Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

 

QUAN ĐIỂM CỦA V.I.LÊNIN VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA

CHÍNH TRỊ VÀ CHIẾN TRANH

 

Chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Ucraine chưa có dấu hiệu kết thúc thì ngày 07 tháng 10 năm 2023 lại bùng phát chiến tranh giữa tổ chức vũ trang Hamas và Israel. Để có cách nhìn đa chiều về chiến tranh, bài viết được nêu quan điểm của V.I. Lênin về mối quan hệ giữa chính trị và chiến tranh.

Khi bàn về chiến tranh, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định bản chất của chiến tranh là một hiện tượng chính trị - xã hội mang tính lịch sử. Đó là cuộc đấu tranh vũ trang có tổ chức giữa các giai cấp, nhà nước (hoặc liên minh giữa các nước) nhằm mục đích chính trị nhất định.

Kế thừa và phát triển những tư tưởng tinh hoa nhân loại, các học giả tư sản và trực tiếp là những luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về chiến tranh, V.I.Lênin đã chỉ ra bản chất đích thực của chiến tranh. Trong tác phẩm “Chủ nghĩa xã hội và chiến tranh”, V.I.Lênin khẳng định: “Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những biện pháp khác (cụ thể là bằng bạo lực)” [1].

V.I.Lênin khẳng định chính trị mà chiến tranh tiếp tục là lợi ích (kinh tế) của các giai cấp, là mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc. Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị nhưng không đồng nhất với chính trị. Những quan điểm giải thích bản chất chiến tranh không có chính trị là sai lầm, phản khoa học. Chiến tranh sinh ra từ chính trị, thực hiện mục đích chính trị, do lực lượng chính trị lãnh đạo, chỉ đạo. V.I.Lênin khẳng định tất cả mọi cuộc chiến tranh đã từng diễn ra trong lịch sử, kể cả những những cuộc chiến tranh trong thời đại hiện nay đều nhằm mục đích chính trị nhất định, không có cuộc chiến tranh nào phi chính trị cả. Trong xã hội có giai cấp, không có chính trị chung chung, trừu tượng cho toàn bộ xã hội, “Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế”[2] , phản ánh trực tiếp cơ sở kinh tế, quan hệ chặt chẽ với kinh tế, do kinh tế quyết .

Chính trị là sự thống nhất cả chính trị đối nội và chính trị đối ngoại, trong đó chính trị đối ngoại là sự phản ánh chính trị đối nội. Về mặt nguyên tắc chính trị đối nội và chính trị đối ngoại không tách rời nhau, đối nội là cái quyết định, đối ngoại phục vụ cho đối nội, phản ánh lại chính trị đối nội. V.I.Lênin: “Chiến tranh là sự phản ánh của chính sách đối nội mà nước đó đã thi hành trước đây” [3]. Quan điểm này có giá trị to lớn đối với việc nhận thức bản chất chiến tranh. Vì thế, không nên hiểu sự phụ thuộc của đường lối đối ngoại vào đường lối đối nội như là một cái gì tuyệt đối. Toàn bộ đường lối chính trị, đối nội cũng như đối ngoại, đều do chế độ kinh tế và nhà nước, do cơ cấu giai cấp của xã hội đó quyết định; còn ý nghĩa của đường lối đối nội hay đường lối đối ngoại thì lại thay đổi tùy theo những điều kiện lịch sử cụ thể.

Để đạt được mục đích chính trị trong chiến tranh, các nhà nước, giai cấp sử dụng một công cụ, một phương tiện đặc biệt đó là bạo lực vũ trang (phương thức đặc thù của chiến tranh). Chiến tranh không đồng nhất với chính trị, nó chỉ là sự tiếp tục chính trị bằng thủ đoạn bạo lực vũ trang. Chính trị là mục đích, là nội dung của chiến tranh, còn chiến tranh là một trong những phương thức tiến hành, thực hiện mục đích chính trị của các nhà nước và giai cấp. “Chiến tranh chẳng qua chỉ là chính trị từ đầu đến cuối, chỉ là sự tiếp tục thực hiện cũng những mục đích do cũng các giai cấp đó theo đuổi với những phương pháp khác mà thôi” [4]Trong xã hội có giai cấp, những phương thức thực hiện mục đích chính trị phi vũ trang, như: đe dọa, mua chuộc, dụ dỗ, kinh tế, ngoại giao, bao vây, cấm vận… thì không phải là chiến tranh; chỉ có hành động bạo lực vũ trang mới là chiến tranh. Như vậy, những xung đột vũ trang trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ không phải là sự tiếp tục của chính trị, theo đó những xung đột vũ trang trong thời kỳ này không được gọi là chiến tranh.

Hiện nay, các thế lực phản động khi tiến hành chiến tranh thường tìm cách che đậy mục đích chính trị phản động của nó và xuyên tạc bản chất của chiến tranh với các chiêu bài như bao vây, cấm vận, viện trợ kinh tế và quân sự, kích động nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc, dân tộc..v.v.. để phát động các cuộc chiến tranh xâm lược. Theo V.I.Lênin, một cuộc chiến đấu hết sức ác liệt mà không có mục đích chính trị thì không thể gọi là chiến tranh mà chỉ là một trận đánh nhau mà thôi. Qua đó, V.I.Lênin còn chỉ rõ “Bản chất của chiến tranh - tức là cái quyết định trong chiến tranh, thể hiện thực chất của chiến tranh, thể hiện sự khác nhau về chất với trạng thái hòa bình của xã hội - là ở chỗ chiến tranh là sự kế tục chính trị của những giai cấp, nhà nước (khối liên minh) nhất định bằng thủ đoạn bạo lực, bằng đấu tranh vũ trang [5].

Ngày nay, trước những tác động tổng hợp của các nhân tố khách quan và chủ quan, những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, song những quan điểm của V.I.Lênin về bản chất của chiến tranh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù có nhiều luận thuyết xuyên tạc, phủ nhận quan điểm của V.I.Lênin về bản chất chiến tranh. Chúng ta luôn khẳng định rằng, các cuộc chiến tranh hiện nay kể cả chiến tranh hạt nhân, chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, các cuộc chiến tranh trong tương lai như “chiến tranh rađa”, “chiến tranh thông tin”, “chiến tranh tin học”, “chiến tranh lai ghép”, “chiến tranh ủy nhiệm”, “Chiến tranh phi quy ước”, “Chiến tranh hỗn hợp”, “Chiến tranh không gian mạng”... bản chất của nó vẫn không thay đổi. Chiến tranh vẫn là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực. Chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh, kiên quyết đấu tranh để tiến tới loại bỏ mọi cuộc chiến tranh ra khỏi đời sống xã hội, đem lại hòa bình và hạnh phúc cho con người./.



[1]V.I.Lênin toàn tập, tập 26, “Chủ nghĩa xã hội và chiến tranh” (1915), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 397.
[2]V.I.Lênin toàn tập, tập 42, “Lại bàn về công đoàn, về tình hình trước mắt và về những sai lầm của các đồng chí Tơ-Rốt-Xki và Bu-Kha-Rin” (1921), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 349.
[3]
V.I.Lênin toàn tập, tập 39, “Kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản” (1919), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 361.
[4] V.I.Lênin toàn tập, tập 32, “Chiến tranh và cách mạng” (1917), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2005, tr. 356.[5]Chủ nghĩa Mác - Lênin bàn về chiến tranh và quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 18.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét