Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

NGƯỜI LÃNH ĐẠO TỐT PHẢI LÀ NGƯỜI BIẾT LẮNG NGHE TỐT. XOÁ BỎ CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, BẢO THỦ.

 Lắng nghe - một kỹ năng trong giao tiếp, một nội dung dân chủ của nguyên tắc tập trung dân chủ - tưởng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống và trong tổ chức, nhưng không phải ai cũng làm được. Thực tế không ít người, kể cả cán bộ lãnh đạo có biểu hiện chủ quan, duy ý chí, phớt lờ, bảo thủ không chịu lắng nghe ý kiến của người dân, của nhân viên và cán bộ cấp dưới, kể cả những lời nói phải, đã đánh mất sự sáng suốt cần thiết…

Lắng nghe là một nghệ thuật, một kỹ năng trong giao tiếp. Đối với mỗi cá nhân, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần thành công trong công việc. Trong giao tiếp, nếu lắng nghe một cách tập trung sẽ hiểu người khác muốn nói gì, mong muốn điều gì, qua đó sẽ giúp cho người nghe tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng… từ người khác. Đối với người lãnh đạo giỏi, lắng nghe càng có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều lần, bởi thay vì làm nổi bật bản thân, thì họ quan tâm lắng nghe, dành nhiều “quyền nói” cho đối phương, khiến đối phương cảm thấy mình được tôn trọng nên sẽ nói hết suy nghĩ của mình về vấn đề được quan tâm. Người lãnh đạo có thái độ “lắng nghe chân thành” của mình đối với cấp dưới, với nhân dân luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ý kiến nào từ của bất kỳ ai. Hiện nay, có không ít lãnh đạo chưa chịu khó lắng nghe vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý “sếp lớn”, họ bảo thủ và nghĩ rằng mình là giỏi, mình là lãnh đạo, nên thích nghe lời khen, tán thành mà không muốn nghe những ý kiến trái chiều của cấp dưới. Đó là làm trái với phong cách Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Dân vận của Người.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân là đạo đức, phong cách của người cách mạng chân chính. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu người cán bộ phải luôn lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân. Người chỉ ra rằng, đã là cán bộ lãnh đạo thì “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng. Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Giữ mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lắng nghe không chỉ là đòi hỏi thường ngày trong mỗi công việc mà càng được coi trọng trong những sự việc khó khăn, phức tạp, thậm chí cả những thất bại cũng không né tránh. Người căn dặn: “Muốn cho dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói ...”. Hơn nữa, Người còn căn dặn: Muốn phụng sự và là “công bộc” của dân thì người cán bộ, đảng viên không chỉ biết gần gũi với nhân dân, biết trọng dân, biết nghe dân nói, mà còn phải biết nói cho dân nghe, làm cho dân tin. Trong công tác, muốn lắng nghe ý kiến của nhân viên, của những người xung quanh thì người lãnh đạo phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong các cơ quan, đoàn thể. Người nói: “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì để nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Cho nên phải biết động viên, khuyến khích khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên cũng không sợ nghe sự thật. Bởi vậy, muốn thành công trong công việc của mình đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải biết lắng nghe và phải kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của quần chúng, của nhân viên và của cán bộ dưới quyền, đặc biệt là “những ý kiến trái tai” chứ không phải “những ý kiến êm tai”, vì đây là những ý kiến phản biện tốt nhất. Để làm được điều đó, người lãnh đạo phải có phương pháp lãnh đạo tốt, có phong cách gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc đi thực tế ở cơ sở để kiểm tra tình hình và khi đi cơ sở, về với dân rất ít khi Người báo trước, bởi vì Người muốn nắm người thật, việc thật, thông tin thật từ cơ sở. Đặc biệt, Người rất ít khi ăn cơm ở những cơ sở, địa phương nơi Người đến kiểm tra, nắm tình hình. Vì Người nói: “Dân ta có câu há miệng mắc quai, về cơ sở mà ăn uống, nhận quà thì làm sao có thể phê bình được cơ sở? Hiện tượng “khách ba, chủ nhà bảy” không chỉ gây tốn kém mà còn mang tiếng với dân”. Người còn cảnh báo: “Cán bộ về xã không khéo thành cán bộ thịt gà, lá chanh. Chủ tịch nước không khéo đi đến đâu bò non, lợn béo bị giết thịt hết đến đó”.
Thế nhưng, thực tế có không ít cán bộ cấp trên không những ít đi cơ sở trong nước, ít gần gũi cán bộ cấp dưới và nhân dân mà khi đi còn làm trái với những điều Bác Hồ đã cảnh báo nói trên, gây dư luận không tốt trong dân và địa phương, cơ sở. Đã vậy thì làm sao lắng nghe được tiếng nói thật từ cơ sở, hiểu được hơi thở của cuộc đang diễn ra. Có không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện phớt lờ, không chịu lắng nghe cả những lời nói phải, nói thật, nói đúng của những người xung quanh; không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn kiến nghị của nhân dân, thậm chí, họ còn cho rằng mình có thói quen “số lạ tôi không bao giờ nghe” ...
Đúng như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ ra là: Không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác bắt nguồn từ sự duy ý chí, bảo thủ. Biểu hiện của người không biết lắng nghe không chỉ ở chỗ ít ghi nhận, tiếp thu ý kiến người khác mà còn thể hiện ở thái độ luôn áp đặt ý kiến cá nhân mình, luôn phê bình, bác bỏ ý kiến người khác, nhất là những ý kiến phản biện. Thực chất, đó là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Hệ quả là, chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, của lãnh đạo không được thảo luận thấu đáo, không lắng nghe ý kiến của cấp dưới … nên khi ban hành và đi vào cuộc sống hoặc chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng như vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG theo chỉ đạo sai trái của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đã bị khai trừ đảng). Cũng vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vi phạm quy chế làm việc mà nhiều cán bộ cao cấp, nguyên cán bộ cao cấp của Đảng đã bị kỷ luật cách chức, xóa chức như: Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Lê Phước Thanh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; …
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, nhưng chủ yếu là có lúc, có nơi một số cán bộ lãnh đạo và cấp ủy còn nặng về tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Không ít nơi, tập thể chỉ là “bình phong” hợp thức hóa ý kiến người đứng đầu. Không ít cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu vừa không bám sát nội dung nguyên tắc, quy chế làm việc, thiếu bàn bạc dân chủ trong nội bộ, vừa lợi dụng vị trí, chức trách, quyền hạn được giao để áp đặt ý kiến chủ quan của mình. Mặt khác, một số cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành vì động cơ, mục đích vụ lợi mà không thực sự tôn trọng, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể. Tập thể cấp ủy, lãnh đạo một số nơi lại thiếu sức chiến đấu, nể nang, ngại va chạm, không dám nói khác, làm khác ý kiến người đứng đầu, làm cho dân chủ bị lợi dụng, thậm chí bị vô hiệu hóa.
Cùng với đó là tình trạng chưa nghiêm túc chấp hành kỷ cương pháp luật, lạm quyền vì lợi ích của một bộ phận cán bộ các cấp; việc "trên bảo dưới không nghe" hoặc "dưới nói trên cũng không nghe" không phải là hiếm, đã làm giảm niềm tin của nhân dân đối với kỷ cương pháp luật và tính liêm chính của chính quyền các cấp. Một thực tế đáng buồn là: Trong khi không ít nơi, đời sống nhân dân, của cán bộ, công chức, viên chức còn khó khăn, thiếu thốn, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống xa hoa, vô trách nhiệm trước những khó khăn, đau khổ của nhân dân ...
Để không còn những hiện tượng cán bộ xa dân, không lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, việc đầu tiên và quan trọng là phải đoàn kết, thực sự phát huy dân chủ trong thực hiện mọi công việc. Người lãnh đạo phải thật sự gương mẫu, biết lắng nghe, nhưng tuyệt đối không được theo đuôi quần chúng (bất kể họ là ai); ngược lại, phải bản lĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không tư lợi.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải coi lắng nghe là một kỹ năng, phương pháp không thể thiếu trong công tác lãnh đạo, quản lý; phải rèn luyện kỹ năng lắng nghe, nghe đủ, nghe đa chiều; phải xây dựng phong cách làm việc gần dân, trọng dân, bám sát cơ sở và thực tiễn; tôn trọng các quy luật khách quan, không được quan liêu, mệnh lệnh, hành chính hóa trong công tác; phải thực hiện cho được “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, nói đi đôi với làm, không dừng lại ở việc hô hào, kêu gọi mà cần hành động cụ thể, thiết thực. Để thể hiện thái độ “lắng nghe chân thành” của mình đối với cấp dưới, với nhân dân, người lãnh đạo nói riêng và cán bộ, đảng viên nói chung phải luôn trong trạng thái: (i) Chủ động dành thời gian lắng nghe và trả lời bất cứ thắc mắc nào của họ về công việc; (ii) Lắng nghe lời góp ý với thái độ chân thành, cởi mở nhất; (iii) Dù ý kiến góp ý của họ không như ý muốn của mình thì người lãnh đạo cũng nên lắng nghe hết câu nói của họ và đưa ra nhận định của mình, đồng thời có lời cảm ơn đến góp ý của họ./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét