Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

TÌM LẠI THAO TRƯỜNG

 Những người cao tuổi càng già càng nặng lòng với những kỷ niệm tuổi thanh xuân. Những người lính từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tuổi 70 cũng vậy, mỗi ngày một nhớ chiến trường và nhớ cả tuổi thanh xuân ra trận. Nhớ đến “cái thuở ban đầu” đời lính, chúng tôi lại nhớ các thao trường huấn luyện năm xưa - năm 1971.

Cùng chung nỗi nhớ thao trường, vừa qua, một nhóm cựu sinh viên-chiến sĩ khu vực Hà Nội chúng tôi đã lên đường tiền trạm, tìm đến Huyện ủy Việt Yên (Bắc Giang) “đặt vấn đề” xin sự trợ giúp thông tin về các địa bàn đóng quân xưa để tổ chức một chuyến đi tìm lại thao trường cũ.
Gặp đồng chí Nguyễn Hồng Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, thật bất ngờ, cả tổ tiền trạm chúng tôi được hưởng trọn vẹn niềm vui của người lính trở về sau chiến tranh. Với giọng thảng thốt, đồng chí nói: “Sao các chú lại có cái ý định nên thơ là vậy? Các chú về đây với huyện Việt Yên này, với chúng cháu sẽ là một sự kiện văn hóa, một vinh dự lớn, một niềm tự hào, một cơ hội cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên các xã đến mà nhìn, mà nghe các chú kể về một thời kỳ lịch sử quê mình. Các chú là những nhân chứng của chiến tranh và những người làm nên chiến thắng. Vậy thì “Áo gấm không tội gì mà đi đêm”! Huyện sẽ tổ chức đón tiếp, chào mừng, các chú không phải lo kinh phí. Năm tháng các chú vào quân ngũ cũng là năm cháu mới chào đời. Các chú đến được càng đông vui huyện càng mừng. Việt Yên hôm nay đã khác hoàn toàn so với năm bảy mốt...”.
Xung quanh bàn tiệc trưa, tổ công tác tiền trạm chúng tôi được Huyện ủy phác thảo luôn chương trình lễ hội hồi hương trở lại thao trường. Một vị đại tá có nghiệp vụ thiết kế đồ họa phác luôn lên màn hình máy tính logo hội quân. Đó là hình ảnh con tàu hỏa nhả khói chạy băng băng xuyên qua những cánh đồng ngập nước mênh mông. Một hình ảnh có thật, mang đầy tính biểu tượng, nhìn rất gợi nhớ. Có thể đấy chính là con tàu chở lính sinh viên năm 1971 từ Hà Nội lên Bắc Giang bàn giao cho các đơn vị huấn luyện. Lính sinh viên Hà Nội ra quân đúng những tuần lũ lụt. Các cánh đồng vùng châu thổ sông Hồng chỉ còn nhú lên vài ngọn lúa lơ thơ...
Ngày đó, xuống tàu, chúng tôi tỏa về các thao trường: Yên Thế, Quế Võ, Việt Yên, Tân Yên. Sư đoàn 325 đã cấp tốc huấn luyện cho chúng tôi kỹ, chiến thuật bộ binh, chuẩn bị quân số bổ sung cho chiến dịch sắp tới. Chính trên mảnh đất Việt Yên (Hà Bắc khi đó) năm đó, chúng tôi được nhận những cú hích đầu tiên, định đoạt cho cả cuộc đời sau này. Chúng tôi lần đầu tiên bóp cò, nổ phát súng đầu tiên của đời lính. Phát súng nhắm vào bia, tính điểm. Trái bộc phá gói lần đầu tiên tập đánh vào lỗ châu mai. Cũng trên mảnh đất ấy, nhiều chàng lính sinh viên chúng tôi được hưởng nụ hôn đầu tiên, vì không có doanh trại, đơn vị phải trọ trong dân. Thao trường của chúng tôi là những chân ruộng mạ, những vạt đồi bạch đàn. Chúng tôi phải tỏa đi các gia đình xin tre về dựng bếp ăn đại đội và dựng mô hình lô cốt, xe tăng địch. Nhiều mái nhà dân còn dột nát, mái nhà võng xuống theo từng cơn mưa, đang chờ sửa chữa, nhưng các bà mẹ Việt Yên vẫn nén lòng để cho chúng tôi chặt đi những cây tre cuối cùng, đem về dựng trại.
Nói về tình quân dân thì dân gian có câu thành ngữ quen thuộc là “nhường cơm sẻ áo”. Đối với chúng tôi khi đó, thành ngữ đó theo nghĩa đen chỉ đúng một nửa. Bởi bà con không phải “sẻ áo”, vì quân trang chúng tôi đầy đủ, chưa hết mùi hồ. Riêng cơm ăn thì độn ngô quá nhiều, bà con trông thấy thương tình lại luộc khoai giấu cho “các con” vào ba lô con cóc. Hình ảnh bà bầm trong thơ Tố Hữu những năm kháng chiến chống thực dân Pháp lại sống lại trong tâm trí chúng tôi: “Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm”. Ngay trong các gia đình chúng tôi đóng quân cũng có nhiều gia đình liệt sĩ, quân nhân. Đơn vị chúng tôi trở thành những đứa con chung của đại gia đình Việt Yên.
Cuối năm 1972, có mấy gia đình Tân Yên nửa đêm bật khóc, vì nghe tin toàn bộ trung đội chúng tôi đóng quân ở đó bị B-52 đánh, hy sinh. Mấy cô gái ôm nhau khóc, động viên nhau “chôn chặt mối tình đầu”. Chỉ đến khi hòa bình, bà con mới biết đó là tin giả.../.
Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét