Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò quản lý, điều hành, dẫn dắt đồng thời chịu trách nhiệm về mọi hoạt động tại nơi mình phụ trách. Từ đây đòi hỏi vấn đề nêu gương của người đứng đầu phải luôn được đề cao. Tuy nhiên trên thực tế có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng lơ là, buông lỏng, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tập thể, tác động tiêu cực đến xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được hiểu là những cá nhân được trao quyền để thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị đó. Bởi vậy, họ cũng là người có quyền hạn cao nhất cũng như phải chịu trách nhiệm chính về những hoạt động của cơ quan, đơn vị do mình phụ trách. Ở đây có thể thấy rõ hai yếu tố gắn với người đứng đầu, đó là quyền hạn và trách nhiệm. Quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: "Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ" và "Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".
Lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được quán triệt và cụ thể hóa trong nhiều văn kiện của Đảng. Tiêu biểu như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên... Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu". Như vậy có thể thấy đề cao việc nêu gương chính là một phương thức lãnh đạo của Đảng mang ý nghĩa, giá trị nhân văn sâu sắc, giúp quy tụ quần chúng nhân dân, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.
Vấn đề nêu gương của người đứng đầu đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Bởi dù ở đâu, lĩnh vực nào, thời gian nào thì việc nêu gương của người đứng đầu luôn có vai trò to lớn đối với sự thành công hay thất bại của đơn vị. Nếu người lãnh đạo gương mẫu, chính trực có thể giúp tập thể đoàn kết, phát triển vững mạnh; nhưng nếu người lãnh đạo suy thoái về tư tưởng, đạo đức, không phát huy vai trò nêu gương có thể khiến nội bộ lục đục, suy yếu. Để tiếp tục quán triệt vai trò nêu gương của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 7/6/2012 Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; ngày 19/12/2016 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; ngày 25/10/2018 Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; ngày 18/5/2021 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Việc triển khai các quy định, kết luận nêu trên đã phát huy hiệu quả tích cực trên thực tế, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều cơ quan, đơn vị đã triển khai các phong trào thi đua sôi nổi bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong việc thực thi kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu nhận thức rõ hơn về trách nhiệm nêu gương. Từ đây góp phần tích cực để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có lúc, có nơi, vấn đề nêu gương của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa được coi trọng, chưa làm đến nơi đến chốn; việc nêu gương chưa hình thành nền nếp thường xuyên, chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng. Vẫn còn tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, điều hành của người đứng đầu, để xảy ra nhiều sai phạm. Cá biệt có tình trạng người đứng đầu ỷ thế, cậy quyền, áp đặt, lạm dụng quyền lực, coi quyền lực được tổ chức giao cho là "miếng bánh" mầu mỡ để tận dụng, đục khoét của công, chèn ép cấp dưới, coi thường người lao động, câu kết với các đối tượng xấu hòng trục lợi, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW tháng 6/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả chưa cao". Tổng kết công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII cho thấy: Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu, trong đó, có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 16 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 1 bộ trưởng và 4 nguyên bộ trưởng; 22 thứ trưởng và nguyên thứ trưởng; 12 bí thư và nguyên bí thư tỉnh, thành ủy; 3 phó bí thư và nguyên phó bí thư tỉnh ủy; 15 chủ tịch và nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; 26 sĩ quan cấp tướng trong Quân đội, Công an.
Những sai lầm, khuyết điểm của người đứng đầu bị xử lý kỷ luật được Đảng ta nhận diện, đó là: thiếu gương mẫu trong quản lý, điều hành; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, các quy định của Đảng, Nhà nước và công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát; có hành vi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm"... gây hậu quả nghiêm trọng đến cơ quan đơn vị, thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Nổi cộm thời gian gần đây có thể kể đến các "đại án": kit test Việt Á; "chuyến bay giải cứu" liên quan đến lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương; vụ nâng khống thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai; vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Bộ Công thương và Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); "đại án" buôn lậu ở Công ty Nhật Cường,…
Thẳng thắn nhìn nhận nếu không có sự tiếp tay, dung túng của một số lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chắc chắn "chiếc vòi bạch tuộc" của tham nhũng, tiêu cực không thể hoành hành, gây nên hậu quả nghiêm trọng đến như vậy. Thực tế này cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực cần được thực hiện song hành với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc chấn chỉnh vai trò, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo các cấp. Vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải được đề cao. Trong công tác tổ chức cần xem xét việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu là yêu cầu bắt buộc, làm căn cứ để phân công công tác, bố trí nhiệm vụ, làm cơ sở cho việc đánh giá, phân loại và giám sát cán bộ hằng năm. Mọi sai phạm của bất cứ cá nhân lãnh đạo nào cũng cần phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì". Tinh thần ấy tiếp tục được phát huy trong giai đoạn hiện nay với tiêu chí mà Đảng ta đề ra, đó là kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc nêu gương của người đứng đầu, quan trọng nhất vẫn là sự tự ý thức, phát huy trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Không có sự chủ động, tự giác đối với bản thân thì người lãnh đạo sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, nói một đằng, làm một nẻo, quan liêu, tắc trách, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Cá nhân người lãnh đạo cần thường xuyên ý thức thật sâu sắc về vấn đề nêu gương, không ngừng tự kiểm điểm bản thân, soi chiếu vào các quy định của Đảng và Nhà nước làm cơ sở để điều hành công việc cũng như ban hành các quyết định đúng đắn, dẫn dắt cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển.
Liên quan đến vấn đề nêu gương, người đứng đầu phải bảo đảm tốt các yếu tố bao gồm: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống và tác phong sinh hoạt, công tác. Cùng với đó là những tiêu chuẩn không thể thiếu về trình độ, năng lực, phẩm chất, phong cách của người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm, có quan điểm, phương pháp làm việc khách quan, toàn diện và cụ thể, liêm chính. Trong hoạt động quản lý, điều hành tại đơn vị mình, người đứng đầu cần tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, biết lắng nghe, phát huy trí tuệ của cấp dưới, tránh chuyên quyền, độc đoán; dám chịu trách nhiệm khi mắc sai lầm, khuyết điểm. Chỉ khi là "đầu tầu gương mẫu", người lãnh đạo mới thu phục được nhân tâm, sự tin yêu của cấp dưới, để từ đó tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nội bộ, cùng nhau hoàn thành tốt những nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Thực tiễn đã chứng minh, "cán bộ nào, phong trào nấy". Do đó, ở nơi nào người đứng đầu tiên phong, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm thì nơi đó nội bộ đoàn kết, tập thể vững mạnh, hoạt động nền nếp, hiệu quả, bảo đảm được kỷ cương, kỷ luật. Ở nơi nào người đứng đầu không gương mẫu, lợi dụng chức vụ, quyền hành để vun vén cá nhân thì cấp dưới sẽ thừa cơ làm bừa, làm ẩu, nội bộ rối loạn. Bởi vậy, việc nêu gương cần phải là việc làm thường xuyên, liên tục, thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể, mới thực sự phát huy tác dụng.
DÁM NGHĨ, DÁM LÀM, TỰ GIÁC CHỊU TRÁCH NHIỆM
Việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo là vô cùng quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến tập thể. Tuy nhiên, bên cạnh việc tự giác chịu trách nhiệm, tự giác nêu gương, cũng cần phải thiết lập cơ chế, luật pháp để cán bộ, nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm, nhất là trong việc xử lý các sai phạm, yếu kém.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, đã có 539 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 11 vụ/37 bị can, khởi tố bổ sung 120 bị can trong 22 vụ án...
Những con số thống kê này cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, nhưng cũng thể hiện sự quyết tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là những hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cảnh báo nghiêm khắc để đội ngũ cán bộ, nhất là những người đứng đầu ý thức, trách nhiệm hơn trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Điều đáng nói, những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với sự phát triển cường thịnh, vững bền của đất nước. Kết quả ấy không hề làm suy giảm, nhụt ý chí, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu.
Trái lại, đó chính là cơ hội để cho cá nhân mỗi người đứng đầu có cơ hội sửa sai, là bài học quý báu trong quá trình rèn giũa sau này để mỗi cán bộ lãnh đạo ngày càng hoàn thiện bản thân, đóng góp được nhiều hơn cho đơn vị, địa phương. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội, thời vận để tạo ra đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi làm việc, hành động thực sự vì sự nghiệp chung, vì nhân dân, vì đất nước.
Yêu cầu về việc tự chịu trách nhiệm trong đội ngũ lãnh đạo đã hình thành từ lâu, tuy nhiên khi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường trong thời gian qua thì vấn đề này càng trở nên cấp bách. Thực tiễn cho thấy cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực trong công tác cán bộ.
Không chỉ bịt những “kẽ hở” pháp luật mà còn lấp những “khoảng trống” để tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không có điều kiện nảy sinh, tác oai tác quái. Kết quả của những bước ngoặt, sự đột phá trong trận chiến chống “giặc nội xâm” đã buộc đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu phải cẩn trọng, thấu đáo, xác định rõ mục tiêu, lợi ích khi ban hành những chính sách, quyết định, cũng như trong quá trình quản lý, thực thi công việc. Họ ý thức được việc tự nguyện chịu trách nhiệm, trước khi buộc phải cho thôi giữ chức vụ, bị xử lý kỷ luật. Tinh thần ấy đã và đang từng bước lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, chắc chắn sẽ có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Trong công tác cán bộ, để tránh tình trạng chây ỳ, thủ thế, lo “giữ ghế” khi được bổ nhiệm, thay vào đó là khuyến khích sử dụng cán bộ năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Quan điểm chỉ đạo được Đảng ta xác định trong Nghị quyết là làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 28 là: Đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Điểm mới của Nghị quyết số 28 về công tác cán bộ chính là khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.
Tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, góp phần bảo đảm kỷ cương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Trước đó, ngày 3/11/2021 Đảng ta đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, không cần đến hết thời hạn bổ nhiệm, cán bộ lãnh đạo có thể bị xem xét việc miễn nhiệm, từ chức nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Thực tế, có làm thì có khả năng xảy ra sai sót, làm càng nhiều thì nhiều nguy cơ mắc sai lầm, nhất là trong hoàn cảnh người đứng đầu liên tục phải đưa ra những quyết định đòi hỏi sự nhanh chóng, chính xác. Nhưng không phải khi nào, không phải ai cũng luôn giữ được sự tỉnh táo, mẫn tiệp, kín kẽ, ai cũng có sự uyên thâm sâu rộng, sự hiểu biết đa lĩnh vực.
Đặc biệt, trước những tình huống mới xuất hiện, những việc chưa có tiền lệ, sự bảo đảm an toàn tuyệt đối trong các quyết định đưa ra là rất khó. Những rủi ro, sai lầm là nhiều lúc, nhiều khi khó có thể tránh khỏi nhưng quan trọng là người đứng đầu dám dũng cảm đối diện với những tình huống nảy sinh từ quyết định của mình và sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm với những điều không mong muốn xảy ra.
Dám chịu trách nhiệm cũng chính là sự thể hiện lòng tự trọng của mỗi con người, là sự chính trực cần thiết phải có. Người đứng đầu càng cần thể hiện rõ nét điều này, có như thế ngay cả khi tự nguyện nhận trách nhiệm, xin từ chức, mất đi vị trí thì vẫn luôn nhận được sự tôn trọng của cấp dưới nói riêng, xã hội nói chung.
Tất nhiên, việc tự giác chịu trách nhiệm của người đứng đầu không dễ dàng trở thành văn hóa công vụ, bởi chưa nhiều người đủ dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm của bản thân cũng như đơn vị do mình quản lý; hoặc tự cho mình là yếu kém, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, cho đến khi có sai phạm và bị pháp luật “gọi tên”. Bên cạnh đó, sự tự giác cũng chưa thật ăn sâu, thấm đẫm trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Với không ít người, trách nhiệm thực sự là “gánh nặng”, không dễ gì đón nhận. Một số người không muốn từ chối quyền lợi, sẵn sàng “phủi tay” trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác, không dám đối diện, thừa nhận những việc mình đã làm sai. Thực tế này đòi hỏi việc thượng tôn pháp luật phải được chú trọng, đề cao, những cơ chế kiểm soát quyền lực cần phải được thực thi nghiêm minh, sát, đúng để việc “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trở thành nếp sống thường xuyên hằng ngày của tất cả mọi cán bộ, đảng viên trong cả nước./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét