Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Tư duy mới về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.

 

Thế trận là một trong những nội dung cơ bản của xây dựng nền quốc phòng toàn dân, của nghệ thuật quân sự. Trong điều kiện thời bình, chúng ta có điều kiện xây dựng, bố trí thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng thủ chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng chuyển hóa thế trận chiến tranh nhân dân khi có nguy cơ xảy ra chiến tranh xâm lược. Thế trận quốc phòng được xây dựng cả thế trận trong nước và thế trận ở ngoài nước, nhất là các địa bàn trọng điểm chiến lược; liên kết chặt chẽ nội địa với biên giới, đất liền với biển, đảo; biển, đảo gần bờ với xa bờ. Thế trận quốc phòng phải được tổ chức toàn diện bao gồm cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao và “thế trận lòng dân”. Liên quan đến xây dựng thế trận quốc phòng, Đại hội XIII của Đảng có những phát triển mới về nhận thức và tư duy gồm:

Một là, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”. Xây dựng “thế trận lòng dân” là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng Việt Nam; là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng và cả hệ thống chính trị.

“Thế trận lòng dân” là nhân tố luôn được Đảng quan tâm trong xây dựng nền quốc phòng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định: Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân”. Kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Đại hội XII của Đảng xác định: Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh vững chắc;... Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền an ninh nhân dân. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và phát triển: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”.

Xây dựng thế trận quốc phòng được tiến hành toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, song phải lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là then chốt. Mặt khác, bên cạnh tiếp tục coi trọng việc xây dựng “thế trận lòng dân”, thì Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung yêu cầu phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Điều này cho thấy Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố “thế trận lòng dân” và cần phát huy mạnh mẽ nhân tố này vào thực tiễn xây dựng tiềm lực quốc phòng.

Hai là, tư duy mới trong kết hợp mối quan hệ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh. Nghị quyết Đại hội XII xác định: Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã có sự phát triển tư duy mới về mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Trong đó, nội dung “đối ngoại” không còn tách riêng mà được đặt cùng với “kinh tế, văn hóa, xã hội”. Việc kết hợp này thể hiện tư duy, yêu cầu đòi hỏi hiện nay để phù hợp với vị thế của Việt Nam cũng như xu thế hợp tác quốc tế. Đại hội XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn, không chỉ “kết hợp chặt chẽ” như Đại hội XII của Đảng đặt ra mà còn phải “kết hợp hiệu quả”. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”. Điều này thể hiện tư duy, tầm nhìn vừa chiến lược, toàn diện, vừa cụ thể, thực tiễn để bảo đảm sự kết hợp có hiệu quả.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét