Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

 

BÀN VỀ QUAN ĐIỂM CHIẾN TRANH CỦA V.I.LÊNIN

 ĐỂ CÓ CÁCH NHÌN NHẬN VỀ CHIẾN TRANH THỰC TIỄN

TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

 

Kế thừa và phát triển những tư tưởng tinh hoa nhân loại, các học giả tư sản và trực tiếp là những luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về chiến tranh, V.I.Lênin đã chỉ ra bản chất đích thực của chiến tranh. Trong tác phẩm “Chủ nghĩa xã hội và chiến tranh”, V.I.Lênin khẳng định: “Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những biện pháp khác” [1].

Để đạt được mục đích chính trị trong chiến tranh, các nhà nước, giai cấp sử dụng một công cụ, một phương tiện đặc biệt đó là bạo lực vũ trang (phương thức đặc thù của chiến tranh). Chiến tranh không đồng nhất với chính trị, nó chỉ là sự tiếp tục chính trị bằng thủ đoạn bạo lực vũ trang. Chính trị là mục đích, là nội dung của chiến tranh, còn chiến tranh là một trong những phương thức tiến hành, thực hiện mục đích chính trị của các nhà nước và giai cấp. “Chiến tranh chẳng qua chỉ là chính trị từ đầu đến cuối, chỉ là sự tiếp tục thực hiện cũng những mục đích do cũng các giai cấp đó theo đuổi với những phương pháp khác mà thôi” [2]. Trong xã hội có giai cấp, những phương thức thực hiện mục đích chính trị phi vũ trang, như: đe dọa, mua chuộc, dụ dỗ, kinh tế, ngoại giao, bao vây, cấm vận… thì không phải là chiến tranh; chỉ có hành động bạo lực vũ trang mới là chiến tranh. Như vậy, những xung đột vũ trang trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ không phải là sự tiếp tục của chính trị, theo đó những xung đột vũ trang trong thời kỳ này không được gọi là chiến tranh.

Hiện nay, các thế lực phản động khi tiến hành chiến tranh thường tìm cách che đậy mục đích chính trị phản động của nó và xuyên tạc bản chất của chiến tranh với các chiêu bài như bao vây, cấm vận, viện trợ kinh tế và quân sự, kích động nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc, dân tộc..v.v.. để phát động các cuộc chiến tranh xâm lược. Theo V.I.Lênin, một cuộc chiến đấu hết sức ác liệt mà không có mục đích chính trị thì không thể gọi là chiến tranh mà chỉ là một trận đánh nhau mà thôi. Qua đó, V.I.Lênin còn chỉ rõ “Bản chất của chiến tranh - tức là cái quyết định trong chiến tranh, thể hiện thực chất của chiến tranh, thể hiện sự khác nhau về chất với trạng thái hòa bình của xã hội - là ở chỗ chiến tranh là sự kế tục chính trị của những giai cấp, nhà nước (khối liên minh) nhất định bằng thủ đoạn bạo lực, bằng đấu tranh vũ trang [3].

Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế đã tác động đến nhiều nội dung, quan điểm về chiến tranh, về đối tượng, đối tác, về loại hình chiến tranh….Nhưng, vấn đề vừa có tính nguyên tắc, vừa là lập trường của người vô sản là sự khẳng định bản chất của chiến tranh mà V.I.Lênin đã chỉ ra vẫn còn nguyên giá trị, kể cả đối với chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh hạt nhân. Song các thuộc tính trong bản chất của chiến tranh không phải là bất biến, mà nó có sự vận động và phát triển. Nên chúng ta phải nhận rõ mặt ổn định tương đối và mặt vận động biến đổi của nó, có như vậy mới phân tích đúng bản chất, mục đích của các cuộc chiến tranh trong thời đại hiện nay./.


[1]V.I.Lênin toàn tập, tập 26, “Chủ nghĩa xã hội và chiến tranh” (1915), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 397.
[2] V.I.Lênin toàn tập, tập 32, “Chiến tranh và cách mạng” (1917), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2005, tr. 356.
[3]Chủ nghĩa Mác - Lênin bàn về chiến tranh và quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 18.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét