Trong Báo cáo Chính trị
trình Đại hội XIII, Đảng ta đã dự báo tình hình thế giới và đất nước trong
những năm tiếp theo tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói
chung và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch nói riêng. Bốn nguy cơ, trong đó có tình trạng tham
nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc
biệt, “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất
nước ta”, “Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng
tinh vi hơn”. Đây được nhận định là một trong những nguy cơ đe dọa trực
tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta và tác động trực tiếp đến
công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở nước ta trong thời gian tới.
Xuất phát từ cả những
kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập còn tồn tại, trong thời gian tới, để
nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần chú trọng đến các giải
pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
của cấp ủy và Ban Chỉ đạo 35 các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác
tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch. Đây là yếu tố đóng vai trò tiên quyết đến chất lượng,
hiệu quả của công tác tuyên tuyền, làm cho công tác tuyên truyền được tiến hành
thường xuyên, liên tục, với nội dung và hình thức phù hợp, với các điều kiện
bảo đảm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình
hình mới. Theo đó, cấp ủy đảng các cấp, trực tiếp là Ban Chỉ đạo 35 từ
Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền về bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những cách thức thiết thực, hiệu quả, sáng
tạo, ngày càng đi vào thực chất để tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho
cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Hai là, đổi mới nội dung tuyên truyền về bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với những biến đổi nhanh chóng của tình
hình thực tiễn. Xuất phát từ những thay đổi nhanh chóng, khó lường của
thực tiễn, nội dung tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay ngoài những vấn
đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung vào
những vấn đề cơ bản, trọng tâm trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; nhận
diện đầy đủ những cơ hội, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức trong
những năm tới; chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái,
thù địch gắn với bảo vệ những quan điểm, chủ trương, chính sách, sự kiện, sự
việc cụ thể và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm “lấy xây làm
chính”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Việc đổi mới, cập nhật nội dung tuyên
truyền theo hướng này sẽ làm cho nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng ăn
sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân, trở thành “kim chỉ
nam” định hướng cho hoạt động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Các hình
thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, gắn với đặc điểm của từng bộ phận
quần chúng nhân dân. Ngoài việc tuyên truyền theo những cách thức truyền thống
như quán triệt, học tập nghị quyết, viết tin bài trên báo chí, cần đẩy mạnh
tuyên truyền trên internet và mạng xã hội. Cách thức tuyên truyền cần có sự đổi
mới linh hoạt gắn với nhu cầu, thị hiếu và xu hướng của xã hội. Ngoài ra, cần
xây dựng các chiến dịch truyền thông chủ động trong các dịp đất nước có các sự
kiện chính trị lớn hay trong những thời điểm khó khăn, nhiều thử thách để các
dòng thông tin tích cực trở thành chủ lưu, tránh để các thế lực thù địch có cơ
hội chiếm lĩnh trận địa thông tin để tung ra các luận điệu xuyên tạc, bóp méo
sự thật hòng dẫn dắt, hướng lái dư luận theo ý đồ chống phá. Chú trọng tính
chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả của các thông tin tuyên
truyền.
Bốn là, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước
với các hoạt động tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần tiếp
tục nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, trong đó chú trọng đến việc “xử lý
nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo
chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có sơ
sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đẹp đến dư luận xã hội”. Do đó, các cơ quan
Nhà nước cần xiết chặt cơ chế quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất
bản, truyền thông… trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội
ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường
quản lý và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí; tập trung xây dựng đội
ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, cáo cáo viên có bản lĩnh
chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ để nâng cao
hiệu quả công tác tuyên truyền”. Giải pháp này giúp cho đội ngũ cán bộ làm công
tác tuyên truyền sẽ truyền tải đúng đường lối, chủ trương của Đảng, tinh thần
của Nghị quyết; khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ do yếu kém về năng
lực, nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm mà tuyên truyền không
đúng, xa rời đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng chạy theo tâm lý đám đông mà bỏ qua
tính đảng, tính chính trị trong các hoạt động tuyên truyền nên dễ dàng bị các
thế lực thù địch mua chuộc, lôi kéo, đưa các thông tin tuyên truyền đi ngược
lại với đường lối, chủ trương của Đảng.
Sáu là, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật
chất - kỹ thuật, xây dựng, phát triển và tăng cường phối hợp các lực lượng
trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, thù địch. Trong bối cảnh phát triển của truyền thông hiện
đại, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng nhất thiết phải chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, đẩy mạnh
chuyển đổi số để hiện đại hóa các cơ quan, phương tiện truyền thông, tạo hiệu
ứng lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Ngoài lực lượng cán bộ chuyên trách ở
ban tuyên giáo các cấp, cần xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, lực
lượng xung kích để tạo thành mạng lưới tuyên truyền rộng khắp. Bên cạnh đó các
cơ quan tuyên truyền cần có sự phối hợp chặt chẽ để kết nối, lan tỏa những nội
dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tạo thành mạng lưới
thông tin tuyên truyền tích cực, góp phần “pha loãng”, đẩy lùi các thông
tin tiêu cực./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét