Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

“Bệnh” xa dân

 

       Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị được nâng cao; coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân; góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Trong 5 năm qua, các cấp ủy đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức hơn 90.000 hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; MTTQ, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân đã có hơn 32.000 ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

       Một trong những bài học kinh nghiệm được Đảng ta rút ra từ những thành công của quá trình đổi mới, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Đó chính là nguyên nhân quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, thu được những thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Nhiều lĩnh vực để lại dấu ấn nổi bật như tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, chống tham nhũng, lãng phí... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

      Nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân ai cũng thấy đúng, thấy quan trọng, cần thiết, nhưng trong thực tế vận hành nguyên tắc thì còn tồn tại nhiều hạn chế, khuyết điểm. Nghị quyết Đại hội XIII xác định: “Công tác dân vận có nơi, có lúc còn hạn chế; một số cấp ủy, tổ chức đảng còn xem nhẹ công tác dân vận; việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là ở những địa bàn phức tạp chưa kịp thời, sâu sát. Công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và trách nhiệm của nhân dân còn một số bất cập. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp, nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”(2).

     Không ít cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở chưa quan tâm, chú trọng phòng ngừa, phát hiện sớm, chưa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chưa giải quyết triệt để những bức xúc chính đáng của nhân dân, vẫn để xảy ra những “điểm nóng” về chính trị-xã hội. Cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực vẫn ở tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khiến người dân có cảm giác “quan ở xa, bản nha ở gần”. Các tổ chức chính trị-xã hội hoạt động còn nặng về hành chính, chưa thực sự thu hút, lôi cuốn quần chúng. Cán bộ làm công tác ở MTTQ các cấp còn bị xem nhẹ, chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả, chưa có nhiều cán bộ giỏi đam mê làm công tác này. Tinh thần phục vụ nhân dân của không ít cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính chưa tốt; công tác cải cách hành chính còn chậm. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn nặng về hình thức. Cấp ủy, tổ chức đảng ở một số nơi chưa thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên chưa bám sát đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, công nhân lao động ở các khu công nghiệp...

     Một bộ phận cán bộ, đảng viên vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân. Trong xã hội đang hình thành một tầng lớp thượng lưu “đặc quyền, đặc lợi”, sống xa xỉ, hưởng lạc, xa cách nhân dân lao động, trong đó có cả đảng viên hoặc vợ con của những đảng viên là cán bộ cấp cao. Một số cấp ủy, tổ chức đảng ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết thiếu khoa học, thiếu dân chủ, không đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII cho rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường(3).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét