Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

 KHỞI NGHĨA CAI KINH: NIỀM TỰ HÀO XỨ LẠNG

Cuối thế kỉ XIX, khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổ ra, trong đó có cuộc khởi nghĩa của đồng bào dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang do Hoàng Đình Kinh lãnh đạo (1882 – 1888). Cuộc khởi nghĩa đã làm chủ được một vùng rộng lớn, gây được tiếng vang trong thời kì này. Mặc dù cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài trong 7 năm và cuối cùng thất bại nhưng cũng gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất đồng thời làm chậm bước tiến của thực dân Pháp ở vùng thượng du Bắc Kì. Hoàng Đình Kinh đã được tôn vinh và ghi nhận như một nghĩa sĩ trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Việt Nam.

Cai Kinh tên thật là Hoàng Đình Kinh. Ông sinh ra và lớn lên tại xóm Ao, thôn làng Thượng, xã Hòa Lạc thuộc tổng Thuốc Sơn, châu Hữu Lũng, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang (nay thuộc xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) trong một gia đình khá giả, cha là Hoàng Đình Khoa làm cai tổng Thuốc Sơn. Sau khi cha mất, ông được thăng làm cai tổng nên có tên gọi là Cai Kinh.

Tài liệu sử cho hay, từ nhỏ, ông đã sớm biểu lộ nghĩa khí, thường bênh vực dân lành. Trong một lần, thổ phỉ nhà Thanh tràn sang cướp bóc, ông đứng ra phản kháng, bị chúng cắt đứt một bên vành tai. Lớn lên, ông tập hợp thanh niên trong vùng tập luyện võ nghệ, tổ chức đánh thổ phỉ, bảo vệ dân làng.

Do có công đánh dẹp thổ phỉ, giặc cướp trong vùng, bảo vệ dân cùng với chỉ dụ của triều đình nên sau này, Cai Kinh được thăng làm tri huyện Hữu Lũng.

Sử sách chép lại rằng, năm 1862, ông tham gia cuộc nổi dậy của Cai Vàng chống lại nhà Nguyễn. Sau khi lực lượng bị giải tán, ông sang Vân Nam (Trung Quốc) chiêu tập binh mã, rồi đem bộ hạ về nước cát cứ vùng rặng núi miền thượng du sông Thương, với căn cứ ở núi Đồng Nãi, kiểm soát một vùng rộng lớn ở phủ Lạng Thương.

Ông tổ chức đội quân rất có quy củ nên gây được thanh thế lớn. Bấy giờ, nhà Nguyễn mất hẳn Nam Kỳ vào tay người Pháp và đang hạ mình khi bị Pháp đe dọa ở Bắc Kỳ. Một mặt, triều đình chủ trương tránh cho quân chủ lực giao chiến với quân Pháp; mặt khác, chiêu dụ các đội quân cát cứ tấn công quân Pháp, đặc biệt là quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, thậm chí cho quân Thanh vào tham chiến. Hậu quả của chính sách tai hại này là triều đình yếu thế về ngoại giao, mất quyền kiểm soát địa phương và làm mất lòng tin của dân chúng.

Bất chấp chủ quyền của Đại Nam, tháng 6/1883, quân Pháp ngang nhiên thực hiện chiến dịch Bắc Kỳ nhằm chống lại các đội quân địa phương của Việt Nam, quân Cờ đen, đội quân Quảng Tây và Vân Nam của nhà Thanh, với mục tiêu chiếm đóng Bắc Kỳ và giữ vững sự bảo hộ của Pháp tại đó. Bấy giờ, Cai Kinh được triều đình chiêu dụ, phong chức tri huyện Hữu Lũng, được tướng nhà Thanh cấp bằng Tán tương quân vụ, thường xuyên hợp quân đánh Pháp.

Tháng 3/1884, sau khi chiếm được thành Bắc Ninh, Pháp đưa một cánh quân định thừa thắng chiếm luôn Lạng Sơn. Khi tiến đến Hữu Lũng thì bị nghĩa quân Cai Kinh phục kích chặn đánh quyết liệt nên phải rút về Bắc Ninh.

Nhằm tránh cuộc xung đột giữa hai bên, quân Pháp và nhà Thanh đã ký kết bản quy ước ngày 11/6 có 5 khoản, trong đó có khoản nhà Thanh phải rút toàn bộ quân khỏi Bắc Kỳ. Nhân cơ hội này, Pháp gây áp lực để ký kết hiệp ước mới với triều đình nhà Nguyễn, gọi là Hòa ước Giáp Thân 1984 vào ngày 6/6/1984 với mục đích phân chia nước ta làm 3 kỳ, nhằm xoa dịu sự căm phẫn của nhân dân, đồng thời cắt đứt mối quan hệ giữa nhà Nguyễn và triều Thanh.

Sau khi hòa ước được ký kết, quân Pháp phái trung tá Dugenne dẫn quân từ phủ Lạng Thương kéo lên tiếp quản các thành Lạng Sơn, Thất Khê và Cao Bằng, do quân Thanh triệt thoái. Không chấp nhận sự đầu hàng nhục nhã, nghĩa quân của Cai Kinh đã phối hợp với cánh quân chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiên, Phạm Huy Quang phục kích đánh một trận quyết liệt ở cầu Quan Âm - Sông Hóa. Ngày 22/6, đoàn quân Pháp từ đồn Bắc Lệ đến bờ sông Hóa (một nhánh của sông Thương), cách cầu Quan Âm khoảng 8 dặm thì bị chặn lại. Ở phía bên kia cầu, quân Thanh và quân khởi nghĩa người Việt, trong đó có cả quân Cai Kinh, đóng giữ. Ngày 23, khi quân Pháp cố vượt sông, giao tranh nổ ra. Đến ngày 26, quân Pháp đành phải mở đường máu rút về Bắc Lệ. Cai Kinh tổ chức cho quân tấn công đồn Bắc Lệ, bắt được 1 quan hai, 1 quan một và 6-7 lính.

Sau trận đánh này, uy thế quân Cai Kinh lên cao. Nhiều cánh nghĩa binh hội quân với ông, trong đó có cánh nghĩa binh của Trương Văn Thám, chính là Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám) sau này.

Năm 1885, quân Pháp theo đường Chũ, Đình Lập đánh chiếm được Lạng Sơn. Tuy nhiên, nghĩa quân Cai Kinh hoạt động ở Lạng Sơn phối hợp với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám ở Bắc Giang làm cho quân Pháp nhiều phen nguy khốn, chậm kế hoạch mở công trường đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn.

Cuối năm 1885, quân Pháp tăng cường đánh chiếm nhiều nơi của tỉnh Lạng Sơn, nghĩa quân Cai Kinh chuyển vào vùng Tam Yên - Hữu Lũng làm căn cứ và xuất quỷ nhập thần đánh địch ở khắp nơi. Suốt 2 năm 1885 - 1886, các tướng của nghĩa quân Cai Kinh là Cai Bình, Cai Hai (em Cai Kinh), Hoàng Quế Thọ (ở Bình Gia), Hoàng Thái Nam và Hoàng Thái Nhân (ở Bắc Sơn)... đã đánh địch liên tục từ phủ Lạng Thương, Mai Sao, Than Muội, Đồng Đăng và đèo Tam Keng (Bắc Sơn)... làm cho quân Pháp mất ăn mất ngủ và tổn thất nặng nề.

Bước sang năm 1887, quân Pháp mở nhiều cuộc tấn công quy mô lớn vào trung tâm căn cứ nghĩa quân nhưng không đem lại kết quả. Dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở, nghĩa quân đã đánh nhiều trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Tháng 12/1887, trong một cuộc càn quét vào căn cứ nghĩa quân, tên trung tá Dugenne nổi tiếng tàn bạo, hiếu chiến đã bị một toán nghĩa quân Cai Kinh do thủ lĩnh Hoàng Quế Thọ chỉ huy bắn chết tại đèo Keng Dàn, xã Trấn Yên, Châu Bắc Sơn.

Không khuất phục được Cai Kinh bằng vũ lực, thực dân Pháp hèn hạ dùng thủ đoạn mua chuộc, chia rẽ hàng ngũ nghĩa quân, cài người vào nghĩa quân làm phản. Tổng Côn vốn có tư thù với Hoàng Đình Kinh, lại ham tiền của, đã cấu kết với Pháp thực hiện âm mưu hèn hạ này.

Sau nhiều năm nếm mật nằm gai, chiến đấu kiên cường chống giặc, người thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Đình Kinh phải đối diện với nhiều khó khăn, bất trắc; trước mặt là kẻ thù xâm lược, sau lưng bị thủ hạ thân tín làm phản, những năm tháng cuối đời ông phải thay hình đổi dạng, di chuyển chỗ ở để tránh sự truy bắt gắt gao của chính quyền thực dân.

Cuối cùng thực dân Pháp cũng bắt được ông ở biên giới Việt - Trung và đem về xử tử. Hoàng Đình Kinh đã anh dũng hy sinh ngày 6/7/1888.

Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh bị thất bại, nhưng tinh thần chiến đấu ngoan cường của ông và nghĩa quân đã khiến cho giặc Pháp phải khuất phục. Nhân dân các dân tộc trong vùng vô cùng cảm phục và thương tiếc ông, đã đặt tên dãy núi đá vôi trùng điệp mà ông lấy làm căn cứ là dãy núi Cai Kinh. Tổng Thuốc Sơn quê hương ông cũng được đặt tên là xã Cai Kinh. Tên tuổi và sự nghiệp của Hoàng Đình Kinh từ đó đến nay trở thành bất tử, là tượng đài sống mãi trong lòng nhân dân xứ Lạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét