Đã nhiều năm trôi qua, hình ảnh về những ngày tháng làm thầy giáo mặc áo lính vẫn hằn in trong ký ức tôi.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”! (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Cha ông chúng ta đã luôn dạy con cháu phải biết tôn sư trọng đạo là vậy!.
Hôm nay, tôi nhớ về các đồng đội tôi. Họ là những giảng viên giảng dạy trong hệ thống các nhà trường quân đội những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bài giảng của họ là các kỹ thuật sử dụng hiệu quả những loại vũ khí để bảo vệ Tổ quốc. Học viên tốt nghiệp ra trường sẽ nhận nhiệm vụ chiến đấu hoặc sẵn sàng chiến đấu. Phải nói đây là những ngày tháng thật khó có điều kiện để thực hiện các hành động lãng mạn. Muốn mua một bó hoa tặng thầy dạy mình ư? Điều kiện sinh hoạt và chiến đấu không cho phép! Tất cả những kỷ niệm về người thầy của mình được các anh gói ghém chặt trong lòng.
Thời gian trong quân ngũ, tôi cũng từng làm giáo viên dạy bắn pháo nòng dài ở trường đào tạo hạ sĩ quan của Quân đoàn 1, năm 1974. Phân đội tôi đảm trách huấn luyện, giảng dạy cho 50 học viên, vừa từ các đơn vị chiến đấu được tuyển chọn về đây. Sau một năm học tập cùng nhau, các anh tốt nghiệp, trở về các sư đoàn quân chủ lực. Và ngay lập tức được tung vào trận đánh cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 4 - 1975.
Chúng tôi, những giảng viên tương lai được đưa ra Sơn Tây, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) tập huấn hai tháng. Do có thời gian làm pháo thủ số 1 pháo nòng dài 130mm nên tôi tiếp thu khá nhanh loại pháo tép này. Việc chủ yếu của tôi là tìm đọc tài liệu để khi giảng cho học viên sao cho dễ hiểu, dễ thao tác nhất.
Thế là tôi đã trở thành giáo viên! Một người giáo viên đặc biệt: Dạy cách sử dụng v.ũ kh.í!
Chúng tôi về tới Thanh Hóa thì học viên đã ùn ùn kéo đến. Tôi được phong quân hàm Trung sĩ và nhận chức giáo viên kiêm Trung đội trưởng ở một tiểu đoàn mới thành lập - Tiểu đoàn 5. Trung đội tôi phụ trách là trung đội pháo nòng dài 85mm. Biên chế của trung đội có 4 tiểu đội, tổng cộng 50 chiến sĩ là học viên và tôi là 51, trung đội không có biên chế trung đội phó. Mỗi học viên được trang bị 1 khẩu súng AK và 30 viên đạn, toàn trung đội có một khẩu pháo 85mm để làm giáo cụ trực quan. Thời gian học tập là 12 tháng với nhiều nội dung quân sự và chính trị khác nhau nhằm đào tạo lớp cán bộ cơ sở có trình độ chỉ huy phù hợp với yêu cầu phát triển mới của chiến trường: Tác chiến hiệp đồng binh chủng.
Tiểu đoàn 5 đóng quân ngay ở đầu làng, trên một quả đồi trồng bạch đàn, phía trước mặt nhìn xuống là một hồ sen rộng chừng vài hécta. Mùa sen trổ hoa, hương sen thơm ngan ngát lan tỏa khắp một vùng quê êm ả. Tiểu đoàn trưởng là Đại úy Nguyễn Đán, Chính trị viên tiểu đoàn là Thượng úy Lê Mậu. Tiểu đoàn chỉ có 2 đại đội: Đại đội Trinh sát và Đại đội Xạ kích. Tôi thuộc biên chế của Đại đội Xạ kích.
Đại đội trưởng Đại đội Xạ kích tên Bẩy quê Hà Tây. Anh Bẩy sau vài tháng huấn luyện thì được điều chuyển sang đơn vị khác. Thay anh Bẩy là anh Nam người Nghệ An, người nhỏ con, da đen, mắt lúc nào cũng mòng mọng nước.
Chính trị viên tên Ngữ người Hải Phòng trông cao ráo, phong nho nhưng hay nói ngọng chữ N - L và ngược lại. Anh Ngữ nói năng kín đáo đúng theo kiểu cán bộ chính trị. Anh có suy nghĩ của người trí thức cầm súng. Ở đơn vị, anh thân với tôi, hai anh em hay trao đổi công việc và tâm sự với nhau.
Đại đội phó tên Kê, quê huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, người thấp đậm và hay quan trọng hóa mọi việc. Anh hay bắt bẻ theo kiểu máy móc để chứng tỏ mình rất quan trọng, nhưng trong thâm tâm thì không có gì. Chỉ làm oai vậy thôi!.
Bốn trung đội trưởng gồm có Nhiên, Ngoạn quê Hải Dương, Thảo quê Vĩnh Phú và tôi quê Thanh Hóa. Chúng tôi làm việc, sinh hoạt trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Nhiên là Chuẩn úy, Ngoạn là Thượng sĩ, hai anh cùng nhập ngũ một ngày với Đại đội phó Kê. Tôi và Thảo quân hàm Trung sĩ.
Chức vụ cao nhất của tôi trước đó là Đài trưởng Trinh sát, chỉ huy một nhóm 5 người luồn sâu sát địch để sửa bắn… Bây giờ nhiệm vụ đã khác, số quân gấp lên 10 lần, vì vậy nhiệm vụ chỉ huy cũng không đơn giản chút nào.
Quan điểm của tôi là “Quân lệnh như sơn”. Đó là điều bất di bất dịch, để bảo đảm chiến đấu và chiến thắng, chúng ta phải được tổ chức, có trên, có dưới, kỷ luật quân đội rất nghiêm minh, không ai có quyền vượt qua. Nhưng tôi luôn đối xử với chiến sĩ của mình bằng tất cả sự chân thành, bằng tình anh em thân thiết… Vì vậy luôn được anh em tin yêu, nể phục.
Trong trung đội, có người cũng mang cấp bậc Trung sĩ như tôi, phần lớn các anh đã trải qua trận mạc, một số đã có gia đình vợ con…, trừ một số ít anh em quê Thái Bình là mới qua huấn luyện tân binh, chưa kịp tham chiến. Tất cả đều là những nhân tố tích cực được lựa chọn gửi lên từ các đơn vị. Tôi đã từng nói với họ rằng: “Chúng ta đều là người lính như nhau, có điều đang được tổ chức phân công những nhiệm vụ khác nhau mà thôi. Về quyền lợi bổng lộc, tôi không hơn anh em chút nào, có khác chỉ là trách nhiệm của tôi nặng hơn các anh mà thôi!”.
Khóa huấn luyện hạ sĩ quan của chúng tôi kết thúc bằng một cuộc diễn tập bắn đạn thật ở chân núi Nưa (Thanh Hóa). Kết quả toàn trung đội hoàn thành mục tiêu, được xếp loại giỏi, mọi người ai cũng phấn khởi.
Rồi chúng tôi chia tay nhau mỗi người mỗi ngả để trở về các đơn vị chiến đấu, tham gia trực tiếp Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một năm vừa trên cương vị cán bộ chỉ huy vừa là giáo viên, tuy ngắn ngủi nhưng đã giúp tôi bồi bổ thêm phong cách lãnh đạo, chỉ huy, giúp tôi vững vàng hơn trong những nhiệm vụ sau này.
Năm 1976, tôi xuất ngũ, về học tập tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Cho đến bây giờ, khi rời xa quân ngũ đã lâu, tôi vẫn giữ được mối liên hệ với một vài người trong số 50 chiến sĩ của tôi ngày đó. Hôm nay, trong số họ, nhiều người đã là cán bộ cao cấp trong quân đội. Còn tôi, vẫn là người chỉ huy năm nào: Giáo viên kiêm Trung đội trưởng của họ. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi lại vui như Tết, hồ hởi ôn lại những ngày huấn luyện ở “lò” đào tạo hạ sĩ quan đầu tiên của quân đoàn./.
Báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét