Cứ sau mỗi trận chung kết “Đường lên đỉnh Olympia”, câu nói được sử dụng nhiều nhất không phải là những lời chúc mừng dành cho đường kim vô địch, mà là những câu nói kiểu: “Chúc mừng nước Úc có thêm nhân tài”, “Thêm một nhân tài nữa cho Australia”, “Chúc mừng Australia”.... Rồi thông qua đó, những người “tay nhanh hơn não” mắng chính quyền, chửi nền giáo dục không biết trọng dụng và níu chân người xuất sắc...
Người chiến thắng được đeo vòng
nguyệt quế sẽ được hưởng những phần thưởng của cuộc thi, trong đó có nội dung
được du học tại các nước phát triển. Đương nhiên sau khi học xong, các em được
quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp với bản thân, có điều kiện để phát huy năng
lực, sở trường của bản thân. Ở Úc, ở Pháp, ở Việt Nam hay ở các nước phương Tây
là tùy mỗi cá nhân. Cũng giống như các vị học tập xong không về quê làm việc mà
lại chọn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... làm nơi làm việc thôi.
Bao năm tư duy của một số người vẫn
chẳng thay đổi và không phát triển thêm gì cả. Đâu chỉ có vô địch chương trình
Đường lên đỉnh Olympia mới là nhân tài. Đừng quên những thủ khoa cả đầu vào, đầu
ra các trường đại học cũng là nhân tài; những học sinh đạt những giải thưởng quốc
gia, quốc tế cũng là nhân tài... Đặc biệt, đừng bao giờ quên “có tài mà không
có đức” thì tài đến mấy thì cũng thế thôi - giống “ai đó”.
Còn nếu các vị sân si về chuyện có
về Việt Nam để cống hiến cho quê hương, đất nước hay không thì nên mở rộng nhận
thức, tầm nhìn ra. Bởi vì đâu cứ phải ở Việt Nam mới cống hiến để xây dựng,
phát triển Việt Nam đâu. Hiện nay đang có hàng triệu người Việt Nam trên khắp địa
cầu vẫn ngày đêm lao động, học tập, công tác và làm rạng danh Tổ quốc.
Chưa kể cuộc thi "Đường lên đỉnh
Olympia" về bản chất là một gameshow nhưng khác với chương trình giải trí
đơn thuần thì đây là sân chơi trí tuệ. Có thể bạn là người chiến thằng trong
trò chơi nhưng không phải tất cả đều trở thành nhân tài.
Vì thế cũng đừng quá kỳ vọng, thần
tượng quá về một gameshow. Bởi lẽ muốn tìm hiền tài ở bất cứ quốc gia nào thì
phải đón chờ kỳ thi đại học, Olympic quốc tế nơi mà tập thể thủ khoa, á khoa,
huy chương vàng, bạc sẽ được điểm danh và nối gót cha anh làm rạng danh đất nước.
Chứ không phải ở chốn truyền hình, giải trí nhiều tiếng vỗ tay không quên chèn
thêm quảng cáo.
Nếu chỉ cần lên tivi mà vớt được nhân tài thì hãy mời thí sinh Ai là triệu phú làm Bộ trưởng Tài chính, Hãy chọn giá đúng làm Bộ trưởng Thương mại và chọn thằng hề mít ướt cắm rễ tre vào mồm đi đóng phim để làm Bộ trưởng Văn hoá nước nhà chứ cần gì quy hoạch, tuyển chọn khắt khe?
Hãy nhớ “muốn làm nhân tài thì mở sách ra và muốn tìm nhân tài thì tắt tivi đi”!./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét