Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ BÁU VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

 

          1. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam, có vai trò quyết định thành công của cách mạng

          Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc vì lợi ích của Nhân dân, lợi ích của quốc gia - dân tộc Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc... để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, ta cần đoàn kết để xây dựng nước nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

          Trước sau như một, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi trong kho tàng truyền thống quý báu của dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguộn sức mạnh, là động lực chủ yếu mang đến thành công cho cách mạng Việt Nam. Đây cũng là giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho chiến lược đại đoàn kết của Đảng Cộng sản Việt Nam đi tới thắng lợi.

          Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc “là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

          2. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng và do Đảng Cộng sản lãnh đạo

          Khối đại đoàn kết toàn dân tộc muốn mở rộng và phát triển thì cần phải có một hình thức tổ chức, đó chính là mặt trận dân tộc thống nhất. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đoàn kết mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, nam nữ, lứa tuổi… nhưng không phải là một tập hợp lỏng lẻo, ngẫu nhiên, tự phát mà là một khối đoàn kết chặt chẽ, có tổ chức trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi.

          Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và coi đó là một nguyên tắc có ý nghĩa như là một quy luật để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu vì chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam được vũ trang bởi chủ nghĩa Mác-Lênin mới đánh giá đúng vai trò, sức mạnh của nhân dân Việt Nam trong lịch sử.

          3. Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải theo nguyên tắc đảm bảo lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc, quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động; đồng thời quan tâm đến quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân

          Trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc - thực hiện đại đoàn kết trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động. Trước đây, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc thì lợi ích tối thượng chung là giải phóng dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Nếu không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được. Bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa củng cố miền Bắc và giải phóng miền Nam; giữa cải thiện đời sống của nhân dân lao động với việc xóa bỏ giai cấp địa chủ và cải tạo đối với giai cấp tư sản dân tộc. Trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp lúc đó, để khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, mặt trận dân tộc thống nhất phải được mở rộng, Đảng đã nêu nguyên tắc tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, giàu mạnh, coi đó là mẫu số chung để thực hiện đoàn kết dân tộc.

          Đại hội lần thứ XIII, Đảng xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu đó cũng chính là đích đến quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy sự hòa quyện giữa Ý Đảng - Lòng Dân; giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

          4. Phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc

          Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân. Đó là đường lối chiến lược tạo ra sức mạnh để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

          Đảng luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân gắn với việc phát huy dân chủ trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện dân chủ trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở tất cả các cấp các ngành. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Trong đó, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khẳng định vấn đề có tính nguyên tắc: lấy dân làm gốc, phát huy quyền làm chủ của dân, nguồn lực nhân dân, thực hiện đoàn kết toàn dân; lấy liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng và do Đảng Cộng sản lãnh đạo; bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc, quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động; tổ chức đại đoàn kết dân tộc là mặt trận dân tộc thống nhất; lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục làm phương thức hoạt động chủ yếu.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét