Theo đó, nếu họa sĩ không đoạt giải thưởng chính thức mà chỉ có tác phẩm treo triển lãm thì được chi trả nhuận bút từ 1,8 triệu đến 2,7 triệu đồng (tương ứng 1-1,5 lần mức lương cơ sở hiện nay). Triển lãm quy mô cấp khu vực, tỉnh, thành phố, ngành còn thấp hơn nữa. Đã vậy, chi phí vận chuyển tác phẩm tham dự triển lãm, họa sĩ phải tự túc, nhiều khi còn cao hơn nhuận bút. Đó chỉ là một trong nhiều bất cập được chỉ ra mới đây tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết và đánh giá việc thực hiện Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Xứng với công sức sáng tạo
Ảnh minh họa: TTXVN 

Mối quan hệ giữa vật chất với cảm hứng và thành tựu sáng tạo nghệ thuật không theo quy luật nhất định. Văn nghệ sĩ có vật chất đầy đủ đôi khi lại chẳng kết tinh "siêu phẩm" để đời. Ngược lại, nhiều văn nghệ sĩ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí cận kề sống chết lại thăng hoa sáng tạo. Trước khi nghĩ đến tương lai có làm nên sự nghiệp hay không, nếu theo đuổi văn nghệ là nghề nghiệp thì văn nghệ sĩ trước hết phải sống được bằng nghề. Ngặt nỗi, trong các chuyên ngành văn nghệ, thu nhập có sự chênh lệch lớn tùy thuộc quy mô thị trường tiếp nhận, mức độ “công nghiệp hóa”, vị trí việc làm... Diễn viên kịch nói sẽ ít đầu tư công sức vào vai diễn trong tác phẩm do Nhà nước đặt hàng bởi thù lao thấp; thay vào đó sẽ ưu tiên đóng phim, quảng cáo, tham gia sân khấu tư nhân.

Việc sửa đổi nghị định để tăng mức nhuận bút, thù lao phù hợp với hoàn cảnh mới là điều tất yếu. Vấn đề là mức tăng cũng trong giới hạn nhất định bởi ngân sách nhà nước cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Trên thực tế, không hiếm sản phẩm nghệ thuật được làm cho có, chất lượng rất thấp, lại dựa vào chỗ thân quen, quan hệ, cốt chỉ để lấy được “miếng bánh” ngân sách đầu tư cho văn nghệ. Mấu chốt việc sửa đổi nghị định là tránh hiện tượng cào bằng, bổ sung các vị trí việc làm cấu thành nên tác phẩm nghệ thuật, ưu tiên một số loại hình nghệ thuật khó thương mại hóa...

Quy định khung nhuận bút, thù lao vẫn cần được xem là mức sàn để chi trả hợp lý từ ngân sách nhà nước. Song cần có thêm những quy định mới phù hợp với thực tiễn, với tinh thần xứng đáng với công lao sáng tạo; qua đó tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân văn nghệ sĩ đầu tư trong hoạt động nghệ thuật. Chẳng hạn, cần sớm bổ sung quy định để tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động, trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung; do người đứng đầu quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính hiện nay. Hay như với tác phẩm có sự hợp tác công tư, cũng cần có quy định nhuận bút, thù lao vượt khung.

Về bản chất, kể cả khi chủ thể Nhà nước không còn đóng vai trò chủ đạo kinh doanh, thương mại hóa nghệ thuật thì vẫn cần duy trì các hoạt động văn nghệ phục vụ nhu cầu văn hóa của người dân, tuyên truyền, định hướng trên mặt trận tư tưởng. Tiếp tục tăng cường đầu tư cho văn nghệ, gắn với cải thiện chế độ, chính sách, nhất là nhuận bút, thù lao cho văn nghệ sĩ là việc cần sớm thực hiện. Có như vậy mới góp phần cụ thể hóa, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động văn hóa-nghệ thuật, thể hiện tình cảm đối với giới văn nghệ sĩ luôn đồng hành với đất nước, phụng sự nhân dân.

HÀM ĐAN

nguồn báo qđnd