CUỘC CHIẾN TRANH GIỮA ISRAEL VÀ HAMAS ĐANG DIỄN RA HIỆN NAY – NHÌN NHẬN CHIẾN TRANH DƯỚI QUAN ĐIỂM C. MÁC VÀ V.I.LÊNIN
Ngày 7/10 Tổ chức vũ trang Hamas phóng khoảng 5.000 quả rocket vào các thành phố Israel, đồng thời tổ chức nhiều mũi xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương bằng đường biển, đường bộ và dù lượn. Lãnh đạo nhóm tuyên bố hôm nay là ngày khởi đầu "cuộc chiến lớn nhất để chấm dứt tình trạng chiếm đóng" ở Palestine. Israel đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và tung các đòn đáp trả...
Chiến tranh xảy
ra đã 3 tuần, gần 8000 người đã thiệt mạng, cơ sở vật chất bị tàn phá không thể
kể đếm được….Thực tiễn chiến tranh đang xảy ra, chúng ta hãy cùng nhau soi chiếu
những nội dung mà C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I.Lênin đã dự đoán và bàn định về
chiến tranh, để từ đó góp phần khẳng định các Ông đã đúng và mãi mãi vẫn đúng.
Cùng với Ph. Ăng-ghen, C. Mác đã đặt nền móng cho học thuyết
Mác – Lê-nin về chiến tranh, làm nên một cuộc cách mạng khi đánh giá, xem xét về
bản chất của chiến tranh trong thế giới hiện thực.
Trên cơ sở những tiền đề xã hội và lý luận nhất
định. Đó là quá trình kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những
tư tưởng của nhân loại về chiến tranh và không ngừng đấu tranh phê phán,
bác bỏ những quan điểm duy tâm, tôn giáo, siêu hình, phản khoa học của giai cấp
tư sản về chiến tranh. C. Mác đã kiên quyết chống lại quan điểm cho rằng,
chiến tranh là tất yếu, vốn có, là định mệnh đối với con người và xã hội loài
người. Theo C. Mác, chiến tranh nảy sinh và phát triển có nguồn gốc
và nguyên nhân của nó. Ông phê phán quan điểm của G. Hêghen và C.Ph.
Claudơvit - những người đã xuất phát từ lập trường tư sản để giải thích hiện tượng
chiến tranh. Đồng thời, ra sức chống các quan điểm cho rằng, nguồn gốc, nguyên
nhân của chiến tranh là do tâm lý, sinh lý, địa lý, dân số, kỹ thuật,… gây nên.
Việc đánh giá có phê phán những thành tựu của toàn bộ tư tưởng lý luận quân sự
trước Mác trên lập trường cách mạng và khoa học, có tính nguyên tắc của chủ
nghĩa duy vật biện chứng đã cho phép Ông tạo ra một bước ngoặt cách mạng thực sự
trong quan điểm, tư tưởng, lý luận về chiến tranh.
Trên cơ sở phát hiện các quy luật của đời sống
xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử, C. Mác đã đưa ra luận điểm thực sự khoa học
về chiến tranh; phát hiện ra nguồn gốc, nguyên nhân xuất hiện chiến tranh và chứng
minh rằng, có thể loại trừ chiến tranh ra khỏi đời sống xã hội. Xuất phát từ
phương thức sản xuất của đời sống vật chất quyết định các quá trình chính trị,
xã hội, C. Mác đã xác định rõ bản chất giai cấp của chiến tranh, đó là: chiến
tranh là một hiện tượng lịch sử - xã hội, rằng không nên xem xét chiến tranh
tách rời sự phát triển xã hội và đấu tranh giai cấp. Ông cương quyết chống lại
lý thuyết duy tâm, phản động bào chữa cho những cuộc chiến tranh do giai cấp
bóc lột gây ra.
C. Mác đã chứng minh, trong chế độ công xã
nguyên thủy, nơi không có chế độ tư hữu, thì cũng không có giai cấp, không có
người bóc lột và người bị bóc lột, không có chiến tranh. Nếu những vấn đề tranh
chấp giữa các bộ lạc và chủng tộc vì nguồn nước, vì nơi săn bắn,... xuất hiện
và thỉnh thoảng biến thành những sự đụng độ vũ trang, thì những sự đụng độ đó
mang tính chất tạm thời, ngẫu nhiên. Sự đụng độ vũ trang giữa các bộ tộc và bộ
lạc riêng lẻ xảy ra trong chế độ công xã nguyên thủy không thể gọi là chiến
tranh, vì nó không bắt nguồn từ bản thân tính chất của các quan hệ xã hội và do
đó không có mục đích chính trị rõ ràng.
Theo
C. Mác, chiến
tranh với tư cách là một hiện tượng chính trị - xã hội xuất hiện khi mà lực lượng
sản xuất phát triển đến mức có khả năng tạo ra sản phẩm thặng dư. Cùng với sự phát triển của năng suất lao động, đã
diễn ra sự phân công lao động xã hội. Sản xuất phát triển, làm cho sức lao động
của con người có khả năng sản xuất ra số lượng sản phẩm nhiều hơn số lượng sản
phẩm cần thiết cho sự duy trì sức lao động. Khả năng chiếm đoạt thành quả lao động
của người khác xuất hiện và cũng xuất hiện sự bất bình đẳng về kinh tế, tạo ra
khả năng người bóc lột người. Do kết quả của việc phân chia xã hội thành giai cấp
mà xuất hiện nhà nước, quân đội, cảnh sát, v.v. Cùng với sự xuất hiện chế độ tư
hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, giai cấp và nhà nước, đã xuất hiện những cuộc
chiến tranh nhằm chiếm đoạt lãnh thổ, tài sản và nô dịch các dân tộc nhỏ yếu. Từ
đó, C. Mác cho rằng, chiến
tranh là sự kế tục chính trị của một giai cấp, một nhà nước nhất định bằng thủ
đoạn bạo lực. Ông đã chỉ ra chiến
tranh và chính trị có liên quan với nhau, cơ sở của mọi nền chính trị và mọi cuộc
chiến tranh nằm ngay trong bản thân tính chất của chế độ chính trị - xã hội,
trong hệ thống các quan hệ sản xuất và quan hệ kinh tế của con người. Đồng thời
nhấn mạnh: chính trị bao giờ cũng biểu thị những quyền lợi của một giai cấp nhất
định, không có và không thể có chính trị siêu giai cấp, do dó sẽ không có và
không thể có các cuộc chiến tranh không mang mục đích chính trị và giai cấp. Tổng
kết cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (1870 - 1871), C. Mác kết luận: chính trị sau
khi dẫn đến chiến tranh thì nó vẫn tiếp tục cả trong thời kỳ chiến tranh..
Hiện nay tình hình thế giới, khu vực đang biến động phức tạp mới, khó dự
lường, nhất là trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ
Tư; sự tác động của đặc điểm, tính chất, nội dung, hình thức, sắc thái mới của
đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong điều kiện mới; vì lợi ích giai cấp,
dân tộc của mình, các thế lực hiếu chiến sẽ không ngừng biện minh cho mục đích
của mình để tiến hành chiến tranh… chiến tranh đang và sẽ xảy ra sẽ có những đặc
điểm mới so với các cuộc chiến tranh trước đây. Song, những quan điểm, tư tưởng,
lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về chiến tranh nói chung, của C. Mác nói
riêng vẫn tiếp tục là những cơ sở lý luận khoa học, cách mạng cho chúng ta hiểu
đúng về bản chất của các cuộc chiến tranh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét