nghệ thuật quân sự, khoa học-công nghệ quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự... trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ hiện đại. Tập trung triển khai các chương trình, đề án khoa học-công nghệ trọng điểm cấp quốc gia và Bộ Quốc phòng. Trọng tâm là nghiên cứu các hình thái chiến tranh mới, nghệ thuật tác chiến và cách đánh phù hợp với vũ khí, trang bị trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, xây dựng phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tác chiến không gian mạng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đổi mới cơ chế quản lý, đầu tư hoạt động khoa học-công nghệ; tăng cường phối hợp trong nước và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học quân sự. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.
Điều chỉnh tổ chức lực lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ rất hệ trọng, liên quan trực tiếp tới tổ chức, con người, vì vậy, quá trình thực hiện một mặt phải rất quyết liệt, mặt khác phải hết sức thận trọng, luôn tạo được sự đồng thuận cao, phát huy được sức mạnh của mọi tổ chức. Thực hiện tốt chủ trương này sẽ là tiền đề vững chắc góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa