Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ THEO TINH THẦN “7 DÁM” Ở ĐƠN VỊ LÀM NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ ĐẶC BIỆT TRONG TÌNH HÌNH MỚI!

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên sao cho thực sự là “công bộc” của nhân dân. Người đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong sự nghiệp cách mạng và chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.Theo Người:“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.
Người cũng khẳng định làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người cán bộ có đạo đức cách mạng thì nghĩ, nói và làm phải thống nhất. Nhân dân thường đánh giá cán bộ thông qua những lời nói và việc làm cụ thể hàng ngày. “Nói một đằng, làm một nẻo” là điều tối kỵ đối với người cán bộ. “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”, người cán bộ một khi đã không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chỉ là người “vô tích sự, không làm nên trò trống gì”, cho nên Người còn căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Chính vì vậy, để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, cần phải có một đội ngũ cán bộ cách mạng vững mạnh, kiên định về lập trường, quan điểm, đồng thời phải nắm được lý luận, tinh thông nghiệp vụ, hội tụ đủ cả tài và đức, “vừa hồng, vừa chuyên”.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong những năm qua, Đảng ta chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được đề cập qua nhiều kỳ Đại hội. Tại Nghị quyết Đại hội IV của Đảng đặt ra yêu cầu thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong cấp ủy, trong đó nêu rõ, cần tránh tâm lý “ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không chỉ là việc cán bộ quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mà còn thể hiện ở tinh thần dám đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, dám đứng lên phê phán, nhìn thẳng vào những khuyết điểm của bản thân, của tập thể, của đồng nghiệp và của cấp trên.
Tới Đại hội V của Đảng, báo cáo về công tác xây dựng Đảng đã thẳng thắn nêu ra tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình thức, thiếu phê bình từ dưới lên do hiện tượng gia trưởng, độc đoán, thành kiến, trù dập những cán bộ dám phê bình khuyết điểm, xem đó là biểu hiện “tiêu cực”, khiến cho cán bộ không dám thẳng thắn đấu tranh, phê phán những biểu hiện sai trái. Báo cáo cũng nhấn mạnh, cần phát hiện và kết nạp những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm bảo vệ chân lý”; đồng thời, tập hợp những cán bộ có “tinh thần dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”. Những nội dung trên đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong việc bảo vệ những cán bộ có tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đấu tranh vì sự vững mạnh của Đảng.
Đặc biệt, Đại hội VI của Đảng đã mở ra một bước ngoặt lịch sử đối với đất nước ta khi quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thay đổi trong phân phối, lưu thông, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách tiếp cận của Đảng ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Báo cáo chính trị trình Đại hội VI khẳng định, để công cuộc đổi mới thành công, cần phải “dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm, dám xử lý kiên quyết những trường hợp phức tạp”. Báo cáo cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức khi dám thay đổi tư duy và cơ chế quản lý, đó là “cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu”, không những sẽ chịu lực cản từ những lề thói cũ, mà còn “vấp phải những đặc quyền, đặc lợi của một số người gắn bó với cơ chế cũ”.
Nghị quyết số 05-NQ/HNTW, ngày 20-6-1988, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VI, về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”, lần đầu tiên đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trở thành một tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo, là tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ của Đảng ta về phẩm chất cần có của những con người cách mạng. Dám nghĩ, dám làm không chỉ là một phẩm chất cần được khuyến khích, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cần phải có và nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo.
Thực tiễn đã chỉ rõ, trước những khó khăn, thách thức, người cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” chính là người có quyết tâm, có tầm nhìn, có suy nghĩ táo bạo, dám đưa ra quyết định đột phá, để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà hơn thế còn mang lại lợi ích to lớn cho dân tộc, cho nhân dân ta, như: Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc là một trong những người cán bộ lãnh đạo như thế. Ông là người tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam khi thực hiện giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân những năm 1966 - 1968. Đây là quyết định táo bạo và vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc bấy giờ.
Và cũng chính thực tiễn đã là đáp án để chứng minh quyết định ấy là đúng đắn, có đột phá và mang lại hiệu quả thiết thực to lớn, khơi dậy sức lao động của người nông dân; hay như việc đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh; “xóa bỏ tem phiếu”, “cơ chế một giá theo thị trường” của đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tại tỉnh Long An; “những việc cần làm ngay” và “cơ chế thị trường” của đồng chí Nguyễn Văn Linh; xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên; xây dựng đường dây tải điện 500Kv của đồng chí Võ Văn Kiệt; chuyển đổi hệ thống ngân hàng, chính sách tỷ giá phù hợp với cơ chế thị trường của đồng chí Đỗ Mười,... Đó là những tấm gương mẫu mực về bản lĩnh, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Lý do là vì sự đổi mới, dám nghĩ, dám làm của họ đều là vì phục vụ mục đích chung của đất nước, không phải vì tư lợi. Do đó, những người đi trước đổi mới, sáng tạo, thậm chí vượt rào đều được ghi nhận một cách xứng đáng.
Ngày 16-01-2012, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó chỉ ra nguy cơ của việc thiếu một cơ chế xác định trách nhiệm rõ ràng trong thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách dẫn đến tình trạng không khuyến khích được người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; đồng thời, đặt ra yêu cầu cần có cơ chế, chính sách để giải quyết mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, phát huy vai trò của người đứng đầu nhằm “khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng”.Tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh bảo vệ, khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” đi đôi với sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Tuy nhiên, hiện nay tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, làm việc cầm chừng trong thực thi công vụ là hiện tượng khá phổ biến trên thực tế, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ có những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, làm việc tắc trách, trì trệ, dựa dẫm vào tập thể, nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ; khi có sai sót, khuyết điểm không dám chịu trách nhiệm mà tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho người khác. Rõ nhất là việc tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến nhiều lần trong cùng vụ việc hoặc cái gì cũng xin ý kiến cấp trên chỉ đạo làm đảo lộn trật tự hành chính về thẩm quyền, từ người có trách nhiệm tham mưu thành người tham mưu ngược lại theo hướng “dựa lưng cấp trên”. Hay như câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công luôn phải đối mặt với những lực cản của sự trì trệ và chậm trễ mà nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, gọi là “vi rút sợ trách nhiệm”. Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2019, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - khi đó là Thủ tướng đã nói: “Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”. Đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà được bắt nguồn từ việc “sợ trách nhiệm, sợ sai sót” thụ động trong công việc. Đặc biệt, công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã củng cố niềm tin của người dân, song cũng làm nảy sinh thực trạng là không ít cán bộ, công chức “giữ mình”, ngại nói, ngại làm, ngại trách nhiệm…
Mới đây, tại Hội nghị Quân uỷ Trung ương lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một lần nữa nhấn mạnh: Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám": "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung". Sở dĩ, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu cao hơn là bởi vì: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài đưa đất nước vươn lên giàu mạnh, người dân ấm no, hạnh phúc. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần những cán bộ có tư duy, việc làm đột phá, càng trong khó khăn, thử thách thì càng cần những cán bộ có bản lĩnh, trình độ, dám nghĩ, dám làm. Mặt khác, đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội là những chủ thể được tiếp nối, thụ hưởng những giá trị truyền thống vẻ vang của Quân đội anh hùng; là đội quân tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; là công cụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, sự nghiệp cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Với sứ mệnh to lớn, lại hoạt động trong điều kiện, lĩnh vực đặc thù, thì càng đòi hỏi mỗi người phải có bản lĩnh vững vàng, nhãn quan chính trị sâu rộng; có tinh thần dấn thân, chấp nhận hy sinh vì lợi ích chung trong bất luận mọi tình huống. Chỉ có những cán bộ “7 dám” mới có thể góp phần hoàn thành sứ mệnh của một đội quân cách mạng, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét