Văn hóa truyền thống là hồn cốt của dân tộc, được coi như giá trị
thương hiệu, quyền lực mềm, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền
vững ở Việt Nam.
Tuy nhiên, lợi dụng xu thế toàn cầu hóa,
giao lưu, tiếp biến văn hóa của Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch đã và đang
tìm mọi phương thức, thủ đoạn chống phá văn hóa truyền thống, sử dụng không
gian mạng để du nhập, cổ xúy cho văn hóa ngoại lai, độc hại.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ
nước, những tinh hoa, giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã
được hun đúc, vun đắp và trở thành truyền thống quý báu, đó là: “Lòng yêu nước
nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết
cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình,
đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính
giản dị trong lối sống”. Những giá trị văn hóa truyền thống này đã cố kết những
người dân nước Việt thành một cộng đồng thống nhất trong mọi hoạt động sống,
lao động, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Những năm gần đây, các thế lực thù địch ráo
riết chống phá cách mạng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội,
trong đó có văn hóa truyền thống. Sự chống phá này đã tạo ra hệ lụy không hề
nhỏ, là một thứ “giặc nội xâm” đã và đang làm băng hoại thuần phong mỹ tục, giá
trị truyền thống của dân tộc. Xét về mục tiêu, nội dung và lực lượng tiến hành
của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa bao gồm hai điểm chính, đan xen,
hỗ trợ và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là:
Thứ nhất: Truyền bá, tiêm nhiễm các sản phẩm văn hóa ngoại
lai có tính chất xấu độc, làm xói mòn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
để tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích những ham muốn vật chất của mỗi
người dân; từng bước làm thay đổi các thang giá trị xã hội, đạo đức, lối sống,
làm cho một bộ phận nhân dân nhận thức không đầy đủ về trách nhiệm cộng đồng;
chạy theo lợi ích vật chất, chỉ biết đến “cái tôi” mà quên đạo nghĩa, quay lưng
lại với truyền thống và những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thứ hai: Từng bước phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa là tự do sáng tạo, không cần
tính định hướng và xa rời chính trị; từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang
lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chủ
trương, đường lối của Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chúng vừa dùng các lực lượng, phương
tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển các lực lượng và phương tiện ở trong
nước, tạo ra sự chống đối từ xã hội, từng bước làm cho nhân tố chống đối bên
trong phát triển để tập hợp lực lượng phá ta từ bên trong nội bộ Đảng và xã hội
ta. Đối tượng tác động mà chúng hướng tới là quần chúng nhân dân, trước hết là
thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình, đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện
nhân cách, dễ dàng chạy theo cái mới, bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, còn ít
kinh nghiệm sống. Chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiêu trò thâm hiểm; đặc
biệt là chiến thuật “tâm công” theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để đánh vào
lòng người.
Về hình thức và thủ đoạn tiến hành: Trên
nền tảng của mạng xã hội, các thế lực thù địch đã thành lập các website, nhiều
chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Việt; lập hàng nghìn blog,
trang Facebook, Twitter, YouTube, Zalo... để livestream, tung clip, đăng tải
những nội dung xuyên tạc, bài xích; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trực
tuyến hoặc qua tiếp xúc với các cá nhân, cơ quan trong nước. Các kênh phát
thanh, truyền hình trên không gian mạng được chúng tạo giao diện như thật, mô
phỏng theo các kênh chính thống của Đảng, Nhà nước nhằm lập lờ, lộn sòng đen
trắng, nhào nặn trộn lẫn những thông tin đúng-sai, thật-giả, đưa thông tin giật
gân, lấp lửng giật tít, “câu view” nhằm đánh trúng tâm lý tò mò của nhiều
người, gây tâm lý bi quan, hoài nghi, hoang mang trong dư luận.
Trong tập hợp lực lượng, các thế lực thù
địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị thường dùng nhiều thủ đoạn
rất nham hiểm, thường qua 4 bước gồm: 1. Đồng cảm: Chúng đóng vai “một người
lạ” để tiếp xúc với một bộ phận người dân, những người đã từng vi phạm pháp
luật, rồi giả nhân, giả nghĩa, vờ đồng cảm, tự cho mình “đại diện” để nói lên
tiếng nói cho họ, rồi kích động người dân đấu tranh với chính quyền để đòi công
bằng. 2. Tôn vinh: Chúng vờ coi những người có tư tưởng bất mãn, chống đối ở
lĩnh vực văn hóa là những người đúng đắn, cấp tiến, đại diện của nền văn hóa
hiện đại, rồi tổ chức tọa đàm, livestream để tôn vinh hoặc trao những “giải
thưởng”. 3. Dụ dỗ, mua chuộc: Sau khi vờ đồng cảm và tôn vinh, các thế lực thù
địch sẽ tìm mọi cách để dụ dỗ, mua chuộc đối tượng mà chúng hướng tới. Sự dụ
dỗ, mua chuộc được thực hiện bằng cả vật chất, tinh thần cũng như những viễn
cảnh tốt đẹp do chúng tạo dựng lên. 4. Khống chế: Sau khi bị dụ dỗ, mua chuộc,
những đối tượng này sẽ bị các phần tử phản động từng bước khống chế, nói và làm
theo ý muốn của chúng.
Để góp phần đấu tranh, ngăn chặn âm mưu,
thủ đoạn và luận điệu xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống dân tộc trên
không gian mạng, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên
truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng
nhân dân về mục tiêu, định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc. Để thực hiện tốt biện pháp này, trước hết cần nâng cao
nhận thức, trách nhiệm và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của
các cơ quan, tổ chức trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn
hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập
quốc tế. Cấp ủy, tổ chức đảng và tổ chức hành chính các cấp cần xây dựng và ban
hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa,
nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ các nguồn lực cho phát triển văn
hóa, chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và
dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình
cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Hai là, thực hiện có hiệu quả các giải
pháp công nghệ, giáo dục ý thức sử dụng và xử lý nghiêm các vi phạm trên không
gian mạng. Phát triển và ứng dụng dịch vụ internet, không gian mạng vào
các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Việt Nam là một xu thế tất yếu, mang lại
nhiều giá trị đích thực. Song, những mặt trái, tiêu cực của không gian mạng
cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý; đòi hỏi cần
đẩy mạnh thực hiện những giải pháp công nghệ như: Cung cấp thông tin chính
thống; bảo vệ thông tin cá nhân; kỹ thuật dự báo, phân tích điều tra, ngăn
chặn, bóc gỡ, khóa tài khoản của đối phương. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, hiệu
quả, có tính răn đe cao đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật khi tham
gia mạng xã hội. Cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ
luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những
thông tin sai lệch hoặc tán phát những nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích
động trên không gian mạng.
Ba là, chủ động hợp tác quốc tế, thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý mạng xã hội với các nước trên thế giới. Cơ quan chức năng cần chủ động hợp tác quốc tế, nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá trên mạng xã hội của các tài khoản, máy chủ ở nước ngoài để đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá cách mạng Việt Nam trên mạng xã hội như: Phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá; kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới. Chủ động hợp tác, nắm bắt và yêu cầu các tập đoàn truyền thông như: Google, YouTube, Facebook, Twitter... cần tuân thủ pháp luật Việt Nam khi tham gia hoạt động trên đất nước ta. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các dịch vụ mạng xã hội để gỡ bỏ các clip, bài viết với nội dung xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống Việt Nam trên không gian mạng.
Văn hóa là sản phẩm của lịch sử và là phương thức tồn tại của một dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam luôn mang trong mình những yếu tố lịch sử, truyền thống, tâm lý gắn với các biểu tượng, phong tục, tập quán của một cộng đồng dân tộc. Nhận diện những luận điệu xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống do các thế lực thù địch tiến hành trên không gian mạng là hết sức cần thiết, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo ra sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét