Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

CÙNG ĐỌC VÀ SUY NGẪM: ĐỜI TẦM GỬI!

     Nếu chỉ vì miếng cơm manh áo, chỉ vì danh lợi thuần túy mà “sống nhờ, sống gửi, sống bám” vào người khác, vào tập thể thì chẳng khác nào một đời tầm gửi.

Trong thế giới thực vật, có một loại cây muốn tồn tại phải suốt đời đeo bám, ký sinh vào cây khác, đó là tầm gửi. “Ký sinh” có nghĩa là sống nhờ vả, phó thác. Tầm gửi suốt đời phải “ăn nhờ ở đậu” cây chủ mới có chất dinh dưỡng để sinh tồn.

Từ số phận của loại tầm gửi “sống gửi thác nhờ” mà người đời liên tưởng đến những kẻ sống dựa dẫm, ỷ lại, ăn theo nói leo, đeo bám vào người khác, vào tập thể mới có thể tồn tại, dung thân. Những kẻ tầm gửi thời nay biểu hiện dưới muôn hình muôn vẻ: Thô thiển có, lươn lẹo có, tinh vi có, nhợt nhạt có, buông xuôi có.

Với những kẻ thô thiển, đi đâu, ở chỗ nào họ cũng “đánh bóng” bản thân bằng cách luôn tỏ ra là người giao thiệp rộng rãi, quan hệ với nhiều VIP trong xã hội. Họ thích khua môi múa mép, thao thao bất tuyệt rằng “Tôi quen biết ông X, chơi thân với bà Y, quan hệ mật thiết với anh Z”. Ông X, bà Y, anh Z là những người nếu không có quyền cao chức trọng được nhiều người biết đến, thì cũng là những người nắm giữ các công việc có thể mang lại lợi ích, “lộc chùa” cho người khác, trong đó có bản thân họ. 

Với những kẻ lươn lẹo, họ chẳng bao giờ sống thực với chính mình. Đối với cấp trên, họ thường thể hiện sự nhún nhường, khúm núm, “một dạ, hai vâng” và luôn biết “chọn thời, lựa vận” để tâng bốc, bỡ đợ từng lời ăn tiếng nói của bề trên. Với đồng nghiệp, đồng cấp, họ thực hiện phương châm “im lặng là vàng”, “gió chiều nào che chiều ấy”, thích vuốt ve, nuông chiều để lấy lòng người khác. Cách sống dè dặt, bạc nhược đó cũng không ngoài mục đích được nhiều người “chở che, đùm bọc” để dễ bề tiến thân hay kiếm chác, thu vén lợi lộc cho cá nhân.

Với những kẻ tinh vi, họ không bao giờ dám bộc lộ cá tính bản thân trong tập thể. Thấy đúng họ không những không bảo vệ mà còn giả vờ như “không nghe, không biết”; thấy sai không những không dám phê phán, mà còn tìm cách tránh xa vì sợ đấu tranh thì “không sứt đầu cũng mẻ tai”, chẳng dại gì mà tự liên lụy đến mình. Kiểu sống khư khư giữ bản thân như thế có thể được tiếng là chan hòa, nhưng thực chất đó là một thứ sống “dựa hơi” vào tập thể để mà tồn tại.

Với những kẻ nhợt nhạt, họ sống lắt lay như một cái bóng âm thầm trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Không bon chen, chẳng tranh đua, không ưa cả “phe này” lẫn “cánh nọ”, cứ tưởng họ sống biết điều, trung lập vì không đụng chạm đến ai, nhưng thực tế lối sống trung dung, hời hợt đó cũng là một kiểu ỷ lại, ký sinh vào tập thể!

Với những kẻ buông xuôi, họ cho mọi thứ như nước chảy bèo trôi, chẳng mấy khi quan tâm đến chuyện buồn vui của người khác, của tổ chức. Những người này có thể có công lao, thành tích trong quá khứ, nhưng thấy công việc, cuộc sống hiện thời không như mình mong muốn nên đâm ra chán nản, tự co cụm trong “cái tôi” nhỏ bé của mình rồi loay hoay hoài niệm theo kiểu “ăn mày dĩ vãng” và rơi vào chủ nghĩa “makeno” (mặc kệ nó). Những người lấy quá khứ “vang bóng một thời” như một thứ dây neo để bám vào tập thể rồi chờ đợi đến ngày nhận sổ lương hưu, tuy chưa phổ biến song cũng không còn là hiện tượng cá biệt.

Châm ngôn có câu “Cây thẳng bóng ngay, cây cong bóng vẹo” và “Sống chớ khom lưng, uốn gối, dập đầu”. Ai sống lom khom thì lưng dễ còng. Ai hay quỳ thì gối dễ trầy xước. Ai hay dập đầu thì cổ dễ nghẹo. Người nào mà không tự đứng trên đôi chân, không tự đi bằng chính đôi chân của mình thì mặt mày khó có thể ung dung ngẩng cao đầu trước thiên hạ. Nếu chỉ vì miếng cơm manh áo, chỉ vì danh lợi thuần túy mà “sống nhờ, sống gửi, sống bám” vào người khác, vào tập thể thì chẳng khác nào một đời tầm gửi.  

Đã là đời tầm gửi chẳng bao giờ có tự do. Khi cây nhờ cậy bị gió bão làm thân gãy cành rơi thì tầm gửi cũng dễ rã rời, tan nát. Còn nếu cây chẳng may chết đi thì tầm gửi cũng tàn lụi theo. Đã là tầm gửi thì không thể có cuộc sống thực, bởi nó tồn tại theo sự tồn tại của “cây chủ” mà nó nhờ vả, ăn bám. Đời tầm gửi như thế, thật nhạt nhòa thay!
Môi trường ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét