Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Thực trạng mối quan hệ thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội

 

Với hơn 93 năm, dù phải đối diện nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với bản lĩnh chính trị của một Đảng cách mạng chân chính, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn coi trọng và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đây là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng Cộng sản thành một tổ chức chặt chẽ, thống nhất, vừa phát huy dân chủ, tôn trọng đóng góp của mỗi cá nhân, vừa phát huy sức mạnh của tập thể, duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng, nỗ lực thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị được nhân dân tin tưởng giao phó. Kế thừa và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hành dân chủ, Đảng ta tập trung nâng cao nhận thức, mở rộng thực hành dân chủ và đã đạt được những kết quả tích cực. Sự ra đời của Quy chế chất vấn trong Đảng và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng đã làm gia tăng tính dân chủ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn. Đồng thời, công tác cán bộ cũng đã được chú trọng hơn, với yêu cầu phải tiến hành theo những quy trình, quy định, các bước chặt chẽ, công khai, dân chủ, minh bạch; đặc biệt, công tác bầu cử với những quy định mới bước đầu tạo ra sự công bằng về cơ hội, tạo niềm tin, động lực phấn đấu cho chính đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, việc thực hành dân chủ nói chung, Quy chế Dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở nói riêng đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong tham gia bàn thảo, góp ý vào những quyết định, chính sách phát triển của địa phương, đất nước. Đặc biệt, nhân dân đã tích cực góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Dân chủ trong Đảng được tăng cường, dân chủ trong xã hội được mở rộng hơn, tạo ra sự tương tác tích cực, thúc đẩy lẫn nhau. Những kết quả đáng ghi nhận trong thực hành dân chủ đó đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, do nhân dân cùng với Đảng, chính quyền bàn bạc, tìm cách giải quyết có hiệu quả, như vấn đề bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư khi triển khai thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án của Nhà nước; vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Bầu không khí dân chủ khởi sắc đã tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, góp phần đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo sự nhất trí trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế.

Những hạn chế, yếu kém cần nhận diện rõ và nhanh chóng khắc phục

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình xử lý, hài hòa hóa mối quan hệ giữa thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Thực hành dân chủ trong Đảng và trong Nhà nước chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đã ảnh hưởng tới quy mô, chất lượng thực hành dân chủ trong xã hội; thậm chí, có lúc, có nơi còn gây cản trở quá trình dân chủ hóa trong xã hội. Một mặt, có khá nhiều chủ trương của Đảng về thực hành dân chủ trong xã hội chưa được thể chế hóa kịp thời và khi thực hiện thì còn nhiều hạn chế, yếu kém, đã dẫn tới việc quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ. Mặt khác, cơ chế bảo đảm để nhân dân thực hiện vai trò chủ thể của quyền lực chưa được hoàn thiện, quyền lực của các cơ quan nhà nước vẫn rất lớn và một số công chức nhà nước đã lợi dụng quyền lực được giao để gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, trục lợi cá nhân, hướng lái chính sách để phục vụ cho “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau”, “thân hữu”, gây bức xúc dư luận.

Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng có lúc, có nơi chưa nghiêm, còn có biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới” hoặc “trên nóng, dưới lạnh”. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên có mặt còn thiếu chặt chẽ; nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, chưa có cơ chế thực sự hữu hiệu để bảo vệ người dám đấu tranh, phê bình. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa quan tâm, nhận thức khá hời hợt, phiến diện về dân chủ và thực hành dân chủ; thường rơi vào hai thái cực: Hoặc cho rằng dân chủ là quyền muốn làm gì, phát ngôn thế nào cũng được, không tuân thủ các quy định, kỷ luật của Đảng hoặc thờ ơ, coi thực hành dân chủ chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, không liên quan đến mình. Nhiều cán bộ, đảng viên chưa nhận thấy dân chủ là quyền lợi thiết thân, còn có biểu hiện “dĩ hòa vi quý”, né tránh, không dám đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình khi gặp phải những vi phạm, mất dân chủ. Ở một số nơi, người đứng đầu thường có tâm lý coi nhẹ, phó mặc cho cấp dưới trong thực hiện phát huy dân chủ tại địa phương, cơ quan, đơn vị, không sâu sát, thiếu tâm huyết với nhiệm vụ quan trọng này. Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, một trong những hạn chế của thực hành dân chủ là do vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa được quan tâm phát huy đầy đủ, quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật. Khi dân chủ không được thực hành rộng rãi trong Đảng, còn biểu hiện độc đoán, chuyên quyền… tất yếu sẽ dẫn đến việc coi nhẹ, thậm chí vi phạm quyền làm chủ của nhân dân và hệ lụy là, dân chủ trong xã hội cũng bị kìm hãm, hạn chế. Bên cạnh đó, trong xã hội vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lợi dụng “dân chủ” để đưa ra những đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật… với các cơ quan công quyền, có thái độ coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối, tụ tập đông người, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét