Nói đến Tây Nguyên không thể không nhắc đến Anh hùng Núp, người con tiêu biểu của đại ngàn Tây Nguyên. Tên tuổi của Anh đã bay qua “chín núi, mười đèo”, qua nửa vòng trái đất, tới tận đất nước Cu Ba anh em. Cuộc đời của Anh hùng Núp đã đi vào nghệ thuật với nhiều tác phẩm âm nhạc, văn, thơ, nổi tiếng với tác phẩm “Đất nước đứng lên” của Nhà văn Nguyên Ngọc… để biết bao thế hệ những người con Tây Nguyên và cả nước ngưỡng vọng, tự hào.
Anh hùng Núp còn có tên là Sar, người dân tộc Bahnar (Ba-na), sinh ngày 02 tháng 5 năm 1914, tại làng Stơr, xã Nam, huyện KBang, tỉnh Gia Lai. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Thôn đội trưởng du kích, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Núp mồ côi cha từ khi 10 tuổi. Năm 15 tuổi, Núp đã phải đi phu và bị đánh đập dã man, nên đồng chí sớm căm thù quân giặc. Năm 1935 quân Pháp về lùng bắt phu, dân làng lánh hết vào rừng, một mình đồng chí ở lại dũng cảm dùng nỏ bắn chết một tên giặc. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Lính Pháp trốn qua làng, đồng chí mưu trí đi báo Nhật về vây bắt, lợi dụng cơ hội, Núp lấy được khẩu súng và 10 hòm đạn sử dụng để chiến đấu.
Trong cách mạng tháng Tám, đồng chí tích
cực tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền và từ đó đến năm 1954, hoạt động
chiến đấu ở địa phương. Trong hoàn cảnh rất khó khăn: địch liên tiếp càn quét,
đốt làng dồn dân, phá rẫy, nhân dân thì trình độ giác ngộ chưa cao, lại đói
rét, thiếu muối, bệnh tật nhiều… đồng chí đã luôn dũng cảm, gương mẫu đi đầu
trong chiến đấu và sản xuất, kiên trì vận động tổ chức nhân dân vượt qua mọi
khó khăn, vừa bảo đảm sản xuất tốt, vừa chiến đấu chống giặc thắng lợi, duy trì
và phát triển phong trào cách mạng ở địa phương ngày càng vững chắc.
Suốt 3 năm từ 1947 đến 1949, là những
năm đầu kháng chiến gay go gian khổ nhất. Địa phương đồng chí Núp mất liên lạc
với trên nên gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Núp vẫn tin tưởng vào thắng lợi. Nắm
vững phương châm “trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh”, đồng chí Núp đã
lãnh đạo nhân dân năm lần thay đổi chổ ở. Đi đến khu rừng nào đồng chí cũng vận
động nhân dân phát triển sản xuất bảo đảm lương thực đủ ăn, xây dựng làng chiến
đấu, tổ chức du kích kiên quyết đánh giặc, diệt được 80 tên.
Năm 1950, địch ra sức càn quét bình
định, khủng bố vùng du kích Tây Nguyên rất gắt gao, đồng chí Núp vẫn kiên trì
vận động nhân dân trong làng đoàn kết rào làng chiến đấu, sáng tạo nhiều cách
đánh như dùng chông, mìn, cạm bẫy, tên nỏ diệt địch làm cho quân Pháp nhiều
phen kinh hoàng, bảo vệ nương rẫy và dân làng. Đặc biệt trong trận chống càn
tháng 10 năm 1952, liên tục 7 ngày liền, đồng chí chỉ huy trung đội du kích
ngoan cường luồn rừng chiến đấu với cả trung đoàn địch, diệt nhiều tên, phá vỡ
trận càn của chúng, bảo vệ được tài sản và tính mạng của nhân dân. Bản thân
đồng chí đã gương mẫu về mọi mặt, đồng chí còn giáo dục xây dựng gia đình gương
mẫu về sản xuất, tích cực tham gia canh gác, chiến đấu giữ làng, nuôi giấu cán
bộ, bài trừ mê tín dị đoan, đoàn kết bản làng.
Núp được dân làng và đồng đội yêu mến,
tin cậy, xứng đáng là lá cờ đầu trong phong trào thi đua giết giặc cứu nước của
đồng bào Tây Nguyên. Núp đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất,
Huân chương Chiến công hạng Nhì, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một áo lụa và
huy hiệu của Người. Khi tập kết ra Bắc, nhiều lần Núp được gặp Bác Hồ.
Năm 1955, được kết nạp vào Đảng Nhân dân
Cách mạng miền Nam Việt Nam.
Năm 1963, Đinh Núp trở về Nam chiến đấu.
Năm 1964, Đinh Núp thăm Cộng hòa Cu Ba
theo lời mời của Chủ tịch Fidel Castro.
Các chức vụ ông đã đảm nhiệm:
Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Gia Lai -
Kontum (1976).
Đại biểu Quốc hội khóa VI (1976 - 1981),
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa
VI (1976 - 1981).
Ông là nhân vật chính, nguyên mẫu trong
bộ tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, tác phẩm này đã được
dựng thành phim.
Ông mất ngày 10 tháng 7 năm 1999 tại Gia Lai; hưởng thọ 86 tuổi.
Anh hùng Núp đã đi xa. Thể phách ông đã
chìm vào đất mẹ nhưng tinh anh ông mãi còn với dân tộc như một biểu tượng của ý
chí Việt Nam anh hùng, của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét