Những hỗ trợ hiệu quả

Phóng viên (PV): Thưa ông, trong năm vừa qua, JICA đã hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều và những hỗ trợ đó có dấu ấn rõ nét. Theo ông, đâu là điểm nhấn trong sự hỗ trợ này?

Ông Sugano Yuichi: Trong tài khóa năm 2022, tính từ tháng 4-2022 đến hết tháng 3-2023, tổng giá trị cam kết vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam là 18,9 tỷ yên (tương đương gần 3.100 tỷ đồng), chưa bao gồm tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân. Một trong những kết quả nổi bật trong tài khóa năm 2022 mà tôi muốn đề cập đến là hệ thống các thiết bị quan trắc thủy văn và hệ thống thông tin quản lý thiên tai kết hợp dự báo lũ, thuộc khuôn khổ dự án viện trợ không hoàn lại đã được khánh thành vào tháng 5-2022 tại miền Trung Việt Nam-nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai, nhất là bão lũ.

Luôn sẵn sàng đồng hành với Việt Nam
 Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, JICA cũng đang triển khai dự án hợp tác kỹ thuật hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu rủi ro do lũ quét và sạt lở đất ở khu vực phía Bắc, hay cải thiện độ chính xác trong dự báo khí tượng trên toàn quốc, trước thực tế thiệt hại do thiên tai ngày càng tăng trong những năm gần đây. Về hoạt động của JICA Việt Nam trong tài khóa n2023, một kết quả nổi bật cần phải kể đến là thỏa thuận vay ODA được ký kết vào tháng 7 vừa qua cho 3 dự án, với tổng trị giá lên đến hơn 60 tỷ yên (tương đương với 10.672 tỷ đồng) trong 3 lĩnh vực: Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng đô thị; tăng cường chuỗi cung ứng nông sản; phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hậu đại dịch Covid-19. Đây là lần ký nhiều thỏa thuận vay ODA nhất cùng một lúc sau 6 năm kể từ năm 2017.

PV: Theo ông, làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều hơn và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn vay ODA?

Ông Sugano Yuichi: Mục đích của nguồn vốn ODA là hợp tác để góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, tuy nhiên, để việc triển khai các dự án ODA được thuận lợi thì điều quan trọng là nước nhận viện trợ ODA/khoản vay ODA phải có những quy định rõ ràng, dễ hiểu và thủ tục nhanh chóng.

Sự chậm trễ trong quy trình, thủ tục phê duyệt có thể khiến tổng chi phí dự án tăng do lạm phát, biến động tỷ giá, giá vật tư, thiết bị tăng cao trong thời gian dự án bị kéo dài. Do đó, JICA cùng với các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hiện đang đề nghị Chính phủ Việt Nam có các biện pháp cải thiện.

Đặc biệt, chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ cải thiện các thủ tục phê duyệt, giảm tải số lượng các tài liệu cần trình nộp liên quan đến dự án cũng như thay đổi các quy định về cho vay lại. Chúng tôi tin rằng nếu những điều trên được cải thiện thì nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.

Ưu tiên hợp tác 4 lĩnh vực

PV: Thời gian tới, JICA định hướng hỗ trợ phát triển đối với Việt Nam như thế nào, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thưa ông?

Ông Sugano Yuichi: JICA sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực, trước hết là lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Theo đó, 2 dự án vốn vay ODA mới được ký kết là Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương và Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng”, sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông công cộng đô thị và chuỗi cung ứng nông sản.

Về tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tiến độ công trình của tuyến hiện đạt khoảng 96%, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay và kỳ vọng tuyến metro số 1 có thể đi vào vận hành khai thác từ tháng 7-2024.

Luôn sẵn sàng đồng hành với Việt Nam

Dây chuyền sản xuất vaccine thuộc Nhà máy sản xuất vaccine do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Ảnh do JICA cung cấp

Lĩnh vực hợp tác trọng tâm tiếp theo của JICA là phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học tại Trường Đại học Việt Nhật (VJU) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Cần Thơ, JICA đã bắt đầu triển khai một dự án mới nhằm cải thiện môi trường phái cử cho các thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản, trong đó sẽ triển khai dự án xây dựng cổng thông tin nhằm mang đến thông tin tuyển dụng hữu ích cho các lao động có nhu cầu đi làm việc ở Nhật Bản.

Ngoài ra, trong Dự án hợp tác của JICA với Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản (Viện VJCC), nhiều khóa đào tạo đã và sẽ được tổ chức cho đội ngũ quản lý và điều hành doanh nghiệp, tiếp tục góp phần phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian tới, JICA cũng sẽ ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực y tế. Thông qua hợp tác với 3 bệnh viện hạng đặc biệt mà JICA đã hỗ trợ trong thời gian dài là Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên Huế), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), JICA sẽ hỗ trợ thiết lập hệ thống đào tạo từ xa ứng dụng chuyển đổi số nhằm góp phần tăng cường năng lực y tế tuyến dưới và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Cùng với đó là hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu. JICA đang nghiên cứu và xây dựng các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam bằng khoản tín dụng thuộc khuôn khổ của hoạt động “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”. Ngoài ra, JICA sẽ sử dụng Quỹ khí hậu xanh (GCF) thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng lộ trình thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THU HƯƠNG (ghi)

nguồn báo qđnd