Để giải phóng mình khỏi ách thống trị của đế quốc, thực dân, tại
sao dân tộc Việt Nam không chọn một tổ chức chính trị nào khác, mà chọn Đảng
Cộng sản Việt Nam? Phải chăng đó chỉ là ý chí chủ quan của một bộ phận người
yêu nước Việt Nam như điều mà các thế lực thù địch vẫn đang xuyên tạc?! Những
người hiểu biết cơ sở lịch sử và pháp lý sẽ đáp trả rằng: Không! Dứt khoát
không phải như vậy. Sự lựa chọn đó là của dân tộc Việt Nam, một sự lựa chọn tất
yếu khách quan mang tính quy luật lịch sử.
Sự thực là, trước khi Đảng Cộng sản
Việt Nam ra đời, đã xuất hiện những ngọn cờ cứu nước, cứu dân, những đảng phái
khác nhau, song những ngọn cờ ấy, những đảng phái ấy không đủ sức đảm đương sứ
mệnh giải phóng dân tộc.
Tháng 9-1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Sau khi hoàn thành
giai đoạn vũ trang xâm lược, chúng đặt nền cai trị hà khắc ở Việt Nam về chính
trị, kinh tế, văn hóa... Từ một nước phong kiến độc lập, có chủ quyền, Việt Nam
trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Nước Việt Nam mất độc lập, nhân
dân Việt Nam trở thành nô lệ.
Vì lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, một bộ phận phong kiến
Việt Nam đã đứng lên giương cao ngọn cờ chống thực dân Pháp, ròng rã gần 40 năm
(1858 - 1896), vẫn không chống được chủ nghĩa thực dân - một kẻ thù mới của dân
tộc, có trình độ phát triển về phương thức sản xuất hơn hẳn. Phong trào Cần
Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, tiếp đến là Phan Đình Phùng lãnh đạo,
kéo dài đến cuối thế kỷ XIX thì lụi tắt. Đầu năm 1896, những tiếng súng cuối
cùng của phong trào Cần Vương chấm dứt, cũng là tín hiệu kết thúc sứ mệnh lịch
sử của giai cấp phong kiến Việt Nam trong thời đại mới.
Các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt
Nam những năm đầu thế kỷ XX diễn ra sôi nổi, song có hạn chế lớn trong xác định mục
tiêu, kẻ thù và phương thức đấu tranh. Tiêu biểu như: Phan Bội Châu xác định
chống đế quốc nhằm giành độc lập và thiết lập nền quân chủ lập hiến ở Việt Nam
(dựa vào Nhật để chống Pháp, dẫn đến không thành công); Phan Châu Trinh tập
trung chống phong kiến (dựa vào Pháp để đánh đổ ngôi vua và bọn phong kiến hủ
bại, coi đó như là điều kiện tiên quyết để giành độc lập, cũng đi đến thất
bại)...
Trong công cuộc giải phóng dân tộc, những thập niên đầu thế kỷ
XX, đã có nhiều đảng phái đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội từng
nỗ lực trên vũ đài chính trị, như Nghĩa hưng (1907); Lập hiến (1923); Việt Nam
nghĩa đoàn; Đảng Thanh niên; Đảng An Nam độc lập (1927), Việt Nam Quốc dân Đảng
(1927)...; kể cả một số đảng của những kẻ tay sai cho đế quốc, như Đại Việt
quốc gia xã hội Đảng, Đại Việt quốc dân Đảng trong những năm 40 của thế kỷ
trước; hay các đảng phản động, như Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam
Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)... cũng cố thực hiện mưu đồ chính trị. Thế
nhưng, sự thực là, các đảng phái đó không được dân tộc Việt Nam lựa chọn giữ
quyền lãnh đạo.
Tiếp tục truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường chống ngoại
xâm, các phong trào chống thực dân Pháp đã diễn ra quyết liệt, liên tục, trên
các vùng lãnh thổ Việt Nam, hướng tới mục tiêu đánh đổ chế độ thuộc địa, giành
độc lập dân tộc. Tuy nhiên, các phong trào cứu nước lần lượt thất bại. Thực tế
thất bại của các phong trào đó cho thấy sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản trước nhiệm
vụ lịch sử đặt ra. Cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đứng trước sự khủng
hoảng sâu sắc về đường lối, thiếu lý luận cách mạng tiên tiến dẫn dắt cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc.
Lịch sử đặt cho dân tộc Việt Nam một câu hỏi mang tầm thời
đại: Giải phóng dân tộc bằng con
đường nào mới giành thắng lợi? Lực lượng nào đủ khả năng hoạch định đường lối
và tổ chức thực hiện đường lối cứu nước, cứu dân? Câu hỏi đó vẫn
chưa có lời giải trong suốt mấy thập niên đấu tranh. Đây chính là nhu cầu lịch
sử và tất yếu phải có sự ra đời của lực lượng tiên phong.
Sự thực là, sự ra đời của Đảng Cộng sản
Việt Nam chính là lời giải đúng cho công cuộc giải phóng dân tộc - bước ngoặt
vĩ đại, chính thức chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng
dân tộc ở Việt Nam.
Trước yêu cầu lịch sử, với hành trang là chủ nghĩa yêu nước, lòng
yêu nước vô hạn và thương dân sâu sắc, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí
Minh) đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước; cuộc hành trình lịch sử ấy bắt đầu
từ ngày 5-6-1911. Trên con đường vạn dặm, “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ,
châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ/Những con đường cách mạng đang tìm
đi”. So sánh các cuộc cách mạng, Người chỉ rõ, kết cục của các
cuộc cách mạng tư sản là “cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là
cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp
bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu
cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ
những điều ấy”. Điều đó có nghĩa là, cách mạng Việt Nam khi đó
quyết không chọn con đường cách mạng tư sản, không thể đặt nhiệm vụ ấy cho giai
cấp tư sản.
Bằng tư duy mới, coi trọng khảo cứu thực tiễn, đối sánh, cùng với
sự nhạy bén đặc biệt về chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã tìm và chọn được con đường
giải phóng dân tộc triệt để nhất - con đường cách mạng vô sản, theo Cách mạng
Tháng Mười Nga, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong Đường Cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc khẳng
định dứt khoát: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa
chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Nghiên cứu lý luận, đối chiếu với thực tiễn chính trị - xã hội, Người đi đến
kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con
đường cách mạng vô sản”. Tuân theo tính quy luật, để làm cách
mạng vô sản thì điều kiện tiên quyết phải tổ chức ra Đảng Cộng sản.
Nhận thức được chân lý của thời đại, Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực xúc
tiến chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự chuẩn bị về chính trị, tư
tưởng, tổ chức, về đội ngũ cán bộ ban đầu đã dẫn tới sự ra đời các tổ chức tiền
thân của đảng cộng sản. Những năm 1929 - 1930, phong trào dân tộc theo xu hướng
cộng sản thể hiện rõ sự thắng thế so với các xu thế khác, các tổ chức cộng sản
cũng phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu cần có một đảng cộng sản duy nhất để tập trung
sự lãnh đạo trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc chủ động hợp nhất các tổ chức
cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, tiếp đến là Đông
Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm
1930 - bước ngoặt vĩ
đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đảng ra đời vạch ngay một Cương lĩnh đúng, đưa cách mạng
Việt Nam đi theo xu thế thời đại, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chính
thức chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước ở Việt Nam, đảm nhận
sứ mệnh mà các lực lượng trước đó không giải quyết được. “Việc thành lập Đảng
là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó
chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.
Đảng ra đời với đường lối đúng, đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ
quần chúng, được toàn dân tin theo và ủng hộ. Đây là bước đầu quyết định, chứng
tỏ cách mạng Việt Nam đã có một lực lượng lãnh đạo đủ uy tín, năng lực đưa cách
mạng vượt qua khó khăn, thử thách, làm nên những kỳ tích trong sự nghiệp giải
phóng dân tộc và kiến tạo đất nước, đáp ứng khát vọng của nhân dân, phù
hợp với xu thế của lịch sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét