Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN TRONG ĐẢNG ĐỂ THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII

 

     Thực tiễn luôn minh chứng tính đúng đắn sáng tạo, cách mạng và khoa học quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng. Để Đảng luôn giữ được niềm tin của nhân dân, luôn vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(15); để Đảng không phải là một “tổ chức làm quan phát tài”, thì phải không ngừng “chẩn đoán” và chỉ rõ những biểu hiện của “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân, phải không ngừng “chữa trị” và “đặc trị” để đẩy lùi và giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này.

     Tình hình thế giới và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, nhiệm kỳ Đại hội XII Đảng vừa qua đã tạo ra bước đột phá, đạt được những kết quả đáng khích lệ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã “chỉ mặt đặt tên” những biểu hiện của “căn bệnh” này. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “”tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(16). Đồng thời, từng bước đấu tranh, đẩy lùi một bước chủ nghĩa cá nhân với những căn bệnh của nó, như: cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, cục bộ, địa phương, vô cảm; những tiêu cực trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng… ở một số cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền. Trong đấu tranh đã không có vùng cấm, không có ngoại lệ; việc xây dựng Đảng về đạo đức được coi trọng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”(17).

     Quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng vẫn giữ nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

     Để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phải không ngừng kiên quyết, kiên trì, giữ vững ưu thế, đẩy lùi, giành thắng lợi trong cuộc đất tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ, “chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”(18). Theo đó:

     Một là, phải có phương pháp đúng đắn, bước đi thích hợp, thận trọng, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, có cơ chế “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong Đảng”; xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, khắc phục triệt để biểu hiện “nhẹ trên nặng dưới”, “đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ”(19); phát huy “vai trò của người đứng đầu”, cán bộ quản lý chủ chốt ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị…

     Hai là, mỗi đảng viên dù ở cương vị công tác nào đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, kỷ luật, quy định tại đơn vị công tác, trong gia đình và ngoài xã hội.

     Giữ vững và làm đúng các nguyên tắc xây dựng đảng, phát huy dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình, tiến hành tự phê bình và phê bình trong Đảng phải từ cấp trên xuống cấp dưới, từ Bộ Chính trị đến các tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, nhưng phải cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những đảng viên có chức, có quyền, những lĩnh vực nhậy cảm, liên quan nhiều đến quyền lực, lợi ích kinh tế, lĩnh vực có quan hệ trực tiếp với người dân.

     Từng đảng viên phải kết hợp chặt chẽ xây và chống, chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, ngăn chặn, đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Thực hiện nghiêm Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 19/12/2016 về “Một số vấn đề làm ngay để tăng cường nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung tương”.

     Ba là, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức, có quyền.

     Xây dựng cơ chế phù hợp để quần chúng, nhân dân được tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Kịp thời khen thưởng, cổ vũ những cá nhân, cơ quan báo chí đã phát hiện, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tham nhũng, lãng phí.

   Công khai, không có vùng cấm và khách quan xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết trong Đảng; tình trạng vì lợi ích cá nhân, phe nhóm, nể nang mà “xử lý nội bộ”, “che dấu” cho việc tiêu cực./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét